Trên thực tế, giờ làm việc (bao gồm giờ bắt đầu làm việc, thời gian làm việc trong từng buổi, thời gian nghỉ trưa, thời gian kết thúc giờ làm việc) nên căn cứ sự khác biệt giữa các vùng miền, địa phương và nhóm lao động.
Chẳng hạn, ở miền Bắc vào một số tháng trong năm có hiện tượng rét và sương mù, giờ bắt đầu làm việc không nên quá sớm và kết thúc quá muộn. Ngược lại, ở miền Nam, nếu đợi đến 8 giờ 30 mới bắt đầu giờ làm việc thì sẽ có nhiều bất tiện cho cả người đi làm và người dân liên hệ công tác. Với người có con nhỏ cần đưa đến trường, do trường học bắt đầu lúc 7 giờ thì họ cũng phải ra khỏi nhà trước đó đưa con đi học rồi đến thẳng nơi làm việc. Buổi chiều, nhiều người cũng phải sắp xếp công việc, giờ giấc để có thể đón con nên có khi không bảo đảm được giờ giấc làm việc, gây khó khăn cho cả người lao động lẫn người sử dụng lao động. Cùng là cán bộ công chức, nhưng người làm việc ở khối hành chính thuộc khu vực nông thôn có nhiều khác biệt với người làm việc ở khu vực đô thị. Do vậy, áp dụng cùng giờ làm việc sẽ có nhiều bất tiện.
Xét trên nhiều mặt, việc ấn định thời gian làm việc chung cho khối cơ quan hành chính trên cả nước là không cần thiết và tính khả thi không cao. Việc sắp xếp thời gian làm việc nên tuân thủ mấy nguyên tắc cơ bản sau: bảo đảm đủ giờ làm việc 8 giờ (trừ trường hợp có quy định khác, hoặc thực hiện theo chế độ tăng ca); chú ý đến việc bảo đảm và không ngừng nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc; bảo đảm sức khỏe và các điều kiện về tâm lý, thể chất, chăm sóc gia đình… cho người lao động; có tính toán đến điều kiện đặc thù về khí hậu, thời tiết, tập quán của từng vùng miền, điều kiện riêng của từng nhóm lao động ở các ngành nghề khác nhau. Tức là, nếu cần thay đổi thời gian làm việc thì nên có các luận cứ khoa học đầy đủ và sự thay đổi đó phải tính đến hiệu quả thực sự trong tổng quan chung của cả nước.