Thứ Sáu, 29/11/2024
Môi trường
Thứ Tư, 27/10/2010 19:30'(GMT+7)

Thảo luận Dự thảo Luật khoáng sản (sửa đổi): Cần tập trung quản lý Nhà nước về một đầu mối

Việc khai thác cát sỏi lòng sông đã được quản lý bởi những văn bản pháp lý. (Ảnh minh hoạ)

Việc khai thác cát sỏi lòng sông đã được quản lý bởi những văn bản pháp lý. (Ảnh minh hoạ)

Chiều 27/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi). Các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.

Báo cáo giải trình dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) nêu rõ, kết thúc kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan tổng hợp đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp thu và giải trình dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi).

Tại các phiên họp thứ 32 và 35 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Luật đã được chỉnh lý.  Dự án Luật khoáng sản (sửa đổi) gồm: 11 chương 86 Điều. Tuy nhiên, tại phiên họp này, Quốc hội chỉ tập trung xem xét một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, đó là: Về phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1); Về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác (Điều 6); Về quy hoạch khoáng sản và thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch khoáng sản (từ Điều 30 đến Điều 34);  Về thẩm quyền cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản (Điều 82); Về nguồn thu ngân sách nhà nước từ hoạt động khoáng sản (Điều 76); Về đấu giá quyền thăm dò và đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Mục 2, Chương IX); Về chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản.

Thảo luận về các nội dung này, đa số đại biểu tán thành với Dự án Luật đã được sửa đổi.

Theo đại biểu Nguyễn Hanh (đoàn Gia Lai), điều 4 khoản 3 của Luật có ghi Nhà nước đầu tư khuyến khích thực hiện điều tra cơ bản và thăm dò khoáng sản, nhưng điều 46 lại ghi tổ chức cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản không qua đấu giá phải hoàn trả chi thăm dò cho tổ chức cá nhân thăm dò. Theo đại biểu việc hoàn trả là đương nhiên không nên đặt vấn đề thanh toán với bên thứ ba. Do đó, cần xem lại để phù hợp với thông lệ và thuận tiện cho doanh nghiệp. Quy hoạch thăm dò, kế hoạch khai thác khoán sản cần có ý kiến của địa phương để hạn chế rủi ro.

Về thời hạn thẩm định phê duyệt trong Luật nêu không quá 6 tháng, thời gian quy định là quá dài nên có phân loại theo thời gian hợp lý theo từng cấp có thẩm quyền địa phương, Trung ương để tránh sự chờ đợi.

Đại biểu cũng đề nghị, để tránh thất thoát nguồn thu cũng cần chú ý quy định trong khai thác chỉ lấy ra quặng chính đúng theo hợp đồng, các thành phần kèm theo không được lấy đi để sử dụng sau hoặc qua đấu giá tiếp. Ngoài ra, cơ sở đấu giá khai thác khoáng sản ngoài việc phê duyệt được sử dụng, cần có giá sàn  dựa trên quy định giá sàn quốc tế, trong khi Luật và Nghị định không đề cập vấn đề này. Dự án Luật (sửa đổi) đã nêu điều kiện trách nhiệm của tổ chức cá nhân và trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhưng chưa thấy chế tài cụ thể được ghi trong Luật.

Cũng theo đại biểu, cần có biện pháp tích cực tránh thất thoát lãng phí tài nguyên quốc gia. Nhà nước cần hoạch định loại nào cần khai thác và loại nào cần hạn chế giới hạn.

Bảo vệ quyền lợi của người dân khu vực khai thác

Đại biểu Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) cơ bản tán thành với Dự án Luật Khoáng (sửa đổi). Theo đại biểu về quyền lợi trực tiếp của người dân thì việc khai thác khoáng sản phải đóng góp vào mục tiêu chung của đất nước, đặc biệt là quyền lợi của người dân vùng được khai thác khoáng sản và bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và cộng đồng. Tuy nhiên, Luật và văn bản dưới Luật mới đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và Nhà nước còn lợi ích của cộng đồng chưa được tách ra mà gộp chung với lợi ích của Nhà nước. Theo đại biểu, dù các văn bản của Chính phủ đã tháo gỡ phần nào vướng mắc phát sinh thực tiễn nhưng lại chưa được quy định cụ thể trong Luật, trong các Nghị định thi hành mới chỉ dừng ở giải pháp tình thế chưa giải quyết đồng bộ triệt để thống nhất về vấn đề này. Trong Luật mới chỉ quy định duy nhất ở điều 6.

Để bảo vệ quyền lợi của người dân khu vực khai thác, đại biểu đề nghị nên tách thành chương riêng và bổ sung các quy định cụ thể. Đại biểu cũng đề nghị ở khoản  2, Điều 6 về trách nhiệm tô chức cá nhân khai thác khoáng sản nên gộp với Điều 56 về quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân được phép khai thác thành khoản 3 của điều luật cho phù hợp.

Cũng liên quan đến quyền lợi của người dân và địa phương nơi có khoáng sản được khai thác, đại biểu Nguyễn Văn Kiết (Yên Bái) và một số đại biểu khác có cùng ý kiến cho rằng ở nơi doanh nghiệp khai thác thu lợi nhuận cao thì cộng đồng dân cư chịu nhiều thiệt thòi do không được chia sẻ công bằng và chịu nhiều tác động bất lợi vì các loại tài nguyên như đất, rừng, nước… bị tổn hại. Môi trường ô nhiễm và cơ sở hạ tầng bị xuống cấp. Đại biểu đặt vấn đề việc chia sẻ lợi ích không được hài hòa sẽ nảy sinh các mâu thuẫn xã hội. Bên cạnh đó, do quy mô khai thác dẫn đến tăng nguồn lao động đến địa phương tạo áp lực về công tác quản lý, làm nảy sinh tệ nạn xã hội tại địa phương. Đại biểu đề nghị Dự án Luật cũng nên quan tâm đến vấn đề này và cần có quy định cụ thể để có thể giải quyết những mâu thuẫn mới phát sinh.

Quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, đại biểu Lưu Thị Chi Lan nêu, hoạt động khai thác khoáng sản luôn là tác nhân gây ô nhiễm và hậu quả gây ra phải trả giá đắt, rất khó khắc phục. Cộng đồng dân cư ở những khu vực này nhiều thế hệ phải sống trong một môi trường ô nhiễm. Tuy nhiên, bộ phận này chưa được hưởng lợi đúng. Mặt khác, công tác quản lý Nhà nước vẫn chưa được thực hiện đúng theo yêu cầu, đặc biệt vai trò giám sát của tổ chức xã hội của địa phương còn yếu… Để đảm bảo tính ổn định và bền vững Luật nhất thiết phải đảm bảo hài hòa lợi giữa các bên và tính đến tính kế thừa tương lai và mục tiêu môi trường xã hội theo hướng tiết kiệm, hiệu quả.

Đại biểu đề nghị, Dự thảo Luật tách thành mục hoặc chương riêng, hoặc bổ sung thêm các quy định cụ thể như trách nhiệm các bên về đền bù xử lý vi phạm khi xảy ra sự cố môi trường; Bổ sung thêm vấn đề ký Quỹ phục hồi môi trường trên cơ sở nội dung Nghị đinh 63/2008 của Chính phủ, Quyết định 78 của Thủ tướng…

Về Quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản, theo một số đại biểu, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản Dự thảo Luật cần có sự điều chỉnh để chức năng quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước dược gọn nhẹ và tập trung về một đầu mối.

Đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình) băn khoăn, ở khoản 2 điều 31 về thẩm quyền lập quy hoạch thăm dò và khai thác khoáng sản, đại biểu đặt vấn đề ai sẽ quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Hệ thống công cụ đang được xác lập giao Bộ Tài Nguyên- Môi trường là đúng chức năng nhưng riêng việc lập quy hoạch lại giao Bộ Công thương phân công, như vậy không đúng chức năng quản lý Nhà nước.

Ngoài ra, các ý kiến của đại biểu Quốc hội còn góp ý vào một số nội dung, từ ngừ, câu chữ, kỹ thuật văn bản… dược Ủy ban Quốc hội ghi nhận, rà soát, chỉnh lý và thể hiện như trong Dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, quyết định./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất