Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, sáng 29/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố và dự án Luật giáo dục quốc phòng-an ninh.
Dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố trình Quốc hội cho ý kiến gồm 8 chương, 57 điều nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác phòng, chống khủng bố và tài trợ cho khủng bố, góp phần đấu tranh kiên quyết, có hiệu quả với loại hoạt động nguy hiểm này.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, dự thảo Luật đã quy định cụ thể 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có các hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố; che giấu, chứa chấp, không tố giác âm mưu, hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố; cản trở, gây khó khăn cho hoạt động phòng, chống khủng bố, tài trợ khủng bố; đưa ra thông tin giả, cố ý loan truyền thông tin giả về khủng bố, tài trợ khủng bố…
Để tạo sự thống nhất, hiệu quả của công tác phòng, chống khủng bố, dự thảo Luật cũng đã quy định các nguyên tắc phòng, chống khủng bố; quy định 12 nhóm biện pháp khẩn cấp chống khủng bố để chặn đứng, bắt giữ, bao vây, phong tỏa, tiêu diệt đối tượng khủng bố; quy định về biện pháp phòng ngừa tài trợ khủng bố.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật phòng, chống khủng bố nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; đề nghị Chính phủ rà soát, cân nhắc kỹ một số quy định để vừa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật vừa tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho công tác phòng, chống khủng bố trong tình hình hiện nay.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, đa số ý kiến trong Ủy ban tán thành việc xây dựng một chương riêng về phòng, chống tài trợ khủng bố không chỉ phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam, mà còn nhằm đáp ứng các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về nội luật hóa các quy định về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Tờ trình dự án Luật giáo dục quốc phòng-an ninh do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình bày nêu rõ việc ban hành Luật là cần thiết để khắc phục những hạn chế, đồng thời tạo ra những bước phát triển trong giáo dục quốc phòng-an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa...
Dự thảo Luật gồm 6 chương, 42 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục tiêu, nguyên tắc, chính sách của nhà nước, quyền, trách nhiệm của công dân về giáo dục quốc phòng-an ninh, các hành vi bị cấm; về giáo dục quốc phòng-an ninh trong nhà trường; bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng-an ninh…
Đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh là cơ quan tiến hành thẩm tra dự án Luật đề nghị dự thảo cần bổ sung quy định cụ thể và chặt chẽ về yêu cầu, nội dung, hình thức và cơ chế tổ chức hoạt động xã hội hóa theo hướng thu hút sự tham gia rộng rãi của cơ quan, tổ chức và cá nhân nhằm huy động tổng hợp nguồn lực xã hội cho công tác này, đề cao trách nhiệm công dân tự giác học tập và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, hạn chế những quy định mang tính hành chính bắt buộc.
Trong sáng 28/10, Quốc hội cũng đã nghe Tờ trình dự án Luật hòa giải cơ sở do Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường trình bày.
Theo chương trình, buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn./.
(TTXVN)