Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 6/2/2019 16:42'(GMT+7)

Thao thiết Nguyễn Hồng Vinh

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh

Mấy chục năm lăn lộn với chính trường, dù bận mấy ông vẫn dành một khoảng tĩnh lặng trong tâm hồn cho thơ. Bây giờ, khi đã ngoài tuổi "cổ lai hy", áp lực công việc không nhiều, ông có điều kiện dành cho thơ nhiều hơn. Chả thế mà sau khi xuất bản tập thứ bảy: "Thơ và Dấu ấn cuộc đời", quý II/ 2018, ông lại ăm ắp tình thơ, với gần ba mươi bài đăng trên các báo, tạp chí số Xuân Kỷ Hợi - 2019 đã minh chứng cho tâm hồn thơ rất xuân của ông.

Trong Nguyễn Hồng Vinh là "Tâm hồn xanh/ Dòng đời xanh/ Thản nhiên hiện hình trang viết" (Xanh mãi trang đời). Với Nguyễn Hồng Vinh, tuổi cao không làm tâm hồn thơ già đi mà trái lại càng thẳm sâu cảm thức của một người từng trải. Bút lực của ông dồi dào: "Bãi bờ màu xanh lan tỏa/ Tứ thơ ào ạt ùa về/ Trái tim rộn ràng nhịp lá/ Rung rinh nốt nhạc Tình ca!" (Tình ca). Nỗi niềm với thơ cứ xoắn xuýt không rời, luôn đau đáu trong ông như một món nợ phải trả cho đời: “Bàn văn” đêm nay sang tận khuya/ Bài “Hoa Tết” đã lên ma-két/ Mà sao vẫn chưa xong đoạn kết/ Dáng hình em cứ chập chờn trang viết/ Và lời thì thầm: “Gắng đợi xuân sang” (Hoa và Người).

Tác giả cùng đồng nghiệp bên những số báo xuân

Nguyễn Hồng Vinh cũng như bất cứ người làm thơ nào, hình tượng người phụ nữ luôn đứng ở điểm xuất phát của nguồn cảm hứng. Tình yêu quê hương, thiên nhiên và con người là đối tượng của cảm xúc để nhà thơ trải lòng. Bốn mùa của dải đất hình chữ S hiển hiện đẹp đến nao lòng tạo nên những cung bậc cảm xúc riêng của mỗi người nghệ sĩ.

Với cái nhìn tinh tế, Nguyễn Hồng Vinh hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên để thả tâm trạng vào mỗi dòng thơ: Với mùa hạ “Rồi một ngày cuối hạ/ Đêm phập phồng cùng hoa/ Xin một lần thơm lại/ Giữa đôi bờ thực- mơ!” (Xanh mài trang đời); với mùa đông “Mạch sống nổi chìm năm tháng/ Lá rụng, cây ủ mầm xanh/ Sau đông từng cành gân guốc/ Bình minh bung nở chồi xanh!” (Cây vào đông); với mùa thu “Cốm đã xanh thủ đô/ Cúc triển đê mát mắt/ Sóng vỗ về lay thức/ Nhớ chập chờn đầy vơi” (Xanh) và đặc biệt với mùa xuân, thi sĩ như thấy mình trẻ lại cùng xuân trong tâm thức: “Cây thì thầm gì với xuân?/ Từng cọng lá khô cuồn xoay theo gió/ Ném sầu đau vào quá khứ/ Vang khúc tình ca ngày mai.” (Thì thầm xuân).

Cũng mùa xuân ấy, quá khứ hào hùng của dân tộc được Nguyễn Hồng Vinh thắp lửa: “Sắc đào Quang Trung/ Thắm đất vùng Tam Điệp/ Nở đẹp những mùa xuân.” (Đào Tam Điệp). Mùa xuân - mùa của chồi non lộc biếc, mùa của lễ hội và cũng là mùa của tỉnh yêu lứa đôi xao xuyến bồi hồi được tác giả khắc họa vào thơ, khi “Có phút giây thư thả/ Nghe chầm chậm xuân về”, khi “Có phút giây hối hả/ Xanh trải dài đồng quê” (Hối hả xuân), và nơi ấy “Em về hoa đào bừng nở/ Em đi cánh rụng đầy thềm/ Xứ lạnh đất trời tuyết phủ/ Hương quê còn quyện tóc em” (Dòng xuân).

Tác giả thăm điểm cao 468 ở Vị Xuyên, Hà Giang

Nếu như mùa xuân là mùa bắt đầu của một năm thì những ngầy Tết cổ truyền của dân tộc là những ngày bắt đấu của mùa xuân được Nguyễn Hồng Vinh lay thức và chăm chút: “Ngày vui đời em đúng dịp tất niên/ Em thấu hiểu/ Chiều sâu hạnh phúc.” (Hạnh phúc). Và, ba tháng của mùa xuân như dồn nén tâm tư thi sĩ vào tháng cuối xuân đầu hạ: “Tháng ba mưa bay/ Hạt gieo trời đất/ Con tim nén dồn/ Bật lên tiếng hát” (Mưa bay tháng ba) hoặc “Tháng ba dồn chở mong/ Gặp nhau mùa lễ hội/ Giữa khói mở hư ảo/ Mắt đắm say cất lời” (Tháng ba).

Vui cùng xuân, Nguyễn Hồng Vinh vẫn đăm đắm nhớ về những gian nan vất vả của khúc ruột miền Trung “chang chang cồn cát” kiên cường: “Ơi miền Trung gian nan/ Qua mưa bom, bão đạn/ Giữa phong ba, nắng hạn/ Trường tổn cùng Việt Nam” (Miền Trung). Thế đấy, tình yêu đất nước, yêu dân tộc không những là điểm tựa cho con người chân chính vượt qua mọi gian truân, thử thách mà còn nâng tâm hồn lên ở tầm cao mới nồng thắm, da diết hơn. Tình cảm của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đối với dân, với nước sâu nặng nghĩa tình.

Chất thép và chất tình trong từng bài báo, trong từng bài thơ hòa quyện nhuần nhuyễn tạo nên hiệu ứng tích cực trong lòng bạn đọc, bởi trong ông là nhịp đập của trái tim luôn tìm được ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa công việc mình làm, dạt dào cảm hứng cho từng tứ thơ mình viết. Nhịp đập ấy luôn đồng cảm với nhịp đập trái tim đồng chí, đồng nghiệp, vì thế khi đọc thơ của bạn thơ, tâm hồn ông rung lên đồng điệu theo dòng cảm xúc của trang thơ. Ông nắm bắt được thần thái của từng bài thơ để họa lại bằng lời thơ chân mộc, mang tính triết luận sâu sắc.

Những bài thơ đăng trên các báo Xuân Kỷ Hợi - 2019 của các nhà thơ: Trần Thế Truyền với bài “Mời trầu”; Bình Nguyên Trang với bài “Tự tình tháng Giêng”; Hồng Thanh Quang với bài “Rải mây vào giấc mơ đêm”; Trần Quang Quý với bài “Đá”; Trần Gia Thái với bài “Nghe nhạc ở quán Tùng”; Hữu Việt với bài “Trong nhà công tử Bạc Liêu”… mà ông được đọc như tiếp thêm mạch nguồn cảm hứng thi ca để ông nối tiếp những suy luận của mình như người mài ngọc.

Khi đọc tập thơ “Vào mùa trăng” của giáo sư Hà Minh Đức, ông cùng tác giả bước vào mùa trăng đẹp đến sững sờ: “Trăng ùa vào thơ anh đắm đuối/ Trăng tròn và trăng khuyết/ Trăng tắt lúc nửa đêm/ Rồi lại sáng ban ngày/ Một dòng sông trăng/ Soi khuôn mặt em dịu dàng và tươi thắm” (Những vần thơ ngời ngợi ánh trăng).

Tác giả viếng nghĩa trang Vị Xuyên nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc

Đọc tập thơ “Thản nhiên xanh” của Đỗ Phú Nhuận, ông cùng tác giả sải theo dặm dài đất nước: “Quê hương dệt nên Tổ quốc/ Thao thức với Hà Giang/ Màu cờ đỏ chói ngời Lũng Cú/ Phần phật sông núi ngàn trùng/ Rừng đước, rừng bần, sa mộc/ Cứ rộng dài mũi đất Cà Mau/ Kiến tạo một Thành đồng Tổ quốc” (Xanh mãi trang đời).

Đọc bài thơ “Hoa tường vi” của Bằng Việt, ông viết: “Cuộc đời này bao nghĩa nặng, tình sâu/ Như nước sông bồi phù sa bờ bãi/ Thơ anh mượt xanh và rực vàng hoa trái/ Tặng hậu thế này,/ còn mãi muôn sau” (Say ngắm hoa tường vi). Đọc tập thơ “Biển bây giờ không còn mặn” của Trần Gia Thái, ông đau đớn thốt lên: “Những câu thơ buốt nhói lòng tôi/ Hồn thơ mất dần theo thị trường chao đảo/ Tình người đưa lên bàn cân đong khảo/ Đồng tiên thay đạo lý nhân văn?” (Giữ đẹp tình người).

Để có lời bình thơ bằng thơ theo chủ đề tư tưởng của mỗi tập thơ, bài thơ, Nguyễn Hồng Vinh đọc và nghiền ngẫm rất kỹ và hồn thơ của ông rung lên cùng cảm xúc của tác giả theo cách rất riêng của mình. Ông lựa chọn những câu thơ tâm đắc làm nền hoặc minh chứng cho lời thơ bình phẩm của mình một cách tinh tế, mang tính thuyết phục cao mà vẫn đảm bảo tính khái quát, ảnh hình ẩn dụ, nhịp điệu trong thơ. Cứ thế, bái tiếp bài, thơ Nguyễn Hồng Vinh quyện vào khuôn nhịp cảm xúc của từng tác giả, người xướng, người họa thể hiện một cách đủ đầy chữ tâm và chữ tầm của thi nhân. 

Sau mỗi độ xuân về, người người thêm tuổi mới với sức sống mới, bao kỳ vọng mới. Và, Nguyễn Hồng Vinh bước vào mùa gieo trồng thi ca với tâm thế của một nhà thơ đang sung sức. Chúng ta, những người quý trọng Nguyễn Hồng Vinh, yêu mến thơ Nguyễn Hồng Vinh chờ đợi năm 2019 sẽ lại được thưởng thức những tập thơ tiếp theo đầy nhiệt huyết và trách nhiệm của ông - nhà báo, nhà thơ trong nền báo chí và thơ ca cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Văn Tông
(Theo Tạp chí Người Làm báo điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất