Thứ Hai, 25/11/2024
Sức khỏe
Chủ Nhật, 25/1/2015 15:22'(GMT+7)

Thật, giả thực phẩm an toàn

Ai cũng muốn dùng thực phẩm an toàn nhưng thị trường thì thật, giả lẫn lộn. Theo số liệu mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong năm 2014, cả nước xảy ra 131 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 4,3 nghìn người bị ngộ độc, trong đó 30 trường hợp tử vong. Thế nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, số người bị ngộ độc thực phẩm trong thực tế phải lớn gấp nhiều lần số liệu đó, bởi lẽ đại đa số thực phẩm không an toàn gây nhiễm độc từ từ vào cơ thể mà người sử dụng không thể biết.

Không phải đến bây giờ vấn đề an toàn thực phẩm mới “nóng” mà từ nhiều năm qua, công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Để tạo hành lang pháp lý cho công tác này, năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật An toàn thực phẩm. Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030. Mới đây nhất, ngày 11/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà sức nóng từ an toàn thực phẩm vẫn chưa hạ nhiệt. Tình trạng tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản thực phẩm vẫn còn tồn tại; thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu, kém chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường; ngộ độc thực phẩm tại khu công nghiệp, khu chế xuất, tại các bữa ăn đông người và do độc tố tự nhiên vẫn diễn biến phức tạp; gian dối trong quảng cáo thực phẩm, nhất là thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng đang gây bức xúc dư luận xã hội…

Một trong những nguyên nhân quan trọng mà nhiều chuyên gia chỉ ra là có sự chồng chéo, bất cập trong công tác quản lý. Cùng một lĩnh vực an toàn thực phẩm mà có tới 3 bộ cùng tham gia quản lý là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương. Dù ba bộ này đã ngồi với nhau, cùng ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, nhưng trên thực tế vẫn còn có những khoảng trống trách nhiệm.

Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2015 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh, an toàn thực phẩm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặc biệt lưu ý sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tại hội nghị này, Bộ Y tế đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện thí điểm thanh tra an toàn thực phẩm tại cấp xã, phường ở 5 tỉnh, thành phố lớn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị xây dựng mô hình chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn cung cấp cho các đô thị lớn. Có đại biểu đề xuất đặt máy xét nghiệm an toàn thực phẩm lưu động tại chợ để người dân phát hiện,  tẩy chay ngay thực phẩm không an toàn…

Những đề xuất nói trên đều có cơ sở, nhưng cần phải có thời gian và kinh phí để triển khai. Vấn đề cấp bách lúc này là các cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm phải tuyên truyền để người dân hiểu và lựa chọn được các loại thực phẩm thực sự sạch, hợp vệ sinh trong tiêu dùng. Các đoàn thể ở địa phương như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… cần tuyên truyền, kiểm tra giám sát trong các hội viên của mình ý thức trách nhiệm trong việc sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại nơi sản xuất và nơi lưu thông phân phối, đồng thời xử lý nghiêm khắc các sai phạm./.

Đỗ Phú Thọ (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất