Hiện nay, giới chuyên gia đưa ra các đánh giá khác nhau về khả năng FED nâng mức lãi suất mà nếu có thì theo dự đoán sẽ vào khoảng tháng 9 này. Những ý kiến ủng hộ khả năng này cho rằng, có những cơ sở xác đáng để tin nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi. Tuy nhiên, sát thời điểm diễn ra các cuộc họp quyết định của FED để bàn về thời điểm nâng lãi suất, lại có nhiều phân tích nhận định đưa ra nhiều lý do có thể khiến FED hoãn tăng lãi suất. Lý do đầu tiên được đưa ra là sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ vẫn còn yếu và chưa ổn định. Trong khi đó, Trung Quốc liên tục giảm giá đồng nhân dân tệ, gây tác động tới nền kinh tế toàn cầu, mà nền kinh tế Mỹ đã chịu một vài tác động rõ ràng. Hơn nữa, nguy cơ biến động thị trường tiền tệ sẽ lớn hơn nếu FED tăng lãi suất cũng là nguyên nhân khiến cơ quan này phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Trong số các nhận định đáng chú ý là báo cáo mới của Deutsche Bank, trong đó nhà kinh tế trưởng Giô-dép La-vo-gơ-na (Joseph LaVorgna) đã đưa ra 7 lý do có thể khiến FED chưa nâng lãi suất trong phiên họp chính sách vào tuần tới. Dù trước đó, chính ông và một số đồng nghiệp đều dự đoán FED sẽ nâng lãi suất trong tháng 9 này nhờ nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định. Trong số 7 lý do, đáng chú ý là việc các thành viên chủ chốt của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) thuộc FED có vẻ không còn ủng hộ việc nâng lãi suất trong tháng 9. Sau những biến động của thị trường tài chính toàn cầu từ sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, các thành viên này đều bày tỏ lo ngại về rủi ro với kế hoạch nâng lãi suất.
Lý do khác cho rằng, FED chưa vội đưa ra quyết định trong tháng này vì vẫn còn hai dịp khác để nâng lãi suất trong năm nay. Từ giờ đến cuối năm, FED vẫn còn thời gian đánh giá những rủi ro và đợi thị trường tài chính toàn cầu ổn định trước khi quyết định nâng lãi suất. Nếu không hành động trong tháng 9, FED còn hai cuộc họp chính sách trong tháng 10 và tháng 12 để xem xét lại tính khả thi của kế hoạch.
Mới đây, ông Cau-sích Ba-xu (Kaushik Basu), nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, FED nên hoãn kế hoạch thắt chặt tiền tệ đợi cho đến khi nền kinh tế toàn cầu ổn định hơn.
Châu Á và các nước mới nổi chịu tác động nhiều nhất
Giới chuyên gia nhận định, châu Á sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn nếu FED tăng lãi suất. Chuyên gia Đa-ni-en Mác-tin (Daniel Martin) thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Capital Economics cho rằng, Xin-ga-po và Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ đặc biệt dễ bị tổn thương trước các động thái của FED vì lãi suất nội địa của hai nền kinh tế này gắn liền với FED. Hai nền kinh tế này đều gặp vấn đề về tăng trưởng tín dụng nhanh và tỷ giá hối đoái thiếu linh hoạt. Ông Đ.Mác-tin cho biết, tỷ giá của Xin-ga-po được cố định để giao dịch trong một biên độ nhất định trong khi đô-la Hồng Kông lại khá ổn định so với đồng USD. Tuy nhiên, ông cũng xoa dịu khi cho rằng, rủi ro lớn hơn là hai nền kinh tế trên sẽ phải đối mặt là tăng trưởng chậm lại trong vài năm, chứ không phải là nguy cơ về các cuộc khủng hoảng.
Còn theo ông Mai-cơn Oan (Michael Wan), chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Credit Suisse, Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a sẽ là những nền kinh tế bị ảnh hưởng lớn nếu FED nâng lãi suất.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng từng cảnh báo về những rủi ro xung quanh khả năng FED nâng lãi suất sớm. Trên tờ Thời báo Tài chính, ông C.Ba-xu cho rằng, nếu FED quyết định nâng lãi suất luôn từ tháng 9 có thể sẽ tạo ra cú sốc và một cuộc khủng hoảng mới tại thị trường mới nổi. Theo ông C.Ba-xu, FED nâng lãi suất sẽ dẫn tới làn sóng rút vốn ồ ạt khỏi các nền kinh tế mới nổi và gây biến động mạnh trên thị trường tiền tệ. Khi đó, USD sẽ càng mạnh lên và chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Mỹ. Nhà kinh tế trưởng WB nói: “Kinh tế thế giới sẽ rất chật vật nếu Mỹ hành động trong tháng này. Tôi nghĩ nó sẽ tác động rất lớn đến nhiều quốc gia”.
FED cũng bối rối...
Tuy nhiên, lại có thông tin cho biết, ngân hàng trung ương một số thị trường mới nổi đã giục giã FED sớm nâng lãi suất nhằm chấm dứt những bất ổn xung quanh chính sách của cơ quan này. Nghe có vẻ mâu thuẫn với nhận định của nhà kinh tế trưởng WB C.Ba-xu, nhưng thực ra điều này cũng có cái lý của nó. Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương In-đô-nê-xi-a Mơ-da A-đi-ti-át-oa-ra (Mirza Adityaswara) phát biểu ám chỉ rằng, sự bất ổn trong việc hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ đã khiến thị trường toàn cầu hoảng loạn. Theo ông, “tình hình sẽ ổn định trở lại nếu FED quyết định và cho thị trường biết rằng họ sẽ nâng lãi suất 1 hoặc 2 lần và sau đó dừng lại”.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pê-ru Giu-li-ô Va-la-đê (Julio Valarde) cho biết, hầu hết các thị trường mới nổi đều muốn FED tăng lãi suất “càng sớm càng tốt”. Ông khẳng định chính sự bất ổn về thời điểm FED nâng lãi suất đang gây thiệt hại nhiều hơn bản thân việc nâng lãi suất.
Chia sẻ quan điểm, quan chức cấp cao Ngân hàng Trung ương Mê-hi-cô, ông A-gút-xtin Ca-xten-xơ (Agustín Carstens) nói rằng, việc FED nâng lãi suất cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt và “với chúng tôi, đây là tin tốt lành”.
Những ý kiến trên phản ánh mong muốn của thế giới, đó là FED cần duy trì sự ổn định trong chính sách tiền tệ của mình để tránh những tác động tiêu cực không đáng có đối với nền kinh tế thế giới và của chính nước Mỹ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, FED có cái khó là những số liệu về nền kinh tế Mỹ còn đang có những mâu thuẫn khiến cơ quan này gặp bối rối trước mỗi quyết định của mình.
Theo QĐND