(TG) - Việt Nam đã và đang khẳng định với thể giới về trí tuệ thông minh, tay nghề khéo léo cũng như sự nỗ lực, quyết tâm của người Việt Nam tại các cuộc thi tay nghề thế giới. Đây cũng là sân choi giúp đỡ nhiều bạn trẻ trên con đường biến ước mơ thành sự thật bằng chính đôi tay và trí óc của các em.
Thành tích của Việt Nam tham gia các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1995 do Malaysia đăng cai tổ chức 6 nghề và có 4 quốc gia tham dự là Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan;
Năm 1996 Philippines đăng cai tổ chức 10 nghề và có 5 quốc gia tham dự là Brunây, Malaixia, Inđônêxia, Philippin và Thái Lan. Tại kỳ thi này, Việt Nam lần đầu tiên tham gia với tư cách là quan sát viên;
Kỳ thi lần thứ ba được tổ chức năm 2001 do Thái Lan đăng cai tổ chức 12 nghề và có 7 quốc gia tham dự là Brunây, Lào, Malaixia, Inđônêxia, Philippin, Việt Nam và Thái Lan với tổng số 94 thí sinh dự thi. Đây là lần đầu tiên Việt Nam chính thức cử thí sinh tham dự Kỳ thi ở cả 12 nghề. Kết quả đoàn Việt Nam xếp thứ 4 toàn đoàn;
Kỳ thi lần thứ tư được tổ chức năm 2002 do Inđônêxia đăng cai tổ chức 12 nghề và có 8 quốc gia tham dự là Bru-nây, Campuchia, Lào, Malaixia, Inđônêxia, Philippin, Việt Nam và Thái Lan với tổng số thí sinh tham dự thi là 131. Kết quả Việt Nam đứng thứ 2 toàn đoàn;
Kỳ thi lần thứ năm được tổ chức năm 2004 do Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 24-30/9/2004 tại Hà Nội, có 8 quốc gia tham dự là Brunây, Campuchia, Lào, Malaixia, Inđônêxia, Philippin, Việt Nam và Thái Lan. Kỳ thi đã thành công tốt đẹp và kết quả đoàn Việt Nam đoạt giải nhất toàn đoàn, giành 13/tổng số 18 Huy chương vàng của Kỳ thi;
Kỳ thi lần thứ sáu được tổ chức năm 2006 do Brunây đăng cai tổ chức từ ngày 4-11/9/2006, có 9 quốc gia tham dự là Brunây, Campuchia, Lào, Malaixia, Inđônêxia, Philippin, Việt Nam và Thái Lan, kết quả Việt Nam đoạt giải nhất toàn đoàn;
Kỳ thi lần thứ bảy được tổ chức tại Malaixia vào tháng 11/2008, quy tụ 197 thí sinh của 10 nước tham gia và kết qủa Việt Nam đứng thứ 4 toàn đoàn;
Kỳ thi lần thứ tám được tổ chức từ ngày 14-24/11/2010 do Thái Lan đăng cai tại Băngcốc và có 220 thí sinh tham dự đến từ 9 quốc gia. Đoàn Việt Nam tham dự ở 18/21 nghề với 36 thí sinh và kết quả đứng thứ 3 toàn đoàn;
Kỳ thi lần thứ chín được tổ chức từ ngày 11-20/11/2012 do Inđônêxia đăng cai tại Jakarta và có 246 thí sinh tham dự đến từ 9 quốc gia. Đoàn Việt Nam tham dự ở 22/22 nghề với 44 thí sinh và kết quả đứng thứ 2 toàn đoàn;
Kỳ thi lần thứ mười được tổ chức từ ngày 19-29/10/2014 do Việt Nam đăng cai tại Trung tâm Hội nghị quốc gia với 25 nghề trong đó có 23 nghề chính thức và 02 nghề trình diễn với 51 thí sinh và kết quả Việt Nam đứng thứ nhất toàn đoàn;
Kỳ thi lần thứ mười một được tổ chức từ 19-29/9/2016 do Malaixia đăng cai; Kỳ thi đã thu hút sự tham dự của gần 280 thí sinh và 214 chuyên gia đến từ 9 nước trong khối ASEAN, dự thi ở 25 nghề trong đó có 23 nghề chính thức và 2 nghề trình diễn. Kết quả Việt Nam xếp thứ 3 toàn đoàn;
Kỳ thi lần thứ mười hai được tổ chức từ ngày 26/8/2018 đến ngày 05/9/2018 tại Trung tâm Hội nghị và triển lãm IMPACT, Muang Thong Thani, tỉnh Nonthaburi, Thái Lan. Kỳ thi lần này được tổ chức 26 nghề trong đó có 24 nghề chính thức và 2 nghề trình diễn với sự tham gia của 331 thí sinh và hơn 1.000 đại biểu đến từ 10 quốc gia thành viên ASEAN. Đoàn Việt Nam dự thi 26 nghề/26 nghề với 52 thí sinh. Kết quả Việt Nam xếp thứ ba toàn đoàn;
Kỳ thi tay nghề ASEAN đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam, đây vừa là cơ hội cho thị trường lao động Việt Nam, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ khi một lượng lớn lao động từ các nước AEC vào Việt Nam sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh với lao động trong nước. Thị trường lao động sẽ đặt ra vấn đề công nhận về kĩ năng nghề, trình độ nghề lẫn nhau của 10 nước trong cộng đồng ASEAN làm cơ sở cho việc dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trong khu vực cũng như các nước trên thế giới.
Thành tích của Việt Nam tham gia các kỳ thi tay nghề thế giới
Việt Nam tham dự kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 39 được tổ chức vào năm 2007 bắt đầu từ ngày 14/11/2007, tại Trung tâm hội nghị Thành phố Shizuoka (Nhật Bản), đây là cuộc thi của những người có tay nghề khéo léo nhất đến từ 49 quốc gia của 5 Châu lục. Hơn 6.000 khách mời và 830 thí sinh đua tài ở 38 nghề chính thức và 9 nghề trình diễn. Việt Nam tham dự thi 8 nghề với 8 thí sinh. Kết quả Việt Nam đạt được 1 chứng chỉ xuất sắc cho nghề Lắp đặt điện;
Cuộc thi tay nghề thế giới lần thứ 40 được tổ chức vào năm 2009 tai Canada, Việt Nam tham dự thi tay nghề thế giới lần thứ 2, với 9 nghề là: Công nghệ thông tin, Thiết kế website, Điện tử Công nghiệp, Cơ điện tử, Điện dân dụng, Điện lạnh, Dịch vụ nhà hàng, Nấu ăn, Mộc dân dụng. Ở kỳ thi này, tuy chưa đạt huy chương, nhưng các thí sinh Việt Nam đã dành được 04 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, tăng 03 chứng chỉ so với kỳ thi năm 2007 và đứng thứ 17/49 đoàn tham dự. Các nghề đạt được chứng chỉ bao gồm: Công nghệ thông tin, Điện tử, Cơ điện tử và Nấu ăn.
Cuộc thi tay nghề thế giới lần thứ 41 được tổ chức vào năm 2011 tại Vương Quốc Anh, Việt Nam tham dự ở 12 nghề với 13 thí sinh; tại kỳ thi này Việt Nam giành được 07 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc. Các nghề đạt chứng chỉ bao gồm: lắp cáp mạng thông tin; Công nghệ thời trang; Điện tử công nghiệp; Thiết kế trang Website; Xây gạch; Công nghệ thông tin và Nấu ăn. Kết quả Việt Nam đứng thứ 23/48 quốc gia, vùng lãnh thổ chính thức có thí sinh dự thi.
Cuộc thi tay nghề thế giới lần thứ 42 được tổ chức vào năm 2013 tại Cộng hòa Liên bang Đức, Việt Nam tham dự ở 12 nghề với 13 thí sinh. Tại kỳ thi này Việt Nam giành được 07 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc ở 06 nghề gồm: Cơ điện tử (nghề thi theo đội 02 thí sinh/đội); Dịch vụ nhà hàng; Điện tử; Thiết kế trang Website; Xây gạch; Ốp lát tường và sàn.
Cuộc thi tay nghề thế giới lần thứ 43 được tổ chức vào năm 2015 tại Brazil, Việt Nam tham dự ở 13 nghề với 14 thí sinh. Tại kỳ thi này Việt Nam giành được 01 huy chương Đồng ở nghề Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin; 08 Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc ở 07 nghề, gồm: Thiết kế trang Website; Đường ống nước; Xây gạch; Cơ điện tử; Hàn; Phay CNC; Thiết kế kỹ thuật cơ khí-CAD.
Cuộc thi tay nghề thế giới lần thứ 44 được tổ chức vào năm 2017 tại Abu Dhabi thuộc các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất từ ngày 08-20/10/2017. Việt Nam tham dự 12 nghề, gồm: Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin, Thiết kế kỹ thuật cơ khí-CAD (do Samsung tài trợ 2 nghề này); Phay CNC, Điều khiển công nghiệp (Denso tài trợ 2 nghề này); Xây gạch, Cơ điện tử, Điện tử, Lắp đặt đường ống nước, Lắp cáp mạng thông tin, Nấu ăn, Lắp đặt điện và Công nghệ ô tô. Kết quả Việt Nam có 01 nghề đạt huy chương Đồng-nghề Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin và 05 nghề đạt Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc: Thiết kế kỹ thuật cơ khí-CAD, Điều khiển công nghiệp, Xây gạch, Nấu ăn, Lắp đặt điện.
Kỳ thi tay nghề được tổ chức với mục đích hướng cho những lao động trẻ của Việt Nam làm chủ được chuyên môn với kỹ năng đỉnh cao theo nhu cầu của ngành sản xuất mang lại cho họ giá trị đích thực trong sự nghiệp và cuộc sống và cũng chính là góp phần thực hiện chủ trương hội nhập của Đảng và Nhà nước; thúc đẩy phong trào học và dạy nghề, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp của giới trẻ Việt Nam; thúc đẩy và nâng cao tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp của mỗi nước thành viên nói riêng và khu vực nói chung./.
TS. Lê Thị Mai Hoa- Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề