Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân dẫn đầu Đoàn Cấp cao Việt Nam vừa kết thúc thành công toàn diện chương trình tham dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản lần thứ 10 và thăm Nhật Bản từ ngày 8-10/10.
Chuyến đi đã một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của Việt Nam với những đóng góp thiết thực, hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cấp quan hệ Mekong-Nhật Bản lên Đối tác chiến lược. Thành công từ chuyến thăm Nhật Bản lần này cũng góp phần tạo ra xung lực mới cho quan hệ hai nước.
Trong thời gian từ ngày 8-10/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc với 30 hoạt động, gồm cả đa phương và song phương trong đó nổi bật là các cuộc tham dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản; hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam-Nhật Bản.
Một trong những điểm nhấn trong cơ chế hợp tác Mekong-Nhật Bản 10 năm qua là việc thực hiện Chiến lược Tokyo 2015 giai đoạn 2016-2018 với hàng trăm dự án được triển khai trong nhiều lĩnh vực, giúp cải thiện kết nối cơ sở hạ tầng, thúc đẩy gắn kết kinh tế-công nghiệp và giao lưu nhân dân giữa Nhật Bản và khu vực Mekong.
Lãnh đạo các nước Mekong đánh giá cao việc Nhật Bản đã hỗ trợ hơn 750 tỷ yen để triển khai các dự án này. Đây cũng là tiền đề quan trọng để tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo năm nước Mekong và Nhật Bản đã quyết định nâng cấp hợp tác giữa các nước Mekong và Nhật Bản lên Quan hệ đối tác chiến lược.
Không chỉ nâng cấp quan hệ, thành công quan trọng nữa của hội nghị lần này là việc các nhà lãnh đạo đã thông qua Chiến lược Tokyo 2018 cho hợp tác giai đoạn 2019-2021 cùng ba phụ lục danh sách các dự án phối hợp giữa hợp tác Mekong-Nhật Bản với các chương trình/khuôn khổ hợp tác phát triển toàn cầu và khu vực. Đây là định hướng rất quan trọng để cơ chế hợp tác này ngày càng đi vào hiệu quả, thiết thực và đem lại lợi ích cho mỗi quốc gia thành viên.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với một số tập đoàn của Nhật Bản. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng việc nâng cấp lên đối tác chiến lược cho thấy các nước cùng chung quan điểm thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển kinh tế xã hội toàn diện giữa Nhật Bản và các nước Mekong, trong đó có Việt Nam. Việc nâng cấp này thúc đẩy quan hệ của Việt Nam không chỉ với Nhật Bản mà trong khuôn khổ liên kết chung. Nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng thương mại đang gia tăng.
Cụ thể hóa các dự án thực hiện các mục tiêu hợp tác, tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm ưu tiên cần thực hiện, trong đó có ưu tiên thúc đẩy kết nối giao thông, kết nối năng lượng nội khối.
Một sáng kiến đáng chú ý của đoàn Việt Nam tại hội nghị lần này là việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất nghiên cứu và xây dựng Mạng lưới Sáng tạo Mekong-Nhật Bản nhằm tăng cường liên kết, trao đổi giữa các trung tâm nghiên cứu, phát minh sáng chế, trung tâm khởi nghiệp của Nhật Bản và các nước Mekong. Sáng kiến này nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo tất cả các nước tham dự hội nghị.
Vấn đề Biển Đông cũng rất được quan tâm tại Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản lần thứ 10. Chia sẻ với hội nghị về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tính cấp thiết của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; kêu gọi tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) có hiệu lực và hiệu quả.
Về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay tại Dinh Thủ tướng tại thủ đô Tokyo. Đây là lần thứ 3 trong nhiệm kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam thăm Nhật Bản. Khác với những lần trước, chuyến thăm lần này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe vừa được bầu lại làm Chủ tịch của đảng Dân chủ tự do (LDP) và hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong hội đàm, hai thủ tướng nhất trí nhiều vấn đề quan trọng về thúc đẩy hợp tác về kinh tế, nhất là về công nghiệp phụ trợ, năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, cơ sở hạ tầng chất lượng cao, tạo điều kiện để hoa quả của hai nước vào được thị trường của nhau, trong đó có cam, táo của Nhật, vải, nhãn, vú sữa của Việt Nam; trao đổi các biện pháp để thúc đẩy tiến độ một số dự án đang triển khai giữa hai nước.
Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ ODA cũng như thúc đẩy đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính phủ điện tử, cải cách hành chính. Sắp tới Nhật Bản sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực nhân lực y tế trong khuôn khổ Sáng kiến Sức khỏe châu Á.
Hai nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm cùng thúc đẩy để Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sớm có hiệu lực, được thực thi, thúc đẩy các tiến trình thương lượng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Ngay sau hội đàm, hai thủ tướng đã chứng kiến các bộ, ngành và cơ quan hai nước trao đổi chín văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực như an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, thương mại, công nghiệp, hợp tác trong chính sách biển và đại dương, giáo dục đào tạo...
Đánh giá về kết quả chuyến thăm Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho rằng các nước, chính giới và các doanh nghiệp đều rất coi trọng vai trò của Việt Nam. Thủ tướng Shinzo Abe nhiều lần nhấn mạnh mong muốn thúc đẩy hơn nữa hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Như thường lệ, xúc tiến đầu tư luôn là một ưu tiên hàng đầu trong các chuyến công du đối ngoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, gặp gỡ doanh nghiệp Nhật Bản và Mekong, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Tham dự Diễn đàn Đầu tư Mekong-Nhật Bản cùng lãnh đạo các nước Mekong, Thủ tướng cho rằng khu vực Mekong nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ là điểm đến tin cậy của nhà đầu tư.
Tiếp tục thành công lớn từ Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam-Nhật Bản năm 2017, trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư với sự có mặt của 1.200 doanh nhân, doanh nghiệp hai nước. Phát biểu tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các nhà đầu tư Nhật Bản của Việt Nam đang được xem là “một trong những hình mẫu của các nhà đầu tư FDI tại Việt Nam, về sự kiên nhẫn, ý chí quyết tâm, tính kỷ luật, sự trung thực và cả tính hiệu quả trong đầu tư.”
Thủ tướng nhìn nhận vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đóng vai trò dẫn động và làm tăng khả năng cạnh tranh giữa các dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp của Nhật Bản có tiềm lực mạnh về tài chính, năng lực quản trị tốt, mạng lưới thị trường quốc tế, sẽ trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình cổ phần hóa; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư hạ tầng cơ sở chất lượng cao, đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam để hai bên hợp tác cùng có lợi, phát triển bền vững, lâu dài.
Ngay tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, hai bên đã ký kết, trao đổi 19 biên bản thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, có tổng giá trị cam kết gần 10 tỷ USD.
Nhân dịp thăm Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện; dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam và có bốn cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin cùng nhiều cuộc tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật Bản. Thủ tướng đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản lần thứ 10 và thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy, sẵn sàng cùng Nhật Bản và các nước Mekong xây dựng các kế hoạch hợp tác dài hạn hướng tới mục tiêu chung là phát triển và thu hẹp khoảng cách phát triển của các nước tiểu vùng Mekong cũng như phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản lên một tầm cao mới./.
Quang Vũ/TTXVN