Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì tổ chức đã diễn ra 06 phiên Hội thảo, chuyên đề nhằm tháo gỡ các rào cản, nút thắt để phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Mỗi phiên Hội thảo có sự tham dự của gần 300 đại biểu, đại diện cho các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương; các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và các chuyên gia trong nước và quốc tế.
* Phiên Hội thảo chuyên đề hiến kế về nông nghiệp với chủ đề “Tạo lập và phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hội nhập quốc tế” diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Trưởng Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh.
Tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho biết, Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp để tăng cường liên kết, phát triển bền vững chuỗi giá trị nông nghiệp có lợi thế ở Việt Nam và thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong bối cảnh hội nhập thị trường quốc tế được mở với thị trường hơn 96 triệu dân trong nước. Thời gian qua, đã có nhiều chủ trương, giải pháp cho lĩnh vực nông nghiệp, nhưng doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong khu vực này còn rất “mỏng", trong số 500.000 doanh nghiệp hiện nay, chỉ có 6.000 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam hiện có 10 triệu hộ gia đình nông dân rất nhỏ, siêu nhỏ so với các hộ nông dân trên thế giới.
Cùng với đó, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp tư nhân đã thảo luận để đưa ra giải pháp tăng cường tính liên kết của các chủ thể trong sản xuất nông nghiệp, phát triển các doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt chuỗi sản xuất, giải pháp thực hiện số hóa và hình thành dữ liệu lớn với chuỗi nông, lâm, thủy sản. Các ý kiến cho rằng liên kết trong chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là tất yếu, không thể thiếu của các thành viên, hộ dân và hộ cá thể. Để liên kết được giữa các nhà, người nông dân phải có năng lực, phải tổ chức thành kinh tế hợp tác, bởi doanh nghiệp không thể làm việc với 10 triệu hộ nông dân.
* Phiên Hội thảo chuyên đề hiến kế về: “Chủ động khai thác có hiệu quả Hiệp định CPTPP để phát triển bứt phá” đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam vừa trải qua ba tháng đầu tiên thực thi CPTPP - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất, tiêu chuẩn cao, tự do. Đây là một hiệp định nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. CPTPP là cơ hội đặc biệt, tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh, mở ra cơ hội thuận lợi cho 700.000 doanh nghiệp, hàng trăm nghìn hộ kinh doanh nước ta... Dù còn nhiều khó khăn nhưng CPTPP sẽ là động lực, cảm hứng để các doanh nghiệp vượt qua chính mình, hội nhập từ bên trong, cải cách kinh tế Việt Nam sau sự kiện Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tại Hội thảo, các đại biểu, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp đã tập trung trao đổi, kiến nghị, đề xuất xung quanh một số nội dung chính như: Giải pháp tận dụng các cơ hội từ CPTPP cho một số ngành hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam; Giảm thiểu thách thức và cạnh tranh, tạo đà bứt phá cho doanh nghiệp Việt từ CPTPP; Hợp tác công - tư trong bối cảnh hội nhập và thực thi CPTPP.
Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hình thành trên cơ sở Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau khi Mỹ rút khỏi TPP (Hiệp định có hiệu lực từ ngày 14-01-2019). CPTPP được đánh giá là một Hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, với mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay. Các nền kinh tế thành viên CPTPP tạo thành một thị trường rộng lớn với 500 triệu dân, chiếm khoảng 15% tổng thương mại toàn cầu. Tham gia Hiệp định CPTTP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên, thể hiện mạnh mẽ chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta, khẳng định vai trò và vị thế địa chính trị quan trọng của Việt Nam khu vực Đông Nam Á, cũng như châu Á - Thái Bình Dương, nâng cao vị thế của nước ta trong khối ASEAN, trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
* Phiên Hội thảo chuyên đề hiến kế về: “Khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội” đã diễn ra tại Hà Nội. Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân chủ trì Hội thảo.
Khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh: Sau gần hai năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng tài chính và doanh nghiệp, kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển quan trọng. Các chủ trương, quan điểm của Nghị quyết 10 từng bước được thể chế hóa; nhiều chính sách, pháp luật đã được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương ban hành nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kinh tế tư nhân phát triển.
Năm 2018, tỷ lệ dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng so GDP hơn 130%; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 71,6% GDP (vượt chỉ tiêu 70% GDP đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020); tổng giá trị trái phiếu niêm yết trên thị trường đạt 1.122 nghìn tỷ đồng, tương đương với 20,3% GDP. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đó, đến nay, hệ thống tài chính, ngân hàng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tư nhân vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, rào cản phát triển, trong đó có vấn đề tiếp cận các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn; nhiều phản ánh, kiến nghị về tình trạng thiếu vốn và khó khăn trong huy động, vay vốn từ thị trường tài chính. Những khó khăn, vướng mắc về tiếp cận vốn của kinh tế tư nhân xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, khách quan và chủ quan, từ cơ chế, chính sách và từ bản thân doanh nghiệp và các định chế tài chính, tín dụng, ngân hàng.
Các đại biểu dự Hội thảo đã có ba phiên thảo luận và hiến kế của khu vực tư nhân với chủ đề: Khơi thông tín dụng trung - dài hạn và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam; Tăng cường tính hấp dẫn của mô hình quỹ hưu trí tự nguyện; Thúc đẩy phát triển quỹ đầu tư bất động sản tại Việt Nam. Đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và đại diện khu vực kinh tế tư nhân đã cùng đối thoại chính sách, trao đổi về thực trạng, khó khăn, vướng mắc và hiến kế, kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp cho ba chủ đề trên.
* Phiên Hội thảo hiến kế về phát triển kinh tế số với chủ đề: “Hoàn thiện thể chế và các nền tảng phát triển kinh tế số tại Việt Nam” nằm trong khuôn khổ của Diễn đàn đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy.
Tại Hội thảo, các đại biểu có chung nhìn nhận, trong 10 năm qua, kinh tế số Việt Nam đã phát triển không ngừng về cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Kinh tế số phát triển cùng với các hiện tượng mới nổi như công nghệ blockchain, nền tảng số, phương tiện truyền thông xã hội, doanh nghiệp điện tử, thương mại điện tử, nông nghiệp chính xác; các doanh nghiệp liên quan đến phát triển phần mềm, ứng dụng, phát triển nội dung số và truyền thông, các dịch vụ và đào tạo liên quan, cùng với các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và phát triển thiết bị công nghệ thông tin - truyền thông. Tuy nhiên, bên cạnh việc phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, Việt Nam cũng đang phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh liên quan như: Khung pháp lý; an toàn, an ninh mạng; sự thiếu hụt nguồn nhân lực ICT có chất lượng cao; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển Chính phủ điện tử.
Hội thảo xoay quanh những vấn đề trọng tâm về phát triển nền kinh tế số Việt Nam như thiết lập mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế số; xây dựng và phát triển dữ liệu mở tại Việt Nam; giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; hợp tác công - tư trong phát triển hạ tầng số cốt lõi, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số; thiết lập xác thực - định danh điện tử tại Việt Nam và nhiều vấn đề liên quan đến các quy định pháp lý. Các kiến nghị, đề xuất tại Hội thảo được tổng hợp, báo cáo tại Phiên toàn thể của Diễn đàn vào chiều cùng ngày.
* Tọa đàm “Nữ doanh nhân và khát vọng vì một Việt Nam thịnh vượng” đã diễn ra nhằm ghi nhận sự cống hiến và truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam.
Khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nêu bật: Tại Việt Nam, phụ nữ chiếm khoảng 48% lực lượng lao động và ở lĩnh vực kinh doanh với khoảng 25% giám đốc điều hành (CEO) hoặc thành viên hội đồng quản trị là nữ. Ngày nay, các chị em đã có điều kiện tiếp cận khoa học công nghệ, tri thức nhân loại, mô hình phát triển, thị trường quốc tế… đóng góp vào những giá trị chung của nền kinh tế thế giới, quốc gia. Việt Nam cũng đã xuất hiện nữ tỷ phú đô la đầu tiên là chị Nguyễn Thị Phương Thảo - Tập đoàn Vietjet...
Theo Phó Chủ tịch nước, đất nước ta đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới với việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng phải đối mặt với thách thức, nhất là sức ép cạnh tranh gay gắt hơn, nhiều ngành hàng gặp khó khăn, biến động tiêu cực từ thị trường bên ngoài sẽ tác động trực tiếp, toàn diện và sâu sắc hơn.
Tại phiên thảo luận, các nữ đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về những thách thức, khó khăn mà phụ nữ gặp phải trong nền kinh tế, từ đó đề xuất các ý kiến nhằm nâng cao vai trò, vị thế của nữ giới trong cộng đồng doanh nhân.
* Phiên Hội thảo "Các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam: Nút thắt và các kiến nghị" đã diễn ra sáng 02-5-2019, tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nêu rõ: Bắt nhịp với những diễn biến nhanh chóng của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một trong những cách thức ứng phó phù hợp mà Việt Nam đưa ra là đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hoạt động khởi nghiệp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân được Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm..
Thời gian qua, số lượng và chất lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng tăng với hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan tới thoái vốn, cho vay, vốn đầu tư mạo hiểm... khiến các nhà đầu tư còn e ngại, các doanh nghiệp khởi nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về thực trạng, kinh nghiệm, cơ hội, thách thức, từ đó hiến kế, kiến nghị các cơ chế, chính sách, giải pháp trong phát triển các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0./.
Nguồn: Tạp chí Cộng sản điện tử