Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) nhận định mỗi năm thế giới phải đầu tư 83 tỷ USD vào lĩnh vực nông nghiệp ở các nước đang phát triển để đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới vào năm 2050.
Trong báo cáo công bố ngày 8/10 chuẩn bị cho Diễn đàn cấp cao “Làm thế nào để cung cấp lương thực cho thế giới vào năm 2050”, FAO ước tính có 20 tỷ USD đầu tư cho trồng cây lương thực, 13 tỷ USD cho chăn nuôi và khoảng 50 tỷ USD cho các dịch vụ hỗ trợ như nhà kho, dây chuyền chế biến...
FAO nhấn mạnh những khoản đầu tư này là cần thiết để có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp tăng khoảng 70% vào năm 2050, phục vụ dân số khi đó ước tính khoảng 9 tỷ người.
Báo cáo cho rằng riêng hai nước đông dân nhất thế giới hiện nay là Trung Quốc và Ấn Độ cần phải đầu tư 29 tỷ USD cho nông nghiệp. Tính theo khu vực thì vùng Nam sa mạc Sahara ở châu Phi cần khoảng 11 tỷ USD, tiếp đến là Mỹ Latinh và Caribe với 20 tỷ USD. Các khu vực Cận Đông và Bắc Phi cần 10 tỷ USD. Sau đó là Nam Á với 20 tỷ USD và Đông Á là 24 tỷ USD.
Theo FAO, phần lớn các khoản đầu tư trên sẽ đến từ các nhà đầu tư cá nhân, như nông dân mua các phương tiện, máy móc và các doanh nghiệp đầu tư vào các cơ sở chế biến nông sản. Tuy nhiên, chính phủ các nước cũng sẽ phải đầu tư để hệ thống nông nghiệp hoạt động tốt hơn và đảm bảo an ninh lương thực.
Diễn đàn “Làm thế nào để cung cấp lương thực cho thế giới vào năm 2050” sẽ diễn ra vào ngày 12-13/10 tại Rome, Italy với sự tham gia của khoảng 300 chuyên gia hàng đầu quốc tế./.
TTXVN