Chúng ta đã bước vào năm 2020, năm cuối cùng để hoàn thành các chương
trình, mục tiêu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Nếu đánh giá giai đoạn 10
năm của hai nhiệm kỳ vừa qua bằng các số liệu và sự kiện, có thể nhận
thấy sự tương phản rõ ràng của những gam mầu sáng - tối, qua đó cũng
thấy sáng rõ những bài học kinh nghiệm quý báu...
NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT
Năm 2019 vừa qua là một năm có ý nghĩa quan trọng; nói một cách hình
ảnh, đó là "bậc thềm" mà chúng ta phải đi qua để bước vào năm 2020 - năm
tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, chuẩn bị cho Ðại hội Ðảng toàn quốc
lần thứ XIII. Chúng ta đứng trên "bậc thềm" cao thì thành công của Ðại
hội Ðảng toàn quốc sẽ càng cao.
Bằng nỗ lực to lớn của toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân, 2019 là một
năm ghi dấu thành tích vượt bậc kể từ đầu nhiệm kỳ cả về chính trị, kinh
tế, đối ngoại, văn hóa, thể dục thể thao... Về kinh tế, số liệu của
Tổng cục Thống kê và của các tổ chức nước ngoài cho thấy chúng ta đều
vượt các chỉ tiêu do Quốc hội đề ra.
Ðặc biệt là các chỉ tiêu về mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội
(GDP) đạt 7,02%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt 2,79%, kim ngạch xuất
nhập khẩu vượt 500 tỷ đô-la Mỹ, nợ công, nợ nước ngoài đều nằm dưới
ngưỡng an toàn và ngưỡng cho phép của Quốc hội...
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV này, Chính phủ luôn khẳng định rõ
mục tiêu "ổn định kinh tế vĩ mô song song với đẩy mạnh tăng trưởng kinh
tế", khác với sự dè dặt trước đây "mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế
vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý".
Không chỉ có các con số mà chất lượng và chiều sâu của tăng trưởng
giai đoạn hiện nay có chuyển biến rất rõ nét. Ðóng góp của năng suất các
nhân tố tổng hợp (TFP, thể hiện sự gia tăng hiệu quả của nền kinh tế)
giai đoạn 2016 - 2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân
33,58% của giai đoạn 2011 - 2015. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư
(ICOR) cải thiện dần, bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,14 so với
6,25 của giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2019, Diễn đàn kinh tế thế giới
(WEF) xếp năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc trong báo cáo xếp
hạng chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI),...
Trong lời chúc Tết đồng bào, đồng chí và chiến sĩ nhân dịp năm mới
Canh Tý 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh
năm 2019 vừa qua đã để lại những ấn tượng tốt đẹp và cho chúng ta thêm
nhiều bài học quý.
Nhớ lại giai đoạn 5 năm trước, để đạt con số tăng trưởng, chúng ta
phải bơm vào nền kinh tế một lượng lớn vốn đầu tư công và vốn tín dụng
của hệ thống ngân hàng. Những gì nhận được là con số tăng trưởng cao
không như mong muốn, trong khi lạm phát tăng cao, lãi suất ngân hàng ở
mức nhiều doanh nghiệp không chịu nổi, nợ xấu của ngân hàng trầm trọng,
sản xuất đình đốn, nợ công, nợ nước ngoài tăng cao, khả năng trả nợ yếu
kém, chỉ số tín nhiệm quốc gia ở mức thấp...
Riêng nạn tham nhũng, lãng phí gia tăng ở mức nghiêm trọng, tiềm ẩn
nguy cơ gây đổ vỡ cho nền kinh tế. Trầm trọng hơn, có những nhóm người
vẽ ra các kịch bản vơ vét tiền Nhà nước (cũng là của nhân dân) hết sức
tinh vi, kín kẽ đến mức tưởng chừng không thể bóc gỡ, vì được ẩn mình
dưới sự cấu kết mang tính "lợi ích nhóm" giữa những quyền lực chính trị
và kinh tế, mà thiếu sự kiểm soát và giám sát có hiệu quả một thời gian
dài trong nền kinh tế thị trường.
MUỐN PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG PHẢI CÓ CÁN BỘ KHÔNG THAM NHŨNG
Nhìn lại gần 10 năm từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội Ðảng lần thứ XI đến nay
đã gần cuối nhiệm kỳ Ðại hội Ðảng XII, rõ ràng nhiệm kỳ này phải gánh
vác một nhiệm vụ rất nặng nề là dọn dẹp những chướng ngại vật, những
nhân tố cản trở con đường phát triển của quốc gia, cản trở sự lãnh đạo
xuyên suốt, toàn diện của Ðảng.
Ðể hoàn thành được nhiệm vụ đó, cần hành động quyết liệt trong việc
sắp xếp đúng các vị trí công tác, những "mắt xích" nào yếu phải bị thay
thế bằng những nhân tố tích cực hơn trong việc đương đầu và đấu tranh
với tham nhũng. Những ai không muốn làm thì đứng sang một bên để người
khác làm. Thái độ lừng chừng, viện lý do này khác phải được khắc phục
triệt để.
Ðiều này có thể thấy rõ qua hoạt động của các cơ quan Ðảng và chính
quyền như Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (ngày
1-2-2013, Bộ Chính trị ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo do Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban), Ban Nội chính Trung ương, Ủy
ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra, Kiểm toán, Công an, Kiểm sát, Tòa
án,...
Ðó vẫn luôn là bài học về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng thông qua công tác
cán bộ, như Bác Hồ kính yêu từng viết trong tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi
lối làm việc: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công
hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Ðây là bài học thuộc lòng,
nhưng đã có những lúc chúng ta làm chưa đúng; phải thành thật nhận thấy
đây là khuyết điểm lớn, trong đó có cả của cá nhân tôi.
Chống tham nhũng không phải đến hôm nay mới xuất hiện trong các văn
kiện của Ðảng. Nhìn lại các kỳ Ðại hội từ giai đoạn Ðổi mới, Ðảng ta đã
thường xuyên cảnh báo, nêu quyết tâm về việc phòng, chống nguy cơ suy
thoái, tham nhũng, tiêu cực. Ngay từ giữa nhiệm kỳ của Ðại hội VII, lúc
xã hội mới nảy sinh các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong quá trình
chuyển đổi cơ chế, Ðảng đã chính thức xác định bốn nguy cơ trước mắt là:
tụt hậu xa hơn về kinh tế; chệch hướng XHCN; tham nhũng và các tệ nạn
xã hội; âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù
địch.
Ðến Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, nhiệm vụ chống tham nhũng
được ghi dấu bằng nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 (lần 2). Nhiệm kỳ
các Ðại hội khóa IX, khóa X đều có sơ kết, tổng kết nhưng hành động còn
thiếu kiên quyết, tạo cơ hội cho tiêu cực, tham nhũng phát triển và lây
lan.
Nhiệm kỳ Ðại hội khóa XI, tại Hội nghị Trung ương 4, công tác phòng,
chống tham nhũng được khơi dậy với quyết tâm lớn nhưng kết quả lại chưa
đạt yêu cầu. Niềm tin vào sự lãnh đạo của Ðảng trong các tầng lớp nhân
dân bị thách thức nghiêm trọng khi kết thúc Hội nghị Trung ương 6 (khóa
XI).
Ðây cũng là lần rất hiếm hoi mà một quyết định của Bộ Chính trị đã
không được Trung ương thông qua. Kết quả của Hội nghị Trung ương 6 (khóa
XI) đã khiến cho nhiều cán bộ cấp cao trong Ðảng, lực lượng vũ trang và
các tầng lớp nhân dân sụt giảm niềm tin vào công cuộc đấu tranh chống
tham nhũng, suy thoái của Ðảng.
KHÔNG ĐỂ AI ĐỨNG TRÊN TỔ CHỨC ĐẢNG
Ðến hôm nay, có thể nhận thấy công tác phòng, chống tham nhũng ở
nhiệm kỳ Ðại hội khóa XII đã có những chuyển biến quan trọng, đem lại
nguồn động viên to lớn cho toàn xã hội. Lịch sử của Ðảng ta là "một pho
lịch sử bằng vàng", không ai được phép làm dơ bẩn danh dự của Ðảng!
Không đảng viên nào được đứng lên trên tổ chức Ðảng!
Cũng nhìn vào những gì đang diễn ra hôm nay mới thấy trách nhiệm,
khuyết điểm của nhiệm kỳ Ðại hội khóa XI là không hề nhẹ, nhất là trên
hai mặt chỉ đạo phát triển kinh tế và xây dựng Ðảng. Những tổn thất về
uy tín chính trị, sự đổ vỡ niềm tin là khó có thể đong đếm được. Tôi
thấy cần thiết phải nhắc lại lời dạy của Bác Hồ: "Một dân tộc, một đảng
và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất
định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng
dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân" (tác phẩm Nâng
cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân).
Vì vậy, đối với những cán bộ có khuyết điểm mà không biết "tự sửa
mình", không có đủ lòng tự trọng để lắng nghe phê bình, tự nguyện rời bỏ
vị trí thì tổ chức Ðảng phải kiên quyết loại bỏ.
Hồ Chủ tịch từng nói: "Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu,
quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì
nhất định không nên bầu" (phát biểu tại buổi lễ ra mắt ứng cử viên đại
biểu quốc hội năm 1946 tổ chức tại Việt Nam học xá). Ðể đại hội thành
công như mong muốn của mỗi chúng ta thì phải có đoàn kết nội bộ. Một
trong những điều quan trọng để giữ gìn sự đoàn kết đó là công minh trong
đánh giá cán bộ, công bằng trong kỷ luật Ðảng. Nếu nhìn sâu vào một số
vụ việc cụ thể thì vẫn còn thấy những câu hỏi về sự công bằng trong xử
lý cán bộ. Ðiều đó rất nguy hiểm, là nguyên nhân tiềm ẩn xung đột ngay
trong nội bộ, khiến sự đoàn kết không bền vững. Chúng ta đều biết công
tác cán bộ làm không tốt thì tự ta lật đổ ta.
Chúng ta đã bước vào năm thứ 90 kể từ khi có Ðảng. Ðại hội Ðảng lần
thứ XIII đang đến gần, là đại hội của chuyển giao thế hệ. Không có đại
biểu tốt thì không có đại hội tốt mà muốn có đại biểu tốt thì phải từ
cấp cơ sở. Chúng ta phải lựa chọn được những cá nhân có bản lĩnh, liêm
chính, được nhân dân thừa nhận và như vậy phải có cơ chế lắng nghe ý
kiến của nhân dân. Những người làm công tác cán bộ phải "càng ít khuyết
điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng" (Hồ Chí Minh, tác phẩm Sửa đổi
lối làm việc), như kinh nghiệm ở những nhiệm kỳ vừa qua.
Ðược như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ có một Ðại hội thành công, lãnh
đạo đưa đất nước tiếp tục tiến lên trên con đường giàu mạnh, phồn vinh,
nhân dân được ấm no, hạnh phúc./.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 2 năm 2020
Trương Tấn Sang
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị
Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam