Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 6/2/2019 5:5'(GMT+7)

Thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh: Chan chứa niềm tin vào tương lai

Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cháu thiếu nhi nhân dịp đầu năm mới 1959

Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cháu thiếu nhi nhân dịp đầu năm mới 1959

Đất trời đã vào xuân, những lời thơ chúc Tết mỗi dịp xuân về của Hồ Chí Minh năm xưa với chất lãng mạn bay bổng, giọng điệu thâm trầm song luôn gắn với chính trị, rất thời sự và cách mạng vẫn làm ấm lòng mỗi người dân Việt Nam, vẫn toả ánh sáng và dẫn đường để đưa sự nghiệp đổi mới vì một nước Việt Nam "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" đi đến thành công.

TIẾNG LÒNG THI SĨ HỒ CHÍ MINH

Sinh thời, Hồ Chí Minh không bao giờ tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ dù Người rất yêu văn thơ và tâm hồn Người chan chứa ý thơ. Kể cả khi bị giam cầm trong ngục tối, tâm hồn thơ của Người cũng rất đặc sắc, đúng như Người từng viết rằng: “Ngâm thơ ta vốn không ham/Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây/Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do" (Nhật ký trong tù).

Thơ Hồ Chí Minh nói chung và thơ chúc Tết đầu xuân của Hồ Chí Minh nói riêng thể hiện sâu sắc và tinh tế vẻ đẹp tâm hồn của Người. Từ nhận thức sâu sắc rằng thơ văn là vũ khí để đấu tranh cách mạng, Hồ Chí Minh đã dùng thơ văn như là một vũ khí phục vụ sự nghiệp cách mạng và Người đã trở thành nhà văn, nhà thơ lớn ngoài ý muốn của mình. Thơ của Người, dù ghi lại cảnh bị giam cầm trong nhà giam của chế độ Tưởng Giới Thạch, được làm trong một đêm khuya giữa núi rừng Việt Bắc, là những bài ca kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia đấu tranh cách mạng hay những bài thơ Người "tức cảnh" khi Xuân về, Tết đến, gửi chúc mừng đồng bào và chiến sĩ cả nước,v.v.. cũng đều ẩn chưa những nét đẹp tâm hồn của một nhà thơ chiến sĩ. Đó không chỉ là tình yêu thiên nhiên, con người, cuộc sống mà còn là phong thái ung dung tự chủ và niềm lạc quan, nghị lực kiên cường vượt lên trên mọi hoàn cảnh khắc nghiệt, tối tăm của cuộc sống, nhất là luôn đúng như cụ Bùi Bằng Đoàn viết năm 1948: “Biết Người việc nước không hề rảnh/Vung bút thành thơ đuổi giặc thù”.

Giản dị, mộc mạc, trong sáng nhưng luôn hấp dẫn lạ thường, có sức lôi cuốn cả những người biết chữ và những người chưa biết chữ, thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh (bài đầu tiên viết năm 1942 và bài cuối cùng viết năm 1969) hiển hiện một tầm sâu rộng về tư tưởng, minh triết về cội nguồn dân tộc và khát khao độc lập, tự do cho đất nước, cho mỗi con người. Cảm xúc thơ mênh mang, mọi tầng lớp từ người lao động đến bậc trí thức đều đọc, đều hiểu, thấm, đồng cảm với những rung động của thi nhân và đó chính là cuốn "nhật ký" thể hiện rõ từng bước phát triển của cách mạng Việt Nam. Hơn cả mọi lời thơ, hơn cả mọi tiếng lòng, thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh là lời người Cha già dân tộc, là lời của non nước truyền đến đồng bào và chiến sĩ cả nước nguồn sức mạnh và khát vọng trường tồn của dân tộc trong thời khắc thiêng liêng, đất trời chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, với những nét rất độc đáo, khảng khái, thấm thía, đi sâu vào tình cảm con người, chinh phục cả trái tim và khối óc con người, bởi “hình ảnh sinh động, giản dị, dễ hiểu, giàu tình dân tộc và tính nhân văn”(1).

