THÁCH THỨC TRONG ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN
* Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI, nhiều ý kiến cho rằng, để tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cần phải đổi mới đào tạo giáo viên trong trường sư phạm. Giáo sư đánh giá về ý kiến này như thế nào?
- Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến này.
Ở nước ta hiện có 2 mô hình đào tạo giáo viên. Thứ nhất, mô hình đơn tuyến “vào sư phạm, ra sư phạm”. Hầu hết các trường sư phạm trong cả nước đều theo mô hình này. Thứ hai, mô hình kế tiếp “A + B”, trong đó, A là nội dung kiến thức cơ bản phải học, B là nội dung về cách thức truyền tải nội dung. Muốn trở thành giáo viên của lĩnh vực nào, trước hết, người học phải giỏi kiến thức chuyên môn ở lĩnh vực đó; sau đó, phải giỏi nghiệp vụ sư phạm.
Tuy nhiên, cả hai mô hình đào tạo này ở nước ta đều chưa giải quyết được căn bản vấn đề. Chương trình đào tạo giáo viên vẫn còn nặng về kiến thức chuyên môn, chưa quan tâm đúng mức đến rèn luyện trách nhiệm nhà giáo và năng lực sư phạm của giáo sinh. Thời lượng và điều kiện dành cho việc học và rèn các kĩ thuật, phương pháp và hình thức dạy học - giáo dục còn rất ít; chưa chú trọng việc phát triển hệ thống các trường phổ thông thực hành, các cơ sở rèn luyện kĩ năng sư phạm, chưa quan tâm nhiều tới mục tiêu tích hợp vừa dạy kiến thức chuyên môn vừa đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho giáo sinh.
* Vậy, trường Đại học Giáo dục đã có những bước chuyển gì để dần thích nghi với cách tiếp cận mà ông vừa nêu?
- Dựa trên những nguyên lý giáo dục như trên, hiện nay, trường Đại học Giáo dục đang triển khai đào tạo giáo viên theo mô hình TPACK (Technological Pedagogical Content Knowledge) đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức phông nền chung về môn dạy, về sư phạm, về công nghệ thông tin.
Cụ thể hơn, nhà trường có sự đổi mới ở một số nội dung như sau:
Một là, đổi mới trong khâu kiểm tra, đánh giá. Đây cũng là một trong những khâu yếu trong đào tạo giáo viên hiện nay.
Hai là, áp dụng triển khai các công nghệ dạy học mới tiếp cận chuẩn khu vực và quốc tế. Hiện tại, trường đã có những hệ thống, thiết bị ứng dụng trong giáo dục như việc game hóa, ảo hóa thông qua phần mềm trong việc dạy học để tăng sự tương tác, tăng sự hứng thú, giảm bớt chi phí. Ví dụ, chúng ta có thể làm một thí nghiệm khoa học ảo, sẽ an toàn hơn cho sinh viên. Khi đã nắm vững quy trình, các em mới thực hiện thí nghiệm thực tế.
Ba là, nghiên cứu, ứng dụng tâm lý vào việc dạy học. Ví dụ, vụ việc thương tâm xảy ra ở trường Gateway, các giáo sinh sẽ học cách ứng xử về mặt tâm lý, giải quyết khủng hoảng cho giáo viên và học sinh trong trường.
Song song với đó, chuẩn đầu ra về công nghệ thông tin và ngoại ngữ cũng được yêu cầu rất cao. Ngay sau khi ra trường, giáo sinh của nhà trường có thể tự tin và dạy học bằng tiếng Anh.
* Hiện đã có những đánh giá “định lượng”về hiệu quả của việc đổi mới đào tạo giáo sinh nêu trên chưa, thưa Giáo sư?
- Trường Đại học Giáo dục mới đào tạo giáo sinh theo mô hình mà tôi vừa nêu trong vòng 2 năm nay, nên lớp sinh viên ra trường theo mô hình này chưa có. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đào tạo theo mô hình này khiến việc học tập vất vả hơn rất nhiều, nhưng sinh viên rất hào hứng đón nhận.
Thông thường, các giáo sinh phải luyện tập nghiệp vụ sư phạm, tới kỳ thi trả bài, điều này chưa hiệu quả. Ở Đại học Giáo dục, ngay từ năm thứ 2, 100% sinh viên phải học và thực hành nghiệp vụ sư phạm thông qua hình thức tự phản ánh bằng video (video reflection). Mỗi em tập giảng một nội dung trong vòng 15 phút, đẩy lên kênh Youtube của nhà trường. Sau đó, 20 video được bình chọn ưng ý nhất sẽ được chỉnh sửa, hoàn thiện như một bản trình bày mẫu để sinh viên hoàn chỉnh bài giảng của mình theo những tiêu chí nhà trường yêu cầu. Sang năm thứ 3, các em phải trình bày trong 30 phút và đến năm thứ tư, hoàn thành 1 tiết học. Những sinh viên có khả năng giỏi hơn, sẽ giảng bài bằng tiếng Anh. Thông qua hình thức này, mỗi sinh viên sẽ tự biết điều chỉnh ngôn ngữ, cử chỉ, tốc độ giọng nói, cao độ giọng nói, cách ăn mặc… Việc thực hành nghiệp vụ được thực hiện thường xuyên. Khi đã tự tin thể hiện trên video, các thầy cô giáo trong tương lai sẽ tương tác, phản ứng với các tình huống ở lớp học thực tế dễ dàng hơn.
QUY ĐỊNH CHUẨN NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22-8-2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Tiêu chuẩn 1: Phẩm chất nhà giáo;
Tiêu chuẩn 2: Phát triển chuyên môn, nghiệp vụ;
Tiêu chuẩn 3: Xây dựng môi trường giáo dục;
Tiêu chuẩn 4: Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội;
Tiêu chuẩn 5: Sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục.
|
* Vậy theo GS, đâu là thách thức trong việc đổi mới đào tạo giáo viên hiện nay?
- Mấy năm gần đây, chất lượng đầu vào của các trường, các ngành đào tạo “nghề trồng người” đang được cải thiện, nhưng cũng còn những khó khăn, đặc biệt là ở cấp độ chính sách. Có rất nhiều những quy định về trách nhiệm của giáo viên, nhưng lại thiếu hoặc chưa rõ những quy định về quyền thực hành hoạt động dạy học và giáo dục. Tức là, không hề thiếu những quy định là giáo viên “phải” làm việc này, việc kia, nhưng lại thiếu các quy định nói rõ giáo viên “được phép” làm việc gì trong quá trình dạy học, giáo dục học sinh. Điều này nghe có vẻ hơi nghịch lý. (Ví dụ, giáo viên được phép “phạt” đến đâu, phạt như thế nào,…) Trước đây, các quyền này do gia đình ủy thác cho giáo viên. Nhưng, trong xã hội hiện đại nó phải được pháp điển hóa. Chính việc thiếu sự phân định rõ ràng về quyền dạy và giáo dục của giáo viên đối với học sinh khiến cho đa số giáo viên có cảm giác không được pháp luật bảo vệ mỗi khi họ thực hiện quyền dạy và giáo dục với những hành vi ở những vùng “mờ”.
Thiếu quy định về quyền dạy và giáo dục, cảm giác “không được bảo vệ” khi xảy ra biến cố, trong khi trách nhiệm nặng nề lại dồn hết lên vai giáo viên khiến cho nhiều học sinh “sợ” chọn nghề giáo. Do đó, nghề này khó thu hút được những người giỏi nhất.
Theo tôi, phải trao lại quyền dạy, quyền giáo dục trẻ cho giáo viên thì mới gây dựng lại sự đam mê nghề giáo. Nếu không, chúng ta sẽ chỉ có những “thợ dạy” hướng đến việc thực hiện tốt các “trách nhiệm và yêu cầu”.
Nếu không trao lại quyền dạy, quyền giáo dục trẻ cho giáo viên, sẽ chỉ có những “thợ dạy” hướng đến việc thực hiện tốt các “trách nhiệm và yêu cầu”.
|
GIÁO DỤC LÀ DẠY CÁCH TƯ DUY
*Vậy để đổi mới, trước hết, bản thân các thầy cô giáo cũng phải “tự thay đổi mình” để thích nghi, điều này hẳn là không dễ, thưa thầy?
- Đúng vậy. Chúng ta thường thấy giáo viên sợ ngoại ngữ và công nghệ. Trong khi đó, thế hệ học sinh hiện nay lại tiếp cận công nghệ rất nhanh. Có những nội dung bài giảng, nếu giáo viên không bắt kịp về mặt công nghệ, vẫn trung thành với cách thức truyền thống như trước, học sinh sẽ vượt qua rất nhiều, dẫn đến sự nhàm chán cho người học ngày từ trên lớp.
Cần phải tính đến vai trò của các dạng thức truyền thông mới trong việc tăng cường hình thức giáo dục. Chẳng hạn như, khi giáo viên dạy về sự hình thành của hệ mặt trời cách đây khoảng hơn 4 tỷ năm trong một tiết học 45 phút, học trò rất khó hình dung. Nhưng nếu được xem một clip 3D dài khoảng 4 phút về sự hình thành này, các em sẽ rất dễ hiểu. Có rất nhiều nguồn kiến thức và kho dữ liệu trên các phương tiện truyền thông mới mà các em học sinh có thể tìm kiếm. Vì vậy, không thể tư duy và dạy học sinh theo kiểu nhồi nhét kiến thức. Điều quan trọng, giáo viên phải là người dẫn dắt, hướng dẫn các em cách thức tìm kiếm, khai thác, phân tích, xử lý thông tin. Ví dụ, muốn tìm tư liệu về một nội dung, em nên chọn từ khóa nào, kênh tìm kiếm nào có độ tin cậy cao, cách phân tích đánh giá. Đó là nhiệm vụ mà giáo viên phải tự đổi mới chính mình. Nếu không, với cách giảng như cũ, tuy không dám nói là thất bại, nhưng chắc sẽ khó có thể thành công thực sự.
Với xu thế hiện nay, trong cách dạy học, giáo viên phải có sự cá nhân hóa/cá thể hóa đối với từng đối tượng học sinh, chứ không nên dạy đại trà như trước kia (mass eduction). Giáo viên phải tùy thuộc vào mỗi học sinh để có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Mô hình lớp học trước kia là đến lớp dạy kiến thức và cho bài tập về nhà. Hiện nay, đây là mô hình đảo ngược. Tất cả các kiến thức môn học, tiết học, thầy cô giáo cung cấp cho học sinh tự nghiên cứu trước. Giờ học trên lớp, các em tiếp tục thảo luận, làm việc nhóm, cho ý kiến về những nội dung cần thảo luận để làm rõ vấn đề. Mô hình lớp học này tính đến các yếu tố: tốc độ đọc, trình độ của học sinh; trước khi đến lớp, học sinh phải có nội dung bài học trong đầu. Nếu các thầy cô giáo tiếp cận phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng lứa tuổi, phù hợp với công nghệ, việc học sẽ đạt hiệu quả cao. Đó là điều chúng ta cần đổi mới, chứ không chỉ đơn thuần là đổi mới về nội dung chương trình, kiến thức. Khi nội dung chương trình, kiến thức đã ổn thì cần thiết phải đổi mới về cách thức để giáo viên làm việc nhiều hơn, tương tác nhiều hơn với “cộng đồng học sinh” để “chuyển” nền giáo dục từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực của người học.
Giáo dục hiện nay là phải dạy học sinh cách tư duy. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn, định hướng cho học sinh cách thu nhận kiến thức một cách chủ động, tích cực, hỗ trợ học sinh giải đáp những thắc mắc khi cần thiết. Giáo dục hướng tới mục tiêu hình thành và phát triển nhân cách học sinh với những phẩm chất về kiến thức, kỹ năng, thái độ. Muốn đạt được mục tiêu đó phải có sự góp sức tác động “tổng hòa” của môi trường xã hội, gia đình, nhà trường.
Giáo dục hiện nay là phải dạy học sinh cách tư duy.
|
* Đó là những yêu cầu về kiến thức và kỹ năng chuyên môn cho giáo viên, còn về đạo đức nghề nghiệp, thưa GS?
- Hiện tượng một số giáo viên không làm tròn trách nhiệm, vi phạm đạo đức nhà giáo, dạy thêm tràn lan để kiếm tiền, bệnh chạy theo thành tích… là có. Không bao biện cho những chuyện đó, nhưng tôi cho rằng, đó chỉ là số ít. Giáo viên khi đã chọn nghề là tâm huyết, gắn bó với nghề. Những thầy cô giáo, bằng chính tấm gương sáng về lòng ham học, tinh thần tự học, đam mê nghiên cứu khoa học... là nguồn cảm hứng tuyệt vời và sâu sắc nhất, bền bỉ nhất trong học trò. Một người thầy giỏi sẽ biết cách chọn lọc những kiến thức nào thực sự cần thiết phù hợp với trình độ, năng lực tiếp thu của học trò, truyền cho các em lòng đam mê nghiên cứu khoa học và tinh thần học tập suốt đời.
Cũng cần nhìn nhận rằng, vai trò tấm gương thầy cô giáo trong giáo dục là rất quan trọng và cần thiết, nhưng chúng ta không nên tuyệt đối hóa, “thần thánh” nó. Bởi thầy cô giáo cũng là những con người, cũng có những cảm xúc và có thể vui, buồn, có những khiếm khuyết, bất cập lúc này hay lúc khác. Vì thế, nếu tất cả các thầy cô giáo đều là những tấm gương lúc nào cũng sáng là rất tốt, nhưng nếu vì một lý do nào đó, có một vài tấm gương bị lu mờ.
Thầy cô hãy là tấm gương chuẩn mực, mẫu mực ngay trong cuộc sống hằng ngày. Thầy cô giáo không vứt rác bừa bãi, không uống rượu, hút thuốc lá, không vi phạm luật giao thông… Đây là những điều rất nên làm và đáng làm, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên và thế hệ trẻ ngày nay.
*Vậy để đào tạo giáo viên phù hợp với việc đổi mới, theo GS, đâu là điểm mấu chốt?
- Chúng ta phải hiểu chức năng của giáo dục là sự di truyền xã hội, duy trì các khuôn mẫu, các giá trị xã hội, nên có gì đó chậm hơn, “cổ” hơn các lĩnh vực khác. Trước đây, phải một vài năm, chúng ta mới nhận thấy sự biến đổi của xã hội, nhưng hiện nay, sự biến đổi đó rất nhanh nên lĩnh vực giáo dục phải có thay đổi nhanh hơn để phù hợp với bối cảnh mới. Điều này, đòi hỏi việc đào tạo các thầy cô giáo hiện nay cũng có những yêu cầu nhất định.
Trước hết, đội ngũ giáo viên phải thay đổi tư duy, không thể tư duy theo kiểu cũ “mình là chân lý, là nguồn duy nhất của kiến thức”. Các thầy cô giáo cần có cách tư duy và dạy những gì mới hơn, cập nhật hơn.
Thứ hai, phải thấm nhuần triết lý dạy học cá nhân hóa như tôi đã phân tích ở trên. Thực tế, nhiều thầy cô giáo chưa hiểu rõ và chưa hiểu đầy đủ về triết lý này.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc dạy và học. Mục đích của việc ứng dụng này không chỉ đơn giản để dạy và đánh giá học sinh; mà quan trọng hơn, dùng để phát hiện ra năng lực của học sinh.
Thứ tư, có sự hiểu biết, nhạy cảm tâm lý đối với học sinh. Thế hệ hiện nay là thế hệ Z (Z Generation), những người sinh sau năm 1995, đang bước vào đời và tạo thành một lực lượng lao động mới, sử dụng và khai thác công nghệ mới rất nhanh, có kiểu tư duy khác và tốc độ thay đổi giữa các thế hệ cũng tăng rất nhiều. Có vẻ như các em lười hơn, nhưng mặt bằng về nhận thức lại tốt hơn. Nhưng sự rối loạn tâm lý, sức khỏe tâm thần của các em được phát hiện nhiều hơn. Vì vậy, giáo viên phải có hiểu biết cụ thể với mỗi cá nhân để có cách ứng xử cụ thể và phù hợp, để giúp học sinh của mình học tập và phát triển một cách tốt nhất.
Đơn cử, thầy cô nên và cần tạo áp lực như một “kỷ luật mềm” giúp các em học sinh đạt kết quả tốt trong học tập, nhưng tạo áp lực đến thời điểm nào thì dừng lại, thời điểm nào lại đẩy áp lực đó lên, để các em không bị quá tải và vẫn hứng thú trong học tập? Câu trả lời không dễ dàng chút nào. Ở nước ngoài, mỗi học sinh đều có hồ sơ chi tiết và có cán bộ tham vấn tâm lý kèm theo để cùng giáo viên chăm sóc và giáo dục học sinh. Ở Việt Nam, khi chưa có cán bộ tham vấn tâm lý, các thầy cô giáo phải là người đảm đương trách nhiệm này.
Tôi xin nhắc lại một câu nói quen thuộc “Chất lượng của hệ thống giáo dục không thể vượt qua chất lượng đội ngũ giáo viên” hay như nhà thơ Ấn Độ Tago viết: “Giáo dục một người đàn ông được một người đàn ông; giáo dục một người đàn bà được cả một gia đình; giáo dục một người thầy được cả một xã hội”. Bên cạnh việc chúng ta đào tạo được một đội ngũ giáo viên có đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ tích cực, cũng cần có những người làm công tác quản lý giáo dục đủ tâm, tầm, tài để biết sử dụng đúng người, đúng việc, có sự độ lượng, vị tha, bảo vệ các thầy cô giáo.
Song song với đó, cần cải thiện chế độ chính sách cho giáo viên để các thầy cô giáo được làm việc một cách chân chính, tập trung tâm trí vào nhiệm vụ giáo dục, hạn chế những tiêu cực trong ngành. Hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức quá trình dạy học - giáo dục.
* Xin trân trọng cảm ơn GS.TS. Nguyễn Quý Thanh!
Thu Hằng (thực hiện)