(TG) - Sáng 7/8, tại Hội trường TPHCM đã diễn ra Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa IX. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải chủ trì hội nghị.
Khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh đến các nội dung chính Hội nghị: Nghe, thảo luận và cho ý kiến dự thảo Tờ trình Chính phủ về Đề án thí điểm mô hình Chính quyền đô thị TPHCM; dự thảo Tờ trình Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM về kết quả giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng đối với đảng viên; tiến hành công tác cán bộ.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua cho biết, từ năm 2009, theo Nghị quyết của Quốc hội, TPHCM đã triển khai thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường quy mô toàn TP, đến nay đã sơ kết và đánh giá đạt được kết quả tích cực. Qua thực tiễn thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện, phường, Ban Thường vụ Thành ủy nhận thức rằng nếu không sớm tiến hành thực mô hình Chính quyền đô thị theo hướng tổ chức chính quyền cơ sở với cơ chế tự chủ cao hơn, cơ quan đại diện của nhân dân có quyền hạn và trách nhiệm tương xứng với mô hình dân chủ đại diện, thì việc thí điểm trên, bản thân nó không đủ các yếu tố hình thành mô hình quản lý mới được tổ chức hiệu quả và dân chủ hơn ở đô thị đặc biệt, giữ vai trò trung tâm nhiều mặt như Nghị quyết 11 của của Bộ Chính trị đã xác định.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua nhấn mạnh: Việc xây dựng, thực hiện Đề án Thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở TPHCM sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trên địa bàn TP, đồng thời góp phần làm rõ hơn mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn trong quá trình bổ sung sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và là cơ sở cho việc hành thành Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ được Quốc hội nghiên cứu và ban hành trong thời gian tới đây. Qua đó thể hiện cao nhất đặc diểm của một chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhất là chính quyền cơ sở; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền; huy động tối ưu mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy việc hình thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình phục vụ người dân tốt hơn, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa xã hội tốt hơn.
Thay mặt UBND TPHCM báo cáo dự thảo Tờ trình Chính phủ về Đề án thí điểm mô hình Chính quyền đô thị TPHCM, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, mô hình Chính quyền đô thị TPHCM được xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị. Mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trên địa bàn, phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị đặc biệt và điều kiện vận hành cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Xây dựng hai cấp chính quyền địa phương tại TPHCM, riêng tại địa bàn nội thành hiện hữu là một cấp, mỗi cấp có cơ cấu của một cấp chính quyền đầy đủ, với HĐND có thực quyền quyết định các vấn đề theo phân cấp; các địa vị pháp lý là một pháp nhân công quyền; thể hiện cao nhất đặc điểm của một chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhất là chính quyền cơ sở; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền; huy động tối ưu mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy việc hình thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình; phục vụ nhân dân, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân thật tốt. Xây dựng bộ máy quản lý hành chính Nhà nước chuyên nghiệp, tinh gọn; đội ngũ công chức có phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và trình độ, năng lực cao, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, được hưởng chế độ đãi ngộ xứng đáng; hình thành bộ máy hành chính mang tính chất phục vụ cho lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Về phạm vi áp dụng mô hình chính quyền đô thị, để đáp ứng mục tiêu và yêu cầu của sự quản lý phát triển, TPHCM kiến nghị triển khai thí điểm chính quyền đô thị trên phạm vi toàn TPHCM, trong đó bao gồm cả địa bàn đô thị, địa bàn đang đô thị hóa và địa bàn nông thôn, nên xét trên tổng thể Đề án, mô hình tổ chức Chính quyền đô thị TPHCM có mô hình tổ chức xã và thị trấn ở nông thôn.
Về nguyên tắc tổ chức, Chính quyền đô thị TPHCM được tổ chức dựa trên nguyên tắc chủ yếu là Chính quyền địa phương có 2 cấp (theo quy định hiện hành là 3 cấp) bao gồm cấp thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm cấp xã, thị trấn và thành phố (hoặc thị xã). Riêng địa bàn đã đô thị của 13 quận nội thành chỉ có 1 cấp chính quyền. Cơ cấu chính quyền ở mỗi cấp gồm HĐND và UBND được bầu theo quy định của pháp luật hiện hành. Như vậy, theo đơn vị hành chính hiện hành thì quận – huyện, phường không tổ chức thành cấp chính quyền, mà ở đó chỉ có cơ quan đại diện hành chính của cấp trên. Địa vị pháp lý của mỗi cấp chính quyền là một pháp nhân công quyền, bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền theo nội dung được phân cấp; phân định rõ 3 loại nhiệm vụ của mỗi cấp chính quyền, đó là nhiệm vụ chung 2 cấp cùng thực hiện, nhiệm vụ riêng của mỗi cấp và nhiệm vụ cấp dưới thực hiện theo cơ chế ủy nhiệm của cấp trên. Bảo đảm tính tập thể trong lãnh đạo, nhưng phát huy cao nhất trách nhiệm và vai trò của cá nhân được phân công trong điều hành, trong thực hiện công vụ. Ở mỗi cấp chính quyền phải tuân thủ, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, của cấp ủy, trên cơ sở các nguyên tắc tổ chức của Đảng.
Tóm lại, theo mô hình trên thì Chính quyền đô thị TPHCM được tổ chức phù hợp với loại hình đô thị đặc biệt, theo mô hình chính quyền địa phương có 2 cấp, gồm chính quyền TPHCM và chính quyền cấp cơ sở (gồm 4 thành phố trực thuộc, các xã, thị trấn còn lại là pháp nhân công quyền, có địa vị pháp lý như nhau). Cụ thể, đô thị hiện hữu (tức 13 quận nội thành) đóng vai trò đô thị trung tâm, thuộc pháp nhân công quyền TPHCM. 4 đô thị vệ tinh là các thành phố Đông (khu đô thị Đông), Tây (khu đô thị Tây), Nam (khu đô thị Nam), Bắc (khu đô thị Bắc), là những đô thị mới, được tổ chức thành một cấp chính quyền (cơ sở). 3 thị trấn và 35 xã là chính quyền cơ sở.
Hội nghị diễn ra trong 1 ngày.
Nhật Thụy