Ra đời trong những hoàn cảnh khác nhau, được viết với những mục đích, bút pháp và phong cách khác nhau, song thơ của Hồ Chí Minh, đặc biệt là thơ chúc Tết là tiếng lòng, là tâm hồn một vị lãnh tụ suốt đời đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Thơ và thơ chúc Tết của Người “là một hình thái tươi đẹp của hoạt động cách mạng”, phản ánh hiện thực đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, là trang biên niên sử của cách mạng Việt Nam thời hiện đại. Bắt đúng mạch nhịp của cuộc sống, góp phần hướng dẫn, động viên và khơi dậy tinh thần dân tộc, truyền thống đoàn kết, đồng chí, đồng tâm của cả dân tộc, những lời thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh dù được viết trong thời điểm lịch sử nào cũng vẫn tràn đầy niềm lạc quan cách mạng.

Từ suy nghĩ rất cụ thể, viết cho ai, viết để làm gì, Hồ Chí Minh đã có câu trả lời mỗi khi viết thơ chúc Tết, đó là viết cho đồng bào và chiến sĩ cả nước đọc để mỗi người “đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm làm theo lời kêu gọi của mình” nhằm đưa đường lối của Đảng thấm sâu vào quần chúng. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, trong bài thơ chúc Tết đầu tiên viết năm 1942, đăng trên báo Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh đã hướng đến hình ảnh ngôi sao vàng năm cánh đã từng xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, trong chiến khu Việt Bắc và trong Chương trình cứu nước của Việt Minh để nhắn nhủ toàn dân về sự ra đời một nước Việt Nam mới. Mừng xuân mới cũng đồng thời là nhiệm vụ mới được cô đúc lại trong những câu thơ vừa là lời chúc, vừa là lời kêu gọi để chuyển đến quần chúng nhân dân khát vọng: “Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!/Chúc Việt minh ta càng tiến tới/Chúc toàn quân ta trong năm này/Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới!/Năm này là năm Tết vẻ vang/Cách mệnh thành công khắp thế giới”(2). Theo lời hiệu triệu của Người, của hồn thiêng sông núi, toàn quốc đồng bào đã đoàn kết, vùng lên Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công.

Song, nền độc lập dân tộc không thể kéo dài, thực dân Pháp bội ước đã cố tình gây chiến và quay trở lại xâm lược đất nước ta. Cũng vẫn theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) của Người, cả nước đồng lòng bước vào cuộc trường chinh đầy gian khổ. Và trong Tết độc lập đầu tiên lại cũng là những ngày đầu gian lao kháng chiến đó, đồng bào và chiến sĩ cả nước vừa vui mừng chờ đón tiếng pháo mừng xuân, vừa hồi hộp lắng nghe thơ chúc Tết của Người. Cũng vẫn là một Hồ Chí Minh đầy bản lĩnh và kiên cường cách mạng truyền đến đồng bào cả nước niềm tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến qua bài thơ chúc Tết xuân Bính Tuất 1946: “Tết này ta tạm xa nhau/Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy”...      

Chiến tranh ngày càng lan rộng, đón Tết năm Đinh Hợi 1947, mặc dù so sánh lực lượng giữa ta và địch còn chênh lệch, nhưng với niềm tin tất thắng, Hồ Chí Minh vẫn chúc mừng xuân mới bằng bài thơ chúc Tết đọc ở ngôi chùa Trầm. Tràn đầy cảm hứng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mang âm hưởng giục giã, động viên toàn dân tham gia kháng chiến, thơ chúc Tết xuân 1947 của Người là lời hiệu triệu của giang san Tiên Rồng. Cũng đặc sắc như con người thi sĩ Hồ Chí Minh, lời hiệu triệu tràn đầy sự tin tưởng, mang cảm hứng lịch sử sâu sắc đó khẳng định thế đi lên của dân tộc, thế của chính nghĩa và chiến thắng: Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/ Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến/Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng/Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!/Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi”(3). Cũng vẫn là lời kêu gọi, là lời động viên chính trị nhưng không hề khô khan, bài thơ chúc Tết này kêu gọi sự đoàn kết, đồng lòng song vẫn “dội vang trong nhịp điệu hào hùng và bay lên trong cảm hứng lãng mạn của lời tiên tri cách mạng”(4). Vẫn cứ thế, trong mỗi bài thơ đều thể hiện sự kiên định quyết tâm bằng những những mệnh đề “nhất định thành công” (1947), “quyết thành công” (1948), “nhất định thắng lợi” (1950), “Chiến thắng trăm phần trăm” (1952) “nhất định hoàn toàn thành công” (1954) “ắt thành công” (1965) “toàn thắng ắt về ta” (1968) và sự tin tưởng con đi tới tương lai “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh” (1961). Vẫn cứ thế, theo những lời thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh, quân dân ta đã từng bước vượt qua khó khăn, thử thách, từng bước giành được những thắng lợi trên chiến trường.

PHẢN ÁNH HIỆN THỰC CÁCH MẠNG SINH ĐỘNG

Không chủ đích, nhưng khoa học và độc đáo, ở Hồ Chí Minh thơ mừng xuân là những lời thốt ra rất tự nhiên, phù hợp với thực tiễn đấu tranh cách mạng song vẫn chan chứa ý thơ. Phong vị thơ đó không chỉ đồng hành cùng tiến trình lịch sử, đồng hành cũng vị thế của quân ta trên chiến trường mà còn “lời hịch của cách mạng”. Tâm hồn Hồ Chí Minh luôn gắn bó với hiện thực cách mạng ở mũi nhọn của cuộc đấu tranh giải phóng, nên dù chỉ là: “Mấy câu thành thật nôm na, Vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân”(5), song những vần thơ chúc mừng năm mới vẫn luôn là lời hiệu triệu đầy sức mạnh tinh thần.

Âm vang hào khí của một dân tộc có bề dày văn hiến được thể hiện xuyên suốt và nhất quán trong những bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh. Đọc thơ chúc Tết của Người, mỗi người dân đất Việt dường như thấy trong đó lời giục giã, nhạc điệu trầm hùng, vang vọng của núi sông và mỗi câu kết trong từng bài luôn thể hiện khát vọng về một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, non sông liền một dải. Đó là những lời tiên tri, khẳng định trong 22 bài thơ chúc Tết (1942-1969), trong đó có: “Việt Nam độc lập muôn năm”(1946); “Thống nhất độc lập, nhất định thành công”(1947); “Thống nhất chắc chắc chắn được, Độc lập quyết thành công”(1948); “Hoà bình, thống nhất thành công”(1956); “Thống nhất nước nhà thắng lợi”(1959); “Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ!”(1960); “Chúc hoà bình thống nhất thành công!”(1961); “Rồi đây thống nhất thành công, Bắc Nam ta lại vui trong một nhà”- 1964; “Hoà bình thống nhất ắt hẳn thành công”(1965); “Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào, Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”(1969), v,v.. Từ những câu kết này, có thể thấy những lời thơ ấy không chỉ cổ vũ, khích lệ tinh thần chiến đấu và chiến thắng của quân dân hai miền Nam Bắc mà còn đưa đến cho nhân dân Việt Nam niềm tự hào và sự tin tưởng. Đặc biệt và lớn lao, những bài thơ chúc Tết thấm đẫm nhân sinh quan cách mạng, thể hiện tâm hồn người cộng sản Hồ Chí Minh khi vang dậy như hiệu lệnh tiến công (1947, 1968, 1969), khi nhẹ nhàng như một lời hát, một khúc ca (1962, 1964, 1967), v.v.. đã trở thành nguồn ánh sáng dẫn đường cho dân tộc ta, nhân dân ta đi tới thắng lợi với những mùa xuân của đất nước.

Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ, vị tổng chỉ huy tối cao của dân tộc nhưng Người đồng thời là một nhà thơ lớn. Bởi vậy, như một lẽ tự nhiên, đồng bào và chiến sĩ cả nước đón nhận những lời thơ chúc Tết của Người đã không chỉ tìm thấy ở đó sự tổng kết những thành tựu đã đạt được trong năm qua mà còn nhìn thấy được triển vọng và tình hình của năm mới, để kiên định và vững bước tiến lên. Đó là: “Chuyển mau sang tổng phản công, Kháng chiến nhất định thắng lợi” (1950) hoặc “Trường kỳ và gian khổ, Chắc thắng trăm phần trăm” (1952),v.v.. Mừng xuân năm 1954, Hồ Chí Minh chúc: “Hoà bình, dân chủ khắp Nam Bắc Tây Đông. Năm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều”; và lời chúc đầu xuân đó đã trở thành sự thật, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã kết thúc với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Thơ chúc tết của Hồ Chí Minh giản dị nhưng sâu sắc, mà mỗi câu, mỗi chữ, mỗi vần đều là một biểu hiện, là sự kết tinh, là một “sự tổng hợp kinh nghiệm phong phú, là biểu thức của một chân lý sáng ngời mà vì thế nó mạnh hơn xe tăng đại bác, nó làm cho đất chuyển trời long”(6). Chất liệu của thơ là hiện thực được ánh sáng lý tưởng soi rọi nên vừa chân thật, vừa bay bổng, hài hòa trong cái nhìn toàn diện, thấu đáo đã đi vào nhân dân, làm cho nhân dân nhận thức rõ đường lối, mục tiêu của cách mạng và ý thức được nhiệm vụ của mình một cách rõ ràng, với một quyết tâm cao. Nhân nguồn sức mạnh của dân tộc, hàm chứa trong những vần thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh là sự cổ vũ nhân dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp; là hồi kèn giục giã nhân dân miền Bắc thi đua trên công trường cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng hậu phương vững mạnh; cổ vũ đồng bào miền Nam kiên cường trên tuyến đầu Tổ quốc để “đánh Mỹ và thắng Mỹ”, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà: “Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua/ Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa/Chúc đồng bào ta bền bỉ đấu tranh/Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ/Cả nước một lòng, hăng hái tiến lên/ Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ”(7). 

Không chỉ dừng ở đó, thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh còn thấm đượm tình đoàn kết, tinh thần quốc tế trong sáng, với lời khẳng định: “Các mạng thành công khắp thế gian” (1942), “Mừng phe dân chủ hòa bình thế giới” (1953), “Mừng Việt Nam, mừng thế giới” (1961)…hướng đến hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước, các dân tộc.

KHÁT KHAO THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

Từ trong sâu thẳm trái tim mình, Hồ Chí Minh luôn nhớ về miền Nam ruột thịt “Thành đồng Tổ quốc”, bởi đó là “máu của máu, là thịt của thịt Việt Nam”. Trong tư tưởng của Người, độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà, non sông liền một dải không chỉ là khát vọng, đó còn là chân lý. Bởi vậy, cũng như một lẽ tự nhiên, tình cảm, tấm lòng của Người luôn hướng về miền Nam và khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc luôn hiển hiện trong những bài thơ chúc Tết  của Người. Yêu thương và gắn bó với miền Nam, Người không chỉ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sự chi viện về vật chất và tinh thần của miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho miền Nam ruột thịt, mà mỗi thắng lợi của đồng bào miền Nam cũng dường như tiếp thêm sức mạnh cho Người.

 Mang đến cho mỗi người dân Việt Nam niềm hy vọng: “Rồi đây thống nhất thành công, Bắc Nam ta lại vui trong một nhà” (1964) và “Miền Nam kháng chiến ngày càng tiến tới”(1965), để hướng đến mùa xuân chiến thắng, mùa xuân thống nhất nước nhà là mong ước lớn nhất, đồng thời cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của Hồ Chí Minh. Viết lên nỗi lòng mình, thiết tha và giục giã: “Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi, Tin mừng thắng trận nở như hoa" (1967), “Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ. Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!” (1968) và “Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào, Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”(1969), lời của Người - lời của non nước đã thấm sâu vào trái tim và khối óc mỗi người dân đất Việt. Mang chất thép kiên cường và ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mỗi bài thơ chúc Tết của Người đều là những dấu mốc quan trọng trong chặng đường đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh thể hiện rõ ý chí và quyết tâm “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Người, của những người dân Việt Nam và tư tưởng này, khát vọng này thấm đẫm trong bài thơ chúc Tết cuối cùng của Người (Mừng xuân 1969).

Xuân 1969, xuân cuối cùng của cuộc đời mình, dù sức khoẻ của Người đã yếu, nhưng là nhà lãnh đạo đặc biệt “trong những giờ phút thử thách lại tỏ ra sáng suốt, bình tĩnh, gan dạ, quên mình, kiên nghị và dũng cảm một cách phi thường”, Hồ Chí Minh vẫn dõi theo tình hình chiến sự ở miền Nam và lời thơ chúc Tết xuân đó của Người vẫn hào hùng, sảng khoái âm hưởng của chiến thắng. “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, đó là nhiệm vụ chiến lược, đó còn đồng thời là thoả nguyện lòng mong mỏi của Người, hướng tới một thắng lợi trọn vẹn của toàn dân tộc.


Người đã đi xa, nhưng thực hiện Di chúc của Người, thực hiện theo lời kêu gọi Người để lại trong bài thơ Mừng xuân 1969: “Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào. Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”, nhân dân ta đã thực hiện trọn vẹn khát khao của Người. Cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân 1975 đã giành được thắng lợi. Tổ quốc ta đã hoàn toàn độc lập, thống nhất, đang giành được những thắng lợi rất đáng tự hào trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng,v.v.. đang ngày một phát triển và hội nhập cùng bạn bè quốc tế. Tuy vẫn còn những khó khăn, thử thách, song có thể tin tưởng rằng: Những gì giúp chúng ta chiến thắng trong chiến tranh, cũng tiếp tục được củng cố, bổ sung và nhân nguồn sức mạnh để giúp chúng ta chiến thắng trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập!

Ăng ghen từng nói, “lịch sử là nhà thơ lớn nhất” và với ý nghĩa đó, những bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh cũng giống như cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là “bài ca bất tuyệt chứa chan thi vị, mang chiều sâu vẻ đẹp vô cùng, in dấu đậm nét nhất trong tiến trình lịch sử” đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. "Bác Hồ gọi, ấy là mùa xuân đến"! Trên suốt hành trình đầy gian lao, thử thách của thực tiễn đấu tranh cách mạng, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phát triển giàu mạnh, bền vững, những lời thơ chúc Tết của Người vẫn nâng bước chúng ta đi trên mỗi chặng đường chiến đấu và chiến thắng. 50 sau kể từ khi Người đi xa, mỗi độ xuân về, đón một năm mới với những nhiệm vụ mới, mỗi người dân Việt Nam vẫn như thấy âm vang những lời kêu gọi, giục giã, cổ vũ, động viên trong những bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh thuở nào; vẫn thấy tràn đầy một niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc trên hành trình đi tới tương lai/

TS. Văn Thị Thanh Mai

----------

Chú thích:

1. Trường Chinh: Về văn hoá văn nghệ, H, 1985, tr.338

2, 3, 5, 7. Hồ Chí Minh:  Thơ chúc Tết, Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh, H, 1986, tr.7, 9,14, 19

4. Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, Nxb. VHTT, H, 2000, tr.486

6. Phan Anh: Ôn thơ Hồ Chủ tịch, báo Cứu quốc số 3120, ngày 19/5/1963

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất