Chủ Nhật, 15/9/2024
Học và làm theo Bác
Thứ Bảy, 17/8/2019 19:0'(GMT+7)

Thành phố mang tên Bác: 50 năm thực hiện Di chúc của Người

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc hội thảo

   

MIỀN NAM YÊU QUÝ LUÔN TRONG TRÁI TIM BÁC!

Ngày 5-6-1911, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tạm biệt Tổ quốc, ra nước ngoài tìm đường cứu nước, cảng Sài Gòn là nơi tiễn Người. Ngày 2-9-1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh “đi gặp Các Mác, Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”, miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” vẫn chưa được giải phóng, đất nước vẫn chưa liền một dải, Người vẫn chưa vào được miền Nam để thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ như mong ước.

Trĩu nặng nỗi đau đất nước bị chia cắt, da diết nỗi nhớ miền Nam “đi trước về sau”, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Trái tim của tôi và của 17 triệu đồng bào miền Bắc luôn luôn đập một nhịp với trái tim của đồng bào miền Nam… không một giờ phút nào không nhớ đến đồng bào ruột thịt ở miền Nam đang chiến đấu anh dũng chống bọn Mỹ Diệm để cứu nước cứu nhà”(1). Khi gặp đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, trong không khí xúc động nghẹn ngào, Người ôm hôn đồng chí Nguyễn Văn Hiếu mà tưởng như đang ôm cả miền Nam vào lòng. Người hỏi thăm cặn kẽ tình hình đời sống, tinh thần chiến đấu của đồng bào miền Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu thay mặt các đại biểu báo cáo tình hình mọi mặt của miền Nam và gửi đến Người món quà của đồng bào miền Nam gồm: Bản cương lĩnh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, tập thơ của một chiến sĩ đã hy sinh trong nhà tù Mỹ - Diệm, tập ảnh về phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam và một lọ hoa do đồng bào làm bằng vỏ đạn đại bác Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận quà và nói Người không có gì tặng cho đồng bào miền Nam. Đưa tay mình lên ngực, nơi trái tim của người Cha già đang đau đớn và xúc động, Người nói: “Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”.

Trong những ngày cuối đời, lúc nằm trên giường bệnh, dù phải chống chọi với nỗi đau bệnh tật, song mỗi khi tỉnh lại, câu đầu tiên Người dành để nói, vẫn là những câu hỏi về tình hình chiến sự ở miền Nam. Khát vọng giải phóng miền Nam, niềm tin cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước sẽ giành thắng lợi, hai miền Nam Bắc sẽ sum họp một nhà là một trong những nội dung quan trong được Người dặn lại trong Di chúc: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải rút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”(2).

Không chỉ tràn đầy niềm tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cương lĩnh chính trị đề cập những vấn đề trọng đại của dân tộc và quốc tế, vạch ra phương hướng phát triển cho hôm nay và tương lai của cách mạng Việt Nam. Nửa thế kỷ sau khi Người đi xa, Di chúc của Người đã, đang và sẽ được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nỗ lực thực hiện để xây dựng lại đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Người mong ước.

XỨNG ĐÁNG LÀ THÀNH PHỐ MANG TÊN BÁC KÍNH YÊU

Nhận thức sâu sắc nội dung, ý nghĩa của Di chúc và nỗ lực thực hiện Di chúc của Người, Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh) coi Di chúc là động lực chính trị và tinh thần to lớn để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; đồng thời, là nguồn sáng dẫn đường trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Ngay sau khi Người đi xa, tháng 9-1969, Khu ủy đã mở hội nghị cán bộ quán triệt và thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh”, góp phần nâng cao tinh thần cách mạng tiến công, phẩm chất chính trị, khí phách anh hùng của cán bộ, chiến sĩ trong toàn Đảng bộ Thành phố.

Trong bối cảnh mười năm đầu sau ngày giải phóng, đất nước ở trong tình thế bị bao vây, cấm vận; bị ràng buộc bởi cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp; phải thực hiện hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc đầy khó khăn thách thức,v.v.. kiên định thực hiện Di chúc của Người, Đảng bộ và nhân dân thành phố đã nỗ lực để từng bước vượt qua mọi khó khăn, thách thức.

Ngày 15- 6-1975, Hội nghị Thành ủy lần thứ nhất ra nghị quyết; trong đó, xác định nhiệm vụ hàng đầu là tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ; đồng thời, xây dựng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, không ngừng nâng cao phẩm chất, trình độ năng lực để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Từ thực tiễn, Đảng bộ Thành phố đã có những bước đột phá, tháo gỡ vướng mắc, đấu tranh và từng bước vượt qua những trở lực của cơ chế cũ, làm sáng tỏ dần đường đi và cách làm mới, tư duy mới, để xây dựng và phát triển thành phố.

Hơn 40 năm sau ngày được giải phóng, nhất là trong hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với đẩy mạnh thực hiện các chương trình, nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, Kết luận số 21-KL/TW ngày 24-10-2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố đến năm 2020, Nghị quyết số 54/2017QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh... để tập trung giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, xã hội.

Một thành tựu quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố là luôn giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ; bảo đảm môi trường đầu tư, các hoạt động sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Từ đó, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế - văn hóa - xã hội; luôn giữ vững ổn định chính trị, xã hội; không ngừng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Thành phố đã không ngừng phát huy sức sáng tạo của nhân dân trong hoạt động kinh tế, với nhiều mô hình quản lý kinh tế mới được hình thành; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế được phát huy; các ngành, lĩnh vực đều phát triển, các thành phần kinh tế chuyển biến tích cực, vươn lên mạnh mẽ. Cùng với kinh tế, Đảng bộ Thành phố luôn quan tâm chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân; gắn tăng trưởng kinh tế với nâng cao chất lượng sống, phát triển văn hóa, xây dựng và phát triển con người. Thành phố không chỉ là nơi khởi xướng mà còn bền bỉ thực hiện tốt các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; thực hiện tốt các chương trình xóa đói giảm nghèo, giảm nghèo bền vững, bảo trợ bệnh nhân nghèo, đem lại nụ cười cho trẻ thơ, đem lại ánh sáng cho người khiếm thị…

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được trong 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót cần phải khắc phục. Đó là, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và xây dựng hệ thống chính trị chưa theo kịp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, nhất là còn một bộ phận cán bộ, đảng viên dao động về phẩm chất chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái, sa sút về phẩm chất đạo đức, lối sống...

Kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố; chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế còn chậm, tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao còn thấp trong cơ cấu kinh tế. Chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố trong hội nhập quốc tế chưa cao. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Kết cấu hạ tầng đô thị quá tải, cản trở tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Phát triển văn hóa chưa tương xứng với vai trò, vị trí là trung tâm lớn của vùng và cả nước. Một số vấn đề xã hội bức xúc chậm được khắc phục; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây bất ổn…

TIẾP TỤC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ VĂN MINH, HIỆN ĐẠI, NGHĨA TÌNH

Trên con đường phát triển, thực hiện hiệu quả chủ đề “Năm đột phá cải cách hành chính”, thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội gắn với xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh, Thành phố Hồ Chí Minh đứng trước cả thuận lợi và không ít thách thức. Thắng lợi năm 2019 sẽ mang ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện kế hoạch nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra tại Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ X. Vì thế, để tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển và hội nhập của Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình, một số nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là:

Một là, các cấp ủy đảng, ban, ngành chức năng trong toàn Đảng bộ Thành phố phải luôn nhận thức sâu sắc nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Các cấp ủy phải luôn đoàn kết, thống nhất trên cơ sở thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; bám sát thực tiễn, dự báo sát tình hình, có giải pháp tích cực để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt, kiên quyết, kiên trì thực hiện công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; nêu cao tính tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, sự tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu trong tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị.

Hai là, mọi chủ trương, chính sách phải vì nhân dân, xuất phát từ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần cho nhân dân. Càng khó khăn, thử thách càng phải hướng về nhân dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân, để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải bám sát thực tiễn, tự giác rèn luyện mình, trọng dân, tin dân, lắng nghe ý kiến của dân và kịp thời giải quyết thỏa đáng yêu cầu và các vấn đề bức xúc của nhân dân. Nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức như lời Người dặn: "Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm... Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh" (3).

Ba là, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân về vị trí, vai trò của thành phố đối với cả nước về yêu cầu bảo đảm giữ vững ổn định chính trị trong mọi tình huống. Đó không chỉ là góp phần bảo vệ thành quả của cách mạng, chủ động, kiên quyết bảo vệ sự ổn định chính trị, cuộc sống bình yên của nhân dân mà còn thiết thực bảo vệ Đảng và chính quyền trước âm mưu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Nền tảng của ổn định chính trị - xã hội là an dân, là củng cố niềm tin ngày càng vững chắc của nhân dân đối với Đảng và chính quyền, cho nên cần phải phát huy tinh thần đoàn kết, khơi dậy sức mạnh từ nguồn lực con người, tạo điều kiện cho người dân phát huy sáng tạo, cùng chung tay xây dựng thành phố văn minh hơn, hiện đại hơn. Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân thành phố, “không ngừng phấn đấu vươn lên, không ngừng sáng tạo, năng động, hạn chế tối đa những mặt khiếm khuyết, khắc phục những vấn đề còn tồn tại để tiếp tục phát triển với chất lượng và tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước”(4), để nhân nguồn sức mạnh, sự nỗ lực, sức sáng tạo, sự đồng thuận của khối toàn dân đoàn kết trong xây dựng và phát triển thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Thành phố anh hùng./.

TG



---------

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.14, tr.190.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.15, tr.623.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, H, 2011, t.4, tr.64-65.

4. Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X (2015 - 2020).

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất