Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 30/10/2012 23:14'(GMT+7)

Thảo luận nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ nợ xấu

Theo chương trình làm việc của Quốc hội, trong cả ngày hôm nay và sáng ngày mai Quốc hội sẽ thảo luận ở Hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

Phiên thảo luận Hội trường về kinh tế - xã hội luôn luôn nhận được sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri cả nước và phiên họp sẽ được phát thanh và truyền hình trực tiếp.

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) phát biểu, phân tích làm rõ một số nguyên nhân cụ thể trong báo cáo của Chính phủ kể cả kết quả và tồn tại. Trong điều kiện khó khăn như năm 2012, kết quả có được trong báo cáo có những nguyên nhân cụ thể như sau:

Thứ nhất, chúng ta đã tập trung kiềm chế lạm phát bằng các biện pháp mạnh và khá đồng bộ, dù là giải pháp này cũng để lại một số hậu quả mà chúng ta đang phải gánh.

Thứ hai, chúng ta đã có sự linh hoạt trong điều hành, nhất là khi kiểm điểm 6 tháng có những vấn đề mới, chúng ta đã nới lỏng một số chính sách, kết hợp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cho các vướng mắc của nền kinh tế xã hội.

Thứ ba, trong điều kiện khó khăn như thế, nhưng chúng ta đã bắt đầu triển khai đổi mới cơ cấu kinh tế gắn với 10 tăng trưởng ở một số lĩnh vực theo hướng thiết lập sự ổn định vĩ mô ngày càng vững chắc hơn như vấn đề tài chính, ngân hàng, thương mại, đầu tư.

Kết quả trên nó đã góp phần giữ được trạng thái ổn định nền kinh tế trong điều kiện hết sức khó khăn. Chúng ta đã được các tổ chức quốc tế, nhất là các tổ chức tài chính đánh giá đi đúng hướng và đang khuyến khích kiến nghị chúng ta làm nhanh, làm mạnh và làm kiên quyết hơn.

Những tồn tại nêu trong báo cáo của Chính phủ cũng như nhìn nhận lỗi của Thủ tướng có những nguyên nhân cụ thể như sau:

Thứ nhất, chúng ta chưa đánh giá và chưa kiểm soát được tình hình một cách chặt chẽ, một cách kịp thời, một cách sát đúng trên một số lĩnh vực với số liệu chưa tin cậy, thiếu thống nhất.

Thứ hai, một số chính sách giải pháp của chúng ta còn có tính chất nửa vời, hay thay đổi, thiếu sự phối hợp thống nhất để đảm bảo huy động sức mạnh tổng hợp. Nó biểu hiện rất rõ trên dư luận, trên báo chí và trên các báo cáo của các ngành, các cấp trong thời gian thực hiện vừa qua.

Thứ ba, trong những khó khăn ấy và những khuyết điểm ấy chúng ta đã làm mất đi hoặc thiếu đi những động lực phấn đấu, những ý chí phấn đấu. Đã có một số hiện tượng nghi ngờ với các chính sách, giải pháp của chúng ta, cho nên sự thực hiện có phần hạn chế kể cả trong doanh nghiệp, trong dân, nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì thế, xếp hạng của chúng ta đã bị các tổ chức quốc tế luôn luôn đánh tụt hạng và vừa qua đã sụt mất 10 bậc.

Một số doanh nghiệp do khó khăn bế tắc không thoát ra được, cho nên đang có tư tưởng trông chờ, ỷ lại và chờ thời. Một số nhà đầu tư nước ngoài đã có hiện tượng rời khỏi thị trường Việt Nam. Đấy là những nguyên nhân, khuyết điểm cụ thể trong quản lý điều hành, trong thực hiện nhiệm vụ của chúng ta kể cả trong lãnh đạo chỉ đạo, trong giám sát và trong tổ chức điều hành.

Trong khi đó, đại biểu Lê Hữu Đức - Khánh Hòa cho rằng: Tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua là cố gắng rất lớn của Chính phủ, lãi suất ngân hàng giảm, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố, công tác quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại đạt kết quả tốt, an sinh xã hội được bảo đảm và an toàn giao thông có tiến bộ...

Đại biểu Lê Hữu Đức đề nghị: Trong lộ trình tái cơ cấu ngân hàng và doanh nghiệp, Chính phủ phải kiên quyết sắp xếp cho dừng hoạt động các ngân hàng nhỏ, ngân hàng yếu kém, nợ xấu cao, nợ quá hạn nhiều, mất khả năng thanh khoản, vì những ngân hàng này hoạt động sẽ làm rối loạn tình hình lãi suất trên thị trường. Còn đối với các doanh nghiệp yếu kém thường xuyên, không có khả năng khôi phục, nợ xấu nhiều, nợ quá hạn nhiều, không đủ tiêu chí để vay ngân hàng, có cứu thì cũng khó tồn tại thì nên sắp xếp lại và cho dừng hoạt động. Tôi cho rằng đây cũng là thời cơ để chúng ta làm lành mạnh lại các doanh nghiệp.

Thứ hai, tôi đề nghị Chính phủ tập trung giải quyết nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tôi đồng ý với quan điểm của Bộ Tài chính, trách nhiệm xử lý nợ xấu trước hết là của các tổ chức tín dụng và ngân hàng. Tôi biết rằng hiện nay nhiều ngân hàng đang tích cực trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, đây cũng là tín hiệu tốt cho tình hình kinh tế của đất nước. Tuy nhiên để giải quyết tận gốc vấn đề này, tôi ủng hộ chủ trương của Chính phủ thành lập công ty mua bán nợ quốc gia để xử lý nợ xấu, tất nhiên công ty này phải hoạt động công khai minh bạch và đúng pháp luật Nhà nước.

Phân tích về những rào cản, đại biểu Lê Như Tiến - Quảng Trị cho rằng: Quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta bên cạnh lực đẩy, cũng gặp không ít lực cản "ngăn lối chắn đường" cất cánh của đất nước - đó là quốc nạn tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng, lãng phí là anh em sinh đôi, là hai kẻ đồng hành, đồng lõa, đồng phạm cùng hội, cùng thuyền gây nên những thất thoát lớn nguồn lực mà mỗi người dân đổ mồ hôi, sôi nước mắt, một nắng hai sương chắt chiu dành dụm từng ngày. Tham nhũng luôn dùng ma thuật biến tài sản công thành tài sản tư, biến đất công thành đất tư, nhà công vụ thành nhà tư, vụ gây thất thoát lãng phí hàng chục ha đất, hàng triệu mét vuông nhà, hàng trăm nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, hàng triệu tấn tài nguyên khoáng sản... Quốc nạn tham nhũng đục khoét ngân khố quốc gia, khuynh đảo chính sách, thao túng quyền lực, tha hóa con người, làm giảm sút lòng tin và suy kiệt nhựa sống xã hội.

Hàng chục tập đoàn, tổng công ty, hàng trăm doanh nghiệp nhà nước do tham nhũng, lãng phí thất thoát, năng lực quản trị doanh nghiệp kém đã dẫn đến hậu quả hoặc đột quỵ, hoặc chết lâm sàng, mất khả năng đề kháng trước những cơn bão khủng hoảng, kéo theo hàng chục vạn lao động lao đao khốn khó. Công ty mất việc về quê thì mất đất, rơi vào cảnh đi vướng núi, về mắc sông, không ít sa vào cạm bẫy trở thành phạm nhân của tội phạm và tệ nạn xã hội.

Chưa tính đến tập đoàn, tổng công ty khác, chỉ riêng Vinashin đã làm thất thoát khoảng 107.000 tỷ đồng, trên 40.000 tỷ nợ nước ngoài, hơn 60.000 tỷ nợ trong nước, trong khi suất đầu tư xây dựng một phòng học của chương trình kiên cố hóa trường lớp học khoảng 500 triệu đồng, suất đầu tư xây dựng một nhà văn hóa khoảng 1 tỷ đồng, trạm xá xã khoảng 2 tỷ đồng. Nếu Vinashin không thất thoát nợ đọng thì chúng ta sẽ có thêm 214.000 phòng học hoặc 107.000 nhà văn hóa, 53 nghìn trạm xá xã. Trong khi cả nước có khoảng 11.000 xã, thì mỗi xã, phường có thêm 20 phòng học hoặc 10 nhà văn hóa, 5 trạm xá và chúng ta không phải băn khoăn, trăn trở buộc phải lùi thời hạn tăng lương do không bố trí được nguồn.

Theo báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ, trong thời gian qua các cấp, các ngành đã tiến hành thanh tra trên 62.000 vụ, song mới phát hiện và chuyển cơ quan điều tra 464 vụ chiếm 0,6% tổng số thanh tra. Đại biểu Quốc hội rất quan tâm hỏi phải chăng có xu hướng hành chính hóa các vụ án hình sự liên quan đến tham nhũng hoặc có sự "nắn dòng, bẻ ghi" làm chuyển hướng kết quả thanh tra.

Bàn về vấn đề xử lý nợ xấu, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng - Bình Dương có ý kiến việc xử lý nợ xấu đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Xử lý nợ xấu khác với mua bán nợ xấu và xử lý nợ xấu không phải chỉ bằng việc mua bán nợ xấu. Tôi hoan nghênh Chính phủ đã chủ trương không dùng ngân sách nhà nước để trả nợ thay cho doanh nghiệp bằng cách mua lại nợ xấu, đó là một chủ trương sáng suốt. Một tư duy lành mạnh và năng động thì không thể lúc nào cũng chỉ biết dựa vào sự bao cấp của ngân sách nhà nước. Thật ra ngân sách năm tới của ta rất khó khăn, đến tăng lương cơ bản và phụ cấp công vụ theo lộ trình cải cách tiền lương ta còn không có nguồn để bố trí thì sao có thể đem đi mua nợ xấu. Nợ xấu cần được rà soát, phân loại, cơ cấu lại một cách minh bạch như báo cáo của Chính phủ đã nêu, loại nào đáng mua và cần mua thì Ngân hàng nhà nước sử dụng quỹ bảo hiểm rủi ro của hệ thống ngân hàng mà theo các chuyên gia thì quỹ này cũng được hơn 60.000 tỷ đồng và các loại quỹ khác của ngân hàng để mua lại nợ xấu.

Nếu năng động hơn nữa thì Ngân hàng nhà nước, Thống đốc Ngân hàng nhà nước nên đem nợ xấu chào hàng cho các tổ chức tài chính quốc tế để họ mua lại nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu trong nước.

Theo tôi, việc từng bước phát triển thị trường mua bán nợ xấu như trong báo cáo của Chính phủ đã nêu ta nên cân nhắc thêm. Thị trường bất động sản của ta với hàng trăm nghìn căn hộ nhà đẹp, nhà xinh vẫn còn đang đóng băng, ế ẩm. Việc phát triển thị trường mua bán nợ mà lại là nợ xấu liệu có khả thi hay không? Theo tôi, cục u nợ xấu của ngân hàng cần xử lý với các biện pháp phù hợp trong đó nên giã từ tư duy dùng ngân sách nhà nước để bao cấp.

Đề xuất một số các giải pháp chính sách làm sao có thể phục hồi sản xuất lấy lại niềm tin thị trường thực hiện cho được quá trình tái cơ cấu kinh tế như báo cáo của Thủ tướng tại Quốc hội. Đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh cho rằng: Năm 2013, mục tiêu Thủ tướng đưa ra tăng trưởng 5,5 GDP và kiềm chế lạm phát là khoảng 8%, tôi cho rằng mục tiêu này là khả thi và ủng hộ. Ở đây tôi xin lưu ý một điều rằng, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn gọi là tăng trưởng dưới tiềm năng, do đó chúng ta không nên quá lo ngại đầu tư xã hội 29 - 30% nó sẽ làm giảm sản xuất năm tới.

Hiện nay theo tính toán tất cả những đầu tư đã có tăng trưởng tiềm năng có thể đạt đến 7% nếu như chúng ta có chính sách khai thông thị trường, tạo niềm tin, hỗ trợ doanh nghiệp với công suất đang có có thể tăng trưởng trở lại được, do đó điểm thứ nhất tôi cho rằng không phải tăng đầu tư bao nhiêu mà vấn đề là chúng ta làm sao khai thác được tiềm năng tăng trưởng đang có.

Về giải pháp tôi đề nghị có 2 nhóm, nhóm thứ nhất, liên quan đến vấn đề tháo gỡ khó khăn cho sản xuất ổn định vĩ mô, tức là nhóm thứ nhất trong 9 nhóm giải pháp mà Thủ tướng đã trình bày. Về nhóm thứ nhất này tôi đề xuất 2 nhóm liên quan: Một là tiền tệ; Hai là về tài khóa. Về chính sách tiền tệ tôi đề nghị có 4 điểm:

Điểm thứ nhất là vấn đề liên quan xử lý nợ xấu, tôi mong đồng chí Thống đốc đang ngồi ở đây quan tâm đến vấn đề "vòng kim cô nợ xấu" đang không hấp thụ được vốn, đang làm chết doanh nghiệp. Hiện nay đang có tình trạng từ nợ xấu dường như trên thị trường đang quay vòng trở lại, tình trạng doanh nghiệp huy động vốn đã vượt phá trần 9% và cho vay không còn trần 15% như ngân hàng nhà nước muốn. Tất cả những doanh nghiệp cho rằng: muốn vay được, ngoài lãi suất còn nhiều khoản khác, tôi mong rằng Ngân hàng nhà nước kiểm tra làm rõ vấn đề này. Nếu không phá được cái này thì chúng ta không thể nào xử lý được vốn và tình trạng huy động được vốn...

Thứ hai, tôi đề nghị cần mạnh dạn hơn trong vấn đề tăng tín dụng tiêu dùng và đặc biệt đề nghị chúng ta phải có biện pháp bằng tiền tệ, bằng tín dụng để làm ấm dần thị trường bất động sản, nếu thị trường bất động sản không ấm dần từng phần thì không giải quyết được nợ xấu. Tôi mong rằng trong chính sách tín dụng phải tập trung điều này gắn liền giải quyết vấn đề tồn đọng trong thị trường bất động sản.

Thứ ba, tôi đề nghị chúng ta cần ổn định thị trường vàng, không được xem thường, dường như vừa qua quản lý thị trường vàng chúng ta có biện pháp thiếu cân nhắc mới hoãn tới hoãn lui, đây là vấn đề chúng ta phải củng cố niềm tin cho xã hội. Tôi xin lưu ý không coi thường thị trường vàng trong điều kiện của Việt Nam.

Thứ tư, ngân hàng nhà nước cần công khai minh bạch các tiêu chí về tái cơ cấu ngân hàng thương mại, xử lý thanh khoản cho các ngân hàng yếu kém. Nếu không làm việc này thì rõ ràng chúng ta dù công tâm đến đâu người ta cũng nghi ngờ và mất niềm tin, mà mất niềm tin với thị trường tín dụng là mất niềm tin tất cả. Tôi mong Ngân hàng nhà nước quan tâm 4 điểm như vậy./.

Chiều nay, các đại biểu tiếp tục thảo luận về phương hướng, biện pháp, tháo gỡ tình trạng khó khăn hiện tại cho các doanh nghiệp cũng như tìm các hướng đi ổn định kinh tế - xã hội./.

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất