(TG) - Việc xác lập cầu nối bằng mối quan hệ hợp tác, đối tác giữa “cơ sở giáo dục - cộng đồng doanh nghiệp” để phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên đáp ứng sự đổi mới nhanh chóng của công nghệ hiện đại và ngành nghề liên quan sau tốt nghiệp là rất cần thiết.
Mô hình hợp tác, đối tác “cơ sở giáo dục - cộng đồng doanh nghiệp” là hợp tác giữa giáo dục chính quy với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo môi trường hỗ trợ sinh viên tích lũy trải nghiệm công việc, kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp việc làm. Thông qua mô hình hợp tác này, nhà trường trang bị cho sinh viên những kỹ năng nghề nghiệp thích hợp. Vì vậy, chiến lược mở rộng hợp tác phát triển của cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp để bổ sung kinh nghiệm ngoài giảng dạy trên lớp nhằm giúp thầy và trò làm quen với kỹ năng dạy và làm việc thực tiễn của doanh nghiệp ngày càng được mở rộng. Giáo viên và nhà quản lý giáo dục nghề nghiệp phải đổi mới trong quan hệ hợp tác, đối tác với cộng đồng doanh nghiệp để đạt mục tiêu đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, gắn kết đào tạo với sử dụng. Sự hợp tác này được thực hiện bằng cách tổ chức cho sinh viên tham quan doanh nghiệp; doanh nghiệp tham gia trợ giảng cho nhà trường; tham gia cung cấp trang thiết bị và nguồn nhân lực để phát triển kỹ năng… Đây chính là nền tảng cho việc xác định chiến lược xây dựng hợp tác, đối tác giữa “cơ sở giáo dục - cộng đồng doanh nghiệp” nhằm phát triển kỹ năng sinh viên đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cần hướng đến.
Trên thế giới mô hình liên kết giữa “cơ sở giáo dục đại học - cộng đồng doanh nghiệp” được nghiên cứu nhiều ở Anh, Nhật và Thái Lan. Mô hình liên kết giữa “cơ sở giáo dục-doanh nghiệp-chính quyền địa phương” được phát triển không chỉ ở giáo dục đại học mà còn được mở rộng đến các cơ sở đào tạo nghề ở Bắc Mỹ và Bắc Âu. Ở các quốc gia đang phát triển, việc triển khai mô hình quan hệ hợp tác, đối tác giữa “cơ sở giáo dục (nhà trường) - cộng đồng doanh nghiệp” trong đào tạo kỹ năng nghề của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn chưa được nghiên cứu nhiều, đặc biệt ở Việt Nam.
Tại một số nước châu Phi, giáo dục nghề nghiệp được coi là lĩnh vực giáo dục hướng đến phát triển kiến thức, kỹ năng và thái độ để thực hiện nhiệm vụ cụ thể trong môi trường làm việc. Loại hình giáo dục này dành cho những ai cần đến nó, cho ai muốn có nó và cho người nào muốn tiến bộ nhờ nó. Các chương trình của giáo dục nghề nghiệp gồm: giáo dục nông nghiệp, công nghệ công nghiệp, kinh doanh, kinh tế gia đình, mỹ thuật, nghệ thuật ứng dụng và máy tính. Giáo dục nghề nghiệp được giảng dạy tại hầu hết cơ sở đại học, cao đẳng với mục đích là đào tạo nhân lực cao có kỹ năng tạo việc làm và đào tạo ra người tạo việc làm để giàu có.
Ở Việt Nam, việc triển khai mô hình hợp tác, phối hợp giữa “Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà trường” nhằm gắn kết đào tạo với sử dụng trong thời gian vừa qua chưa được triển khai mạnh mẽ. Mặc dù có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiết lập mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp, hoặc chủ động tìm đến doanh nghiệp để ký kết các hợp đồng đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp như: Trường Cao đẳng nghề Dung Quất ký kết cung cấp nguồn nhân lực theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp với trên 16.000 nhân lực cho giai đoạn 2018 - 2020; Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đã ký hợp tác với trên 50 doanh nghiệp về đào tạo, cung ứng nhân lực; Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng ký hợp tác với hàng trăm doanh nghiệp để đào tạo và cung ứng nhân lực… Song các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như doanh nghiệp chưa xây dựng được chiến lược hợp tác, đối tác có chiều sâu, có tầm nhìn dài hạn để đưa hoạt động gắn kết được bền vững.
Nghiên cứu đề xuất mô hình hợp tác, đối tác “cơ sở giáo dục - cộng đồng doanh nghiệp”, nhiều khảo sát đã được tiến hành. Có từ 62,5% đến 100% ý kiến được hỏi đồng ý với việc cần phải xây dựng chiến lược của cộng đồng doanh nghiệp để nâng cao chất lượng hợp tác, đối tác giữa “cơ sở giáo dục - cộng đồng doanh nghiệp”, gồm các bước: 1. Chuẩn bị chương trình đào tạo kỹ năng phù hợp với kế hoạch đào tạo của nhà trường; 2. Doanh nghiệp tham gia tài trợ cho các nhà trường trong việc đưa giáo viên, sinh viên tham quan, khám phá, tiếp xúc công việc thực tế của doanh nghiệp phù hợp với thực tiễn; 3. Doanh nghiệp cử nhân sự chuyên môn tham gia vào quá trình giảng dạy một số nội dung đặc biệt trong hoạt động đào tạo; 4. Cơ sở giáo dục cần lập chương trình tích lũy kỹ năng cho sinh viên; 5. Doanh nghiệp thường xuyên tổ chức tọa đàm về những vấn đề cập nhật công nghệ; 6. Doanh nghiệp trao cơ hội học bổng, việc làm cho sinh viên; 7. Doanh nghiệp tham gia chứng nhận kết quả thực tập cho sinh viên; 8. Doanh nghiệp và cơ sở giáo dục là những đối tác chiến lược về các hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Chiến lược cải thiện hợp tác, đối tác giữa “cơ sở giáo dục - cộng đồng doanh nghiệp” gồm các nội dung như: tổ chức tọa đàm để thống nhất hợp tác giữa cơ sở giáo dục và cộng đồng doanh nghiệp; đổi mới công nghệ, phương thức tổ chức đào tạo thông qua các cuộc họp định kỳ giữa cơ sở giáo dục và cộng đồng doanh nghiệp; thu hẹp khoảng cách lý thuyết với thực hành thông qua tham quan thực tế, thực tập tại doanh nghiệp; có cơ chế thu hút đại diện doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo, chương trình phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên; khuyến khích giáo viên, sinh viên nghiên cứu khoa học, đề xuất sáng kiến thúc đẩy hợp tác, đối tác giữa cơ sở giáo dục và cộng đồng doanh nghiệp phát triển; tạo điều kiện cho cán bộ doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu rất lo ngại về chất lượng kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên không đáp ứng chuẩn nhu cầu của doanh nghiệp trên thực tế để đạt được hiệu quả của mô hình hợp tác, đối tác giữa “cơ sở giáo dục - cộng đồng doanh nghiệp”. Trên thực tế, vẫn tồn tại một số vấn đề như: chương trình giáo dục nghề nghiệp chưa thật hiệu quả, cần thiết theo yêu cầu của doanh nghiệp và tạo điều kiện cho sinh viên đến làm việc sau tốt nghiệp. Chính sự không phù hợp này góp phần làm tăng tình trạng thất nghiệp, nghèo đói và tăng trưởng kinh tế thấp ở các quốc gia. Do vậy, việc áp dụng mô hình hợp tác, đối tác giữa “cơ sở giáo dục - cộng đồng doanh nghiệp” sẽ giúp sinh viên có cơ hội được đào tạo với thiết bị, vật liệu và môi trường thích hợp nhằm giảm bớt hoặc thậm chí loại bỏ khoảng cách giữa học “chay” trên lớp với tiếp cận theo nhu cầu phát triển kỹ năng nghề nghiệp thỏa mãn nhu cầu xã hội.
Mô hình hợp tác, đối tác giữa “cơ sở giáo dục - cộng đồng doanh nghiệp” trong nghiên cứu một số quốc gia cũng được xem là những tham khảo tốt. Trong đó, nhà trường và doanh nghiệp cần phải hiểu rõ mục đích hợp tác thông qua các ngành nghề để phối hợp phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên; cơ sở giáo dục phải xây dựng lộ trình hợp tác cho các lĩnh vực liên quan đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp (từ nội dung, chương trình đào tạo; cách thức tổ chức đào tạo; huy động đội ngũ giáo viên, sinh viên tham gia…). Triển khai áp dụng mô hình này sẽ thúc đẩy việc gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động tạo việc làm bền vững góp phần đào tạo được đội ngũ nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cần của doanh nghiệp, thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay./.
TS. Nguyễn Thị Kim Dung
Trường Đại học Kinh tế quốc dân
ThS. Hoàng Thị Thủy
Học viện Hành chính quốc gia