Thứ Bảy, 21/9/2024
Đời sống
Thứ Ba, 26/11/2013 23:16'(GMT+7)

Thành phố Hồ Chí Minh tìm giải pháp bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn và Đồng Nai

Ngày 26/11, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và Báo Sài Gòn Giải Phóng đã phối hợp với tổ chức hội thảo “Giải pháp nào nhằm cứu chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn – Đồng Nai” với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học của Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Hội thảo đã tập trung thảo thuận, đánh giá những tác động của môi trường xung quanh đến chất lượng nguồn nước lưu vực sông, đưa ra các nguyên nhân và những giải pháp tổng thể nhằm bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai.
Theo Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) hiện trạng ô nhiễm trên sông Sài Gòn - Đồng Nai đáng báo động. Cụ thể, trên sông Sài Gòn, độ PH trong khoảng 5,16 đến 7,15, có xu hướng tăng dần từ thượng nguồn ra đến cửa sông; các chỉ số như oxy hòa tan, oxy sinh hóa, hóa học… đều không đạt tiêu chuẩn. Tương tự, trên sông Đồng Nai các chỉ số trên cũng không đạt. Mức độ nhiễm khuẩn về mật độ Coliform từ 230 đến 240.000 MPN/100 ml. Nguyên nhân chủ yếu do nước thải từ các khu dân cư, dịch vụ ăn uống dọc sông chưa được thu gom, xử lý. Bên cạnh đó, nguyên nhân xả thải của các khu công nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng.

Giáo sư- Tiến sỹ Tăng Đức Thắng, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, cho biết: Ước tính dung tích hữu ích của các hồ chứa trên lưu vực sông khoảng 7,7 tỷ m3. Trong tương lai, khi các hồ đang được xây dựng và đi vào vận hành sẽ bổ sung thêm khoảng 1,5 đến 1,6 tỷ m3 nước và sẽ bổ sung nguồn nước cho toàn khu vực không dưới 6 tỷ m3 vào mùa khô. Tuy nhiên, việc phát triển thủy điện, đặc biệt là ở thượng nguồn sông Sài Gòn - Đồng Nai đã làm thay đổi dòng chảy, gây tác động đến toàn bộ lưu vực sông. Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh biến đổi khí hậu việc xảy ra lũ lụt bất thường là điều khó tránh khỏi. Việc xây dựng các thủy điện, hồ tích nước đều có 2 mặt tích cực và tiêu cực. Đặc biệt , việc xây dựng hồ tích nước là cần thiết để điều tiết nước quanh năm. Vấn đề xây h ồ chứa nước, thủy điện không có l ỗi tuy nhiên lỗi thuộc về con người ở khâu thiết kế và vận hành công trình. Trong diễn biến của biến đổi khí hậu, các hồ chứa xây dựng trước đây đã không còn phù hợp nên cần phải tăng dung tích các hồ chứa. Bên cạnh đó, khi xây dựng các hồ chứa mới phải tính toán kỹ thuật làm sao để các hồ chứa phải phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đề cập đến các giải pháp nhằm bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai, Phó Giáo sư- Tiến sỹ Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ Môi trường đã kiến nghị các nhóm giải pháp công trình như phát triển diện tích rừng đầu nguồn, phòng hộ; xây dựng công trình thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt; di dời các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm… Bên cạnh đó, cần xây dựng các dự án phi công trình về phòng ngừa ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tăng cường năng lực cho các đơn vị liên quan và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường lưu vực sông.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận, mổ xẻ các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ nguồn nước sông như bảo vệ rừng đầu nguồn, phát triển công nghiệp, thủy điện dọc tuyến sông Sài Gòn - Đồng Nai; các khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề quy hoạch, kinh phí, nguồn nhân lực, áp dụng công nghệ xử lý nước thải công nghiệp... cũng như giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ nguồn nước trên lưu vực sông./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất