Thứ Hai, 14/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 27/6/2009 12:31'(GMT+7)

Thật - giả khó phân biệt

Trăm hoa đua nở

Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2009 bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với trẻ em khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy và cả loại xe thô sơ 2 bánh có lắp động cơ, xe đạp điện. Thông tin này khiến thị trường MBH trẻ em nóng lên. Tuy nhiên, thị trường MBH trẻ em đang trăm hoa đua nở với nhiều kiểu dáng, nhãn hiệu. Trên các phố Chùa Bộc, Phố Huế, Nguyễn Trãi, Cầu Giấy (Hà Nội), rất nhiều MBH trẻ em đủ chủng loại, nhãn hiệu, kiểu dáng, màu sắc được bày bán với giá từ 40.000 - 120.000đ/c, nhiều hàng vỉa hè còn chào bán giá “giật mình”, chỉ 20.000 - 30.000đ/c. Mũ dành cho bé gái thì có các hoa văn hình hoa, hình bướm cách điệu; mũ dành cho bé trai thì có các họa tiết mạnh mẽ hơn, một số nhà sản xuất còn dán các đề can hình thú, hình siêu nhân vào mũ để thu hút khách hàng "nhí". Nhìn chung, những chiếc MBH loại này nhẹ, vỏ bảo vệ và lớp xốp đệm mỏng như đồ chơi. Tuy không xảy ra tình trạng khan hiếm mũ, nhưng giá MBH vẫn tăng nhẹ trong những ngày gần đây.

Mũ kém chất lượng bày bán tràn lan

Thị trường MBH trẻ em hiện nay có nhiều kiểu dáng, nhãn hiệu nên rất khó nhận biết chất lượng. Trên vỉa hè dọc các tuyến đường Mai Động, Chùa Bộc, Nguyễn Trãi (Hà Nội), MBH trẻ em kém chất lượng được bày bán tràn lan. Phần lớn loại mũ này được làm bằng nhựa đen, nhựa pha hoặc nhựa tái sinh, giòn, dễ vỡ, lớp xốp rất mỏng và đều có tem chứng nhận hợp quy.

Hiện có 2 loại tem được dán vào mũ, một là tem CS theo tiêu chuẩn cũ TCVN 5756:2001 và tem CR theo QCVN 2:2008 mới. Một số loại mũ mang nhãn hiệu “ONE”, “YAMAHA”, “ATTILA”, “INDEES”, không có tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, chỉ ghi “sản xuất tại Việt Nam”, không có trong danh sách MBH đã chứng nhận hợp quy nhưng lại mang dấu CR QUATEST3.

Bà Hoàng Na Hương, Giám đốc điều hành Công ty Protec cho biết: “Để tránh né sự kiểm tra, kiểm định theo quy chuẩn mới QCVN 2:2008/BKHCN với nhiều quy định khắt khe, các đơn vị sản xuất hàng kém chất lượng đã dán tem CS cũ lên sản phẩm MBH trẻ em để đưa vào thị trường tiêu thụ”.

Theo thông tin từ các trung tâm kiểm định, mặc dù lượng MBH trẻ em xuất hiện trên thị trường nhiều, nhưng số lượng đăng ký chất lượng MBH cho trẻ em khá khiêm tốn. Theo danh sách MBH cho người đi mô tô, xe máy đã chứng nhận hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 2:2008/BKHCN, tính đến ngày 16/6/2009 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) thì mới có 2 doanh nghiệp sản xuất MBH trẻ em được cấp dấu CR. Điều này cho thấy, không ít MBH trẻ em bày bán trên thị trường hiện nay đã "lọt lưới" cơ quan kiểm định chất lượng. Thật - giả lẫn lộn khiến người tiêu dùng khó phân biệt, đánh giá được chất lượng của MBH.

Khó kiểm soát

Chất lượng MBH khó kiểm soát. Đó là nhận định từ phía Cục Quản lý thị trường khi nói về khó khăn trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng MBH đang lưu hành trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, theo một chuyên viên của Tổng cục TCĐLCL, bất cập hiện nay trong việc kiểm soát chất lượng MBH là từ khi tiến hành lấy mẫu đến khi có kết quả kiểm định mất khá nhiều thời gian (từ 10 - 15 ngày). Trong khoảng thời gian này, MBH kém chất lượng, hàng lậu vẫn tuồn ra thị trường. Nhờ sự kiểm tra gắt gao của các cơ quan chức năng nên trên thị trường lần này không xuất hiện nhiều loại mũ "tự chế", các loại mũ có giá quá rẻ xuất xứ từ Trung Quốc, song người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm đến chất lượng như độ cứng, sự chịu đựng va đập tốt, độ dày và đàn hồi của nhựa... Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng vẫn còn tâm lý đối phó với quy định bắt buộc đội MBH, chưa ý thức việc đội MBH là bảo vệ tính mạng cho bản thân.

Một thực tế đáng lo ngại, nếu trẻ em đội phải MBH không đúng tiêu chuẩn hoặc chất lượng kém sẽ dẫn đến hậu quả còn nặng nề hơn. Một chuyên gia trong ngành cho biết, MBH giả, nhái thường dễ vỡ, khi vỡ có các mảnh sắc cạnh gây nguy hiểm cho người đội. Theo quy định của luật pháp, doanh  nghiệp sản xuất phải chịu trách nhiệm về chất lượng MBH do mình sản xuất, đồng thời phải cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng. Ngay cả các đơn vị kinh doanh cũng phải chịu trách nhiệm với chất lượng MBH do mình phân phối. Quy định là thế nhưng người tiêu dùng “chờ được vạ thì má đã sưng”.

Xử lý mũ bảo hiểm vi phạm: Phạt gấp 5 lần giá trị lô hàng

Thị trường mũ bảo hiểm trẻ em hiện nay xuất hiện nhiều loại mũ không có nguồn gốc xuất xứ, tem CR giả vẫn được bày bán tràn lan. Trước thực trạng đó, phóng viên Báo TNVN trao đổi với ông Trần Quốc Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Tổng cục TCĐLCL) về công tác quản lý chất lượng mũ bảo hiểm trẻ em trước thời điểm 1/7.

PV: Thưa ông, hiện đã có tiêu chuẩn dành riêng cho MBH trẻ em chưa? Số lượng đăng ký chất lượng mẫu MBH cho trẻ em hiện nay như thế nào?

Ông Trần Quốc Tuấn: Năm 2001, Bộ KH&CN đã ban hành TCVN 6979:2001 Mũ bảo vệ trẻ em tham gia giao thông trên mô tô, xe máy. Để quản lý chất lượng MBH thực hiện theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, ngày 28/4/2008, Bộ KH&CN đã có Quyết định số 04/2008/QĐ-BKHCN ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2: 2008/BKHCN về MBH cho người đi mô tô, xe máy. Việc xây dựng QCVN 2: 2008/BKHCN được nghiên cứu, tổng hợp từ TCVN 5756:2001 và TCVN 6979:2001, có sự tham gia của các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp… Các yêu cầu về MBH cho trẻ em theo TCVN 6979:2001 đã được đưa vào trong nội dung của QCVN 2:2008/BKHCN.

Trong QCVN 2:2008/BKHCN không phân biệt mũ cho người lớn và mũ cho trẻ em. Đã là MBH cho người đi mô tô, xe máy thì phải đáp ứng yêu cầu QCVN 2:2008/BKHCN. Trong QCVN có 3 loại mũ: cỡ nhỏ, cỡ trung và cỡ lớn. Quy chuẩn nêu rõ yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử tương ứng với từng cỡ mũ, mũ cho trẻ em tương ứng với cỡ nhỏ. Như vậy, không tách riêng quy chuẩn kỹ thuật đối với MBH cho trẻ em.

Tính đến tháng 5/2009, cả nước có 62 cơ sở sản xuất đã được chứng nhận hợp quy, sản xuất 279 kiểu MBH, 94 nhãn hiệu mũ, với 3 loại cỡ nhỏ, cỡ trung, cỡ lớn.

PV: Thị trường MBH trẻ em hiện nay xuất hiện nhiều loại mũ không có nguồn gốc xuất xứ, tem CR giả vẫn bày bán tràn lan, Tổng cục đã có biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

Ông Trần Quốc Tuấn: Thực hiện kế hoạch kiểm tra năm 2009 và chỉ đạo của Tổng cục TCĐLCL, Cục Quản lý chất lượng đã tiến hành kiểm tra, khảo sát MBH lưu thông trên thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra, phát hiện một số mẫu MBH không có tên trong danh sách được chứng nhận hợp quy nhưng vẫn được dán dấu tem CR, giả mạo chứng nhận hợp quy bởi Quatest3, ví dụ một số loại mũ mang nhãn hiệu “ONE”, “YAMAHA”, “ATTILA”, “INDEES”, không có tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, chỉ ghi “sản xuất tại Việt Nam”, không có trong Danh sách MBH đã chứng nhận hợp quy nhưng lại mang dấu CR QUATEST3.

Cục Quản lý chất lượng hàng hoá đã thông báo tới các cửa hàng kinh doanh và yêu cầu các cửa hàng không được tiếp tục kinh doanh các loại mũ nói trên. Đồng thời, thông báo tới các cơ quan quản lý liên quan (Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, Chi cục TCĐLCL Hà Nội,...), các đơn vị chứng nhận hợp quy để tăng cường việc kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH. Cục Quản lý chất lượng hàng hoá đã thông báo tới Cục Quản lý thị trường biết để chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra xử lý đối với các loại MBH giả mạo chứng nhận hợp quy trên thị trường theo quy định của pháp luật.

PV: Việc phát hiện, rồi xử phạt cũng đã được thực hiện nhiều đối với MBH. Vậy lần này, Bộ KH&CN có hướng xử lý nào đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng này?

Ông Trần Quốc Tuấn: Ngày 5/6/2009, Chính phủ ra Nghị định số 54/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong Nghị định này đã quy định xử phạt các hành vi (ví dụ chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy) mà Nghị định xử phạt trước đây chưa đề cập, mức phạt có tính răn đe hơn, có thể phạt tiền tới 5 lần giá trị lô hàng vi phạm.

PV: Xin cảm ơn ông!./.


(Theo VOVnews)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất