Căng thẳng ở Ai Cập tiếp tục gây quan ngại sâu sắc trong cộng đồng khu vực và
quốc tế.
Ngày 17/8, khoảng 4.000 người dân thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ xuống
đường để lên án "các vụ thảm sát" tại Ai Cập. Biểu tình cũng đã diễn ra ở thành
phố Konya, miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ, với sự tham gia của gần 10.000 người.
Còn tại thành phố Nazareth, miền Bắc Israel, khoảng 4.000 người gốc Arập
đổ ra đường hô khẩu hiệu ủng hộ đối với ông Morsi.
Tại thành phố
Benghazi ở miền Đông Libya, một quả bom phát nổ bên ngoài Lãnh sự quán Ai Cập
làm đổ bức tường ngoài, phá hủy một số xe ô tô và làm một nhân viên an ninh cùng
5 trẻ em bị thương. Trong khi đó, tại quảng trường Algeria ở thủ đô Tripoli của
Libya, nhiều cuộc biểu tình cũng diễn ra nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với tổ chức
MB.
Tại Algeria, hàng chục người Ai Cập biểu tình ngồi gần Đại sứ quán
Ai Cập để phản đối bạo lực ở quê nhà.
Trong khi đó, Quốc vương Arập Xêút
Abdullah bin Abdul ra lệnh gửi thiết bị và nhân viên y tế tới Ai Cập lập 3 bệnh
viện dã chiến để giúp giảm tải cho các bệnh viện đang phải chữa trị cho rất
nhiều người bị thương trong các cuộc đụng độ đẫm máu vài ngày qua.
Tổng
thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tiếp tục hối thúc các bên ở Ai Cập chấm dứt
biểu tình bạo lực và ngừng ngay việc "sử dụng vũ lực quá mức."
Theo ông,
việc tấn công vào các đền thờ, bệnh viện và các cơ sở công cộng là không thể
chấp nhận được, và rằng ngăn chặn đổ máu phải là "ưu tiên cao nhất" hiện nay.
Các nước Đức, Qatar, Cuba và nhiều quốc gia Mỹ Latinh cũng đưa ra những
phản ứng lo ngại về tình hình bạo lực tại Ai Cập, đồng thời hối thúc các bên
liên quan đối thoại chính trị để tìm giải pháp.
Chính phủ Venezuela thậm
chí cho triệu Đại sứ tại Cairo về nước để phản đối. Trong khi đó, Ngoại trưởng
Anh William Hague điện đàm với người đồng cấp Ai Cập Nabil Fahmy để lên án mọi
hành động bạo lực cũng như các cuộc tấn công nhằm vào đền thờ Hồi giáo và nhà
thờ Công giáo./.
(TTXVN)