Ngày 9/10, tại Oslo, Uỷ ban Giải Nobel Hòa bình của Na Uy công bố Giải Nobel Hòa bình năm 2009 thuộc về đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama, chưa đầy một năm sau khi ông được bầu là người đứng đầu nước Mỹ.
Theo Ủy ban Giải Nobel Hòa bình Na Uy, ông Obama được tôn vinh vì đã có những "nỗ lực đặc biệt" trong việc củng cố nền ngoại giao quốc tế và sự hợp tác giữa các dân tộc, mang lại cho thế giới hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.
Ủy ban đặc biệt nhấn mạnh nhãn quan cũng như việc làm của ông vì một thế giới phi hạt nhân có tầm quan trọng đặc biệt và cho rằng ông đã tạo ra một môi trường mới trong nền chính trị quốc tế.
Theo đánh giá của ủy ban, trong gần 9 tháng cầm quyền, ông Obama đã kêu gọi giải trừ vũ khí hạt nhân, nỗ lực khởi động lại tiến trình hòa bình Trung Đông đang bị bế tắc và những cam kết về giải quyết các vấn đề môi trường.
Tổng thống Barack Obama sinh ngày 14/8/1961 ở Honolulu, Hawaii, cha là người Kenia, mẹ là người da trắng bang Kansas, Mỹ.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Columbia năm 1983, ông bị "ám ảnh" với ý nghĩ sẽ làm điều gì đó để thay đổi. Năm 1985, ông chuyển từ New York đến Chicago, Illinois và làm việc trong ba năm như một nhà tổ chức cộng đồng tại một khu vực Mỹ- Phi nghèo khó.
Sau đó, ông ghi tên vào Trường Luật Harvard. Sau khi tốt nghiệp, ông trở về Chicago thực hiện quyền dân sự và dạy về Hiến pháp tại Trường đại học Chicago. Ông đắc cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử ngày 4/11/2008 và trở thành tổng thống da màu đầu tiên ở Mỹ.
Ông Obama là nhân vật cấp cao thứ ba thuộc Đảng Dân chủ Mỹ giành giải Nobel Hòa bình trong một thập kỷ qua, sau cựu Phó Tổng thống Al Gore năm 2007 và cựu Tổng thống Jimmy Carter năm 2002.
Ông Obama sẽ chính thức nhận giải Noben Hòa bình năm 2009 với phần thưởng trị giá 1,4 triệu USD tại lễ trao giải ở thủ đô Oslo của Na Uy vào ngày 10/12 tới./.
Danh sách những người đoạt Nobel Hòa bình từ năm 1980:
- 2009: Tổng thống Mỹ Barack Obama
- 2008: Martti Ahtisaari
- 2007: Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, Al Gore
- 2006: Muhammad Yunus, Ngân hàng Grameen
- 2005: Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Mohamed ElBaradei
- 2004: Wangari Maathai
- 2003: Shirin Ebadi
- 2002: Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter
- 2001: Liên hợp quốc, Kofi Annan
- 2000: Kim Dae-jung
- 1999: Tổ chức Thầy thuốc Không biên giới
- 1998: John Hume, David Trimble
- 1997: Chương trình Quốc tế Cấm mìn, Jody Williams
- 1996: Carlos Filipe Ximenes Belo, Jose Ramos-Horta |
- 1995: Joseph Rotblat, Hội nghị Pugwash về Khoa học và Các vấn đề Quốc tế
- 1994: Yasser Arafat, Shimon Peres, Yitzhak Rabin
- 1993: Nelson Mandela, F.W. de Klerk
- 1992: Rigoberta Menchu Tum
- 1991: Aung San Suu Kyi
- 1990: Mikhail Gorbachev
- 1989: Dalai Lama thứ 14
- 1988: Lực lượng Gìn giữ Hòa bình LHQ
- 1987: Oscar Arias Sanchez
- 1986: Elie Wiesel
- 1985: Các nhà Vật lý Quốc tế ngăn Chiến tranh Hạt nhân
- 1984: Desmond Tutu
- 1983: Lech Walesa
- 1982: Alva Myrdal, Alfonso Garcia Robles
- 1981: Văn phòng Cao ủy LHQ về người tị nạn
- 1980: Adolfo Perez Esquivel
|
(TTXVN)