Không phải ngẫu nhiên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp việc không tiêm vắc-xin là một trong những nguy cơ đối với sức khỏe toàn cầu trong năm 2019. Một loạt quốc gia đã có các hành động pháp lý mạnh tay để bắt buộc người dân phải đưa con mình đi tiêm chủng bắt buộc…
Trong bối cảnh dịch sởi bùng phát trên thế giới, đặc biệt là căn bệnh lây lan trong cộng đồng này quay trở lại một số nước đã thanh toán thành công bệnh sởi, các nhà chuyên môn khẳng định đây là hậu quả một giai đoạn người dân ở nhiều nước từ chối tiêm chủng cho trẻ, do tâm lý lo ngại những tác dụng phụ của vắc-xin có thể có.
Điều đáng nói là không chỉ ở các nước nghèo, kém phát triển, ngay cả những quốc gia thuộc loại giàu có nhất thế giới cũng đang phải vật lộn để chống lại dịch sởi chưa có dấu hiệu được dập tắt. Một dự luật do Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đề xuất mới đây sẽ phạt hành chính lên tới 2.500 euro đối với các bậc phụ huynh từ chối tiêm phòng sởi cho con. Bộ trưởng Spahn cũng yêu cầu ra quy định, theo đó các trẻ em không được tiêm phòng sởi sẽ bị cấm đến các cơ sở trông giữ ban ngày để bảo vệ những người khác không có khả năng miễn dịch đối với bệnh sởi. Người đứng đầu ngành y tế của Đức khẳng định ông muốn “xóa sổ bệnh sởi” ở quốc gia luôn dẫn đầu về tỷ lệ bệnh nhân sởi châu Âu. Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu, Đức là một trong những nước có số ca mắc sởi cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU) thời gian từ tháng 3-2018 đến tháng 2-2019, với 651 ca. Đứng đầu danh sách này là Italy với 2.498 ca.
Trong khi đó, Pháp cũng đang phải siết chặt các hành động để chặn đà lây lan của dịch sởi. Từ năm 2018, Pháp cũng buộc các bậc phụ huynh phải cho trẻ tiêm phòng 12 loại dịch bệnh cơ bản. Nếu không có giấy chứng nhận tiêm chủng, trẻ em không được nhận vào trường học.
Nhiều nước trên thế giới như Australia cũng đã thực hiện chính sách “không tiêm, miễn chi trả” hay “không tiêm, miễn chơi”, tức là trẻ em chỉ được đến trường và nhận trợ cấp chăm sóc sức khỏe khi đã được tiêm phòng đầy đủ.
Trong đợt dịch sởi bùng phát thời gian gần đây ở châu Âu, Pháp, Đức, Italy và Anh được báo cáo là những nước có tình hình bệnh dịch nghiêm trọng hàng đầu ở châu Âu. Số ca nhiễm bệnh đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm qua ở lục địa già. Trong khi đó, Ukraine là quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin thấp nhất thế giới. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc mới đây công bố báo cáo cho thấy trong năm 2017, trên toàn thế giới, bệnh sởi đã khiến 110.000 người tử vong, hầu hết là trẻ em, tăng 22% so với một năm trước. Riêng trong 3 tháng đầu năm nay, hơn 100.000 ca mắc sởi đã được thống kê trên toàn thế giới, tăng gần 300% so với cùng kỳ năm 2018. Cơ quan trên cho biết các cơ sở y tế thiếu thốn, nhận thức chưa đầy đủ, tình trạng bất ổn, sự chủ quan và làn sóng phản đối tiêm chủng là những nguyên nhân khiến bệnh sởi gia tăng.
Làn sóng phản đối tiêm chủng được cho là bắt đầu rộ lên từ năm 1998, khi một bài báo của bác sĩ người Anh Andrew Wakefield đăng trên tờ The Lancet. Trong đó, vị bác sĩ này công bố một nghiên cứu cho rằng vắc-xin sởi, quai bị, rubella có thể gây bệnh tự kỷ. Sau này, giới chức y tế thế giới đã tìm ra nhiều bằng chứng bác bỏ kết luận trên, coi thông tin của bác sĩ Andrew là vô căn cứ, thiếu trung thực và vô trách nhiệm. Dù vậy, công bố vội vàng của bác sĩ Andrew đã kịp tạo ra hiệu ứng gây tâm lý nghi ngại trong các bậc phụ huynh trên thế giới đối với việc tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh. Việc này càng thúc đẩy phong trào phản đối vắc-xin trên thế giới, vốn đã xuất hiện một thời gian dài trước đó và đang ngày càng lan rộng ra toàn cầu.
Trong một bản báo cáo gần đây của WHO, tổ chức này cho rằng việc do dự hoặc từ chối tiêm chủng vắc-xin đang gây đe dọa lớn đến quá trình chống lại những căn bệnh có thể phòng ngừa. Tiêm vắc-xin là phương pháp hiệu quả nhất để tránh mắc bệnh, ngăn được ít nhất 2 đến 3 triệu người chết mỗi năm, và dự tính là thêm 1,5 triệu người nữa nếu được toàn cầu áp dụng.
Có nhiều lý do để giải thích vì sao ngày càng nhiều người mang tâm lý hoài nghi vắc-xin, thậm chí “nói không” với tiêm chủng. Theo WHO giải thích, có thể là do sự tự mãn, hoặc bất tiện trong việc tiếp cận với nguồn vắc-xin, hoặc sự thiếu hiểu biết, thiếu tự tin khiến họ thấy chần chừ. Các nhân viên y tế vẫn luôn được xem là cố vấn đáng tin cậy với cộng đồng, bởi vậy họ cần được hỗ trợ nhằm đưa ra những thông tin chuẩn xác nhất về vắc-xin.
WHO cho biết trong năm 2019, họ sẽ tích cực hoạt động hơn để giải quyết chứng ung thư cổ tử cung bằng cách tăng cường chương trình vắc-xin HPV. Tổ chức này hy vọng đây cũng sẽ là năm giải quyết được bệnh bại liệt trẻ em tại Afghanistan và Pakistan. Nhờ vắc-xin mà năm 2018, chỉ có khoảng 30 trường hợp mắc bệnh tại cả hai quốc gia này./.
Xuân Phong/QĐND.VN