Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 4/2/2009 14:33'(GMT+7)

Thế giới tìm cách tự cứu mình

Nhiều nước đang đưa ra những phương pháp

Nhiều nước đang đưa ra những phương pháp

Bảo hộ mậu dịch gia tăng

“Từ Washington đến Bắc Kinh, London, Madrid, bắt đầu xuất hiện các biện pháp bảo hộ mậu dịch”. Đây là cảnh báo của Tổ chức thương mại thế giới WTO.

Theo báo Le Figaro (Pháp), trong kế hoạch hồi phục kinh tế của tổng thống Mỹ Obama, với những khẩu hiệu “Hãy mua hàng Mỹ’, “thuê người Mỹ”, có dự luật cấm mua thép nước ngoài trong chương trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Dự luật này đã được hạ viện thông qua, đang chờ thượng viện biểu quyết. Các nhà vận động hành lang cho rằng 86% dân Mỹ ủng hộ việc sử dụng thép sản xuất tại Mỹ cho các công trình xây dựng khổng lồ đang được thảo luận tại quốc hội. Trong khi đó, báo chí Mỹ lên án chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch vì cho rằng phương pháp này chỉ khiến kinh tế Mỹ đi xuống, và trái với quy định của WTO.

Tổ chức WTO liệt kê một danh sách dài các nước cần theo dõi có thể có những hành động bảo hộ mậu dịch, đứng đầu là Achentina, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Nga...

Bảo hộ mậu dịch, bảo hộ thị trường có nhiều hình thức. Một biện pháp thường dùng là phá giá đồng tiền để hỗ trợ xuất khẩu. Việc đồng bảng Anh giảm giá đang là mối lo ngại của các nước khu vực đồng euro. Trong khi đó, Washington đang theo dõi tỉ giá hối đoái đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo từng ám chỉ rằng “thả nổi đồng nhân dân tệ sẽ dẫn đến hậu quả tai hại”.

Tại châu Âu, Anh đang đối mặt với những cuộc biểu tình chống nhân công nhập cư, đặt biệt là lao động người Ý. Hàng ngàn công nhân hãng lọc dầu Total tại Anh liên tục đình công với khẩu hiệu ưu tiên việc làm cho người Anh. Malaysia cấm các công ty trong nước tuyển lao động nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, để dành việc làm cho người Malaysia.

IMF giảm dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á

Trong khi đó, ngày 3.2, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm 2009 so với dự báo đưa ra trước đó hai tháng. Giám đốc IMF, ông Dominique Strauss-Kahn cho biết tăng trưởng của châu Á năm 2009 chỉ đạt khoảng 2,7% so với dự đoán cũ là 4,9% hồi tháng 12.2008. IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc sẽ âm 4% trong năm nay, so với mức tăng trưởng 2% mà ngân hàng trung ương Hàn Quốc dự đoán.

Tuy nhiên, bộ tài chính Hàn Quốc vẫn cho rằng nền kinh tế Hàn Quốc có thể không ảm đạm như dự đoán của IMF. “Tăng trưởng âm có thể là cú sốc, nhưng Hàn Quốc là nền kinh tế được chờ mong sẽ phục hồi nhanh trên thế giới trong năm 2010”, thứ trưởng bộ tài chính Hàn Quốc, Hur Kyoung-wook nói.

IMF dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 6,7% năm nay, giảm khá nhiều so mức 9% năm 2008. Trung Quốc mới đây đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 là 8%. Theo IMF, đây sẽ là thách thức lớn đối với Trung Quốc.

Tuần trước, IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế thế giới chỉ tăng nhẹ 0,5% trong năm 2009, mức thấp nhất kể từ sau thế chiến thứ hai.

Dự đoán của IMF cùng thời điểm Nhật và Úc tiếp tục đưa ra những biện pháp kích thích kinh tế mới. Úc vừa giảm lãi suất cơ bản vừa tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 26,5 tỉ USD. Tại Nhật, ngân hàng trung ương tuyên bố mua 11,2 tỉ USD các cổ phiếu ngân hàng vì lo giá cổ phiếu giảm sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tài chính.

Tuy nhiên, IMF tin rằng châu Á sẽ phục hồi nhanh vào năm 2010, nếu một số nền kinh tế bên ngoài như Mỹ có dấu hiệu khả quan. Ông Dominique Strauss-Kahn nói: “Châu Á sẽ tăng trưởng trở lại 5% vào năm 2010, nếu những nền kinh tế còn lại của thế giới có sự hồi phục đáng kể”. Tuy nhiên ông cảnh báo những nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn khi các thị trường nhập khẩu chưa hồi phục. Theo ông, châu Á cần gia tăng mức cầu trên thị trường nội địa, để giảm lệ thuộc vào xuất khẩu.

(Theo Tin tuc Online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất