Thứ Năm, 10/10/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 7/5/2016 21:13'(GMT+7)

Thế giới tuần qua: Bạo lực và bất đồng

1. Sau kinh tế, năng lượng và lương thực, Venezuela đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị ngày càng sâu sắc, khi phe đối lập kêu gọi trưng cầu dân ý để bãi miễn Tổng thống Nicolás Maduro.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố sẽ cho phép tiến hành trưng cầu dân ý, đồng thời nhấn mạnh đây là một sự lựa chọn và hoàn toàn không bắt buộc, điều bắt buộc duy nhất đó là tổ chức tổng tuyển cử vào năm 2018. Ông Maduro cũng khẳng định trong trường hợp bị đảo chính sẽ kêu gọi những người ủng hộ chính quyền “nổi dậy”. 

 
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Nguồn: AP


Theo quy định của Hiến pháp, phe đối lập chỉ cần thu thập đủ 200.000 chữ ký trong vòng 30 ngày để hoàn thành yêu cầu đầu tiên trong nhiều thủ tục để có thể tiến tới việc bãi nhiệm ông Maduro. Ngoài ra, phe đối lập cần thu thập hơn 7,5 triệu chữ ký trong tổng số 19 triệu cử tri Venezuela đồng ý bãi nhiệm ông Maduro để có thể tổ chức bầu cử trước thời hạn. Hiện tại, 1,85 triệu chữ ký mà phe đối lập thu thập đang được Hội đồng Bầu cử quốc gia Veneduela tiến hành xác thực.

Những bước đi này của phe đối lập đã ảnh hưởng không nhỏ đến những nỗ lực cải cách nhằm vực lại nền kinh tế của Tổng thống Maduro. Thời gian vừa qua, hiện tượng El Nino, giá dầu thế giới giảm mạnh… đang khiến quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất Nam Mỹ và lớn thứ 5 trên thế giới này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện năng, thiếu hụt nghiêm trọng nhiều nhu yếu phẩm. Theo báo cáo của Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, năm nay tỷ lệ lạm phát tại Venezuela sẽ là 720% - mức cao nhất thế giới.

2. Trước tình hình chiến sự ngày càng leo thang tại Syria, Nga và Mỹ đã nhất trí về thực thi lệnh ngừng bắn mới tại thành phố đang bị vây hãm Aleppo, bắt đầu có hiệu lực từ đêm 4-5 theo giờ địa phương. Hai bên sẽ tăng cường giám sát, đồng thời đưa ra yêu cầu cả chính phủ và phe đối lập có trách nhiệm như nhau trong việc thực thi lệnh ngừng bắn này.

Chiến trường Aleppo. (Ảnh: Al Jazeera)

Chính phủ Syria đã chấp thuận lệnh ngừng bắn, ngừng toàn bộ các cuộc không kích bên trong thành phố Aleppo, song vẫn duy trì một số cuộc oanh tạc vào các vùng phụ cận. Đại diện phe đối lập tại Syria kêu gọi mở rộng lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ, đồng thời yêu cầu lệnh ngừng bắn phải bao gồm một sáng kiến mới về chuyển giao chính trị tại Syria mà không có vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Tuy nhiên, Tân Hoa xã dẫn nguồn tin của Bộ Ngoại giao Syria ngày 5-5 cho biết, vài giờ sau khi thỏa thuận có hiệu lực, các nhóm khủng bố vũ trang đã bắn pháo vào các khu vực lân cận khu dân cư ở thành phố Aleppo. Trong hơn 10 ngày qua đã có 120 người chết và hàng trăm người bị thương trong các cuộc giao tranh tại Aleppo.

Cũng về vấn đề Syria, Hãng tin Sky News của Anh vừa tiết lộ thông tin gây sốc về những thỏa thuận ngầm giữa chính quyền ông Bashar al-Assad và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Với 22.000 tài liệu mật mà Sky News thu được là bản sao của các lệnh viết tay gửi đi từ trụ sở của IS, trong đó tiết lộ các thỏa thuận với chính phủ như việc IS rút vũ khí hạng nặng ra khỏi Palmyra và cố tình để mất thành phố cổ này vào tay quân chính phủ Syria hay những thỏa thuận mua bán dầu giữa IS và Damascus.

3. Xung đột giữa Israel và Hamas có nguy cơ bùng phát trở lại, khi ngày 6-5 xe tăng Israel đã bắn phá một số mục tiêu của Hamas ở phía Nam dải Gaza. Sân bay quốc tế, các nông trại lân cận là các mục tiêu bị tấn công. Xe bọc thép của Israel đã vượt biên giới giữa Israel và Gaza tiến sâu khoảng 300 mét vào phía Bắc Gaza. Hai trường học của người Palestine tại vùng lãnh thổ này đã phải sơ tán để đảm bảo an toàn. 

Hiện trường vụ tấn công tại Gaza. (Ảnh: AP)

Trước đó một ngày, không quân Israel đã mở chiến dịch không kích vào vùng đất thuộc quyền kiểm soát của Hamas. Quân đội Israel cho rằng, các cuộc tấn công này là nhằm bảo vệ dân thường Israel khỏi sự đe dọa của Hamas trên mặt đất cũng như dưới lòng đất.

Theo giới quan sát tại khu vực, hầu hết các vụ bắn rocket vào lãnh thổ Israel là do các nhóm Hồi giáo tại Gaza thực hiện với ý đồ thách thức quyền kiểm soát Gaza của Hamas, nhưng Israel thường quy trách nhiệm các vụ việc đó cho Hamas để tạo cớ tấn công phong trào vũ trang này.

Tình trạng leo thang căng thẳng tại Gaza có nguy cơ làm đổ vỡ thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas đạt được năm 2014. Nếu điều đó xảy ra, dải Gaza và các vùng lãnh thổ Palestine sẽ một lần nữa chìm trong vòng xoáy của xung đột và bạo lực, với những hậu quả được dự báo là vô cùng nghiêm trọng.

4. Song song với các hoạt động kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5), biểu tình đã diễn ra ở nhiều nước đòi cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm quyền lợi, lợi ích của người lao động.

Tại Hàn Quốc, 30.000 người lao động đã xuống đường biểu tình yêu cầu Chính phủ tăng lương tối thiểu, bỏ dự luật cải cách lao động và giảm thời gian làm việc, 10.000 nhân viên cảnh sát đã được triển khai, song không có đụng độ nào xảy ra.

Người lao động Hàn Quốc tuần hành tại thủ đô Seoul hôm 1/5.  (Ảnh: Yonhap)

Tại Campuchia, hàng nghìn người lao động, chủ yếu trong các lĩnh vực may mặc và sản xuất giày dép đã tiến hành tuần hành, yêu cầu Quốc hội tăng lương tối thiểu từ 140 USD/tháng lên 207 USD/tháng.

Tại Nhật, 30.000 người đã tham gia tuần hành nhằm phản đối quyết định tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Chính phủ, đồng thời đưa ra yêu cầu tăng lương, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Còn tại Nga, những người tham gia diễu hành mang theo hoa, bóng bay để bày tỏ tình đoàn kết với người lao động và ủng hộ chính phủ đương nhiệm. 

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, tuần hành đã biến thành đụng độ khi những người biểu tình xung đột với cảnh sát. Tại Mỹ, hàng nghìn người xuống đường tuần hành đòi tăng lương và bày tỏ ủng hộ kế hoạch cho phép hàng triệu người nhập cư trái phép được ở lại của Tổng thống Obama. Tại Venezuela, người lao động được an ủi phần nào khi Tổng thống nước này quyết định tăng lương tối thiểu thêm 30%.

Cách đây 130 năm, ngày 1-5-1886, khoảng 40.000 người tham gia cuộc bãi công đầu tiên tại thành phố Chicago nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Các xung đột xảy ra dữ dội khiến hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt... gây nên sự kiện thảm sát Haymarket năm 1886. Sau đó, ngày 1-5 được chọn là Ngày Quốc tế Lao động.

5. Sau tuyên bố rút lui của Thượng nghị sĩ Ted Cruz, cuộc đua vào vị trí ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa coi như đã ngã ngũ, với chiến thắng thuộc về Tỷ phú Donald Trump. Ông Donald Trump đã bắt đầu tìm kiếm "bạn đồng hành" cho cương vị Phó tổng thống.

 Tỷ phú Donald Trump. (Ảnh: AP)

Trong khi đó, ứng cử viên đảng Dân chủ Bernie Sanders tiếp tục bám đuổi cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Với tương quan hiện tại, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders khó có thể đánh bại cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton để trở thành ứng cử viên đại diện Đảng Dân chủ.

Còn hơn một tháng nữa mới tới thời điểm Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà tiến hành đại hội đề cử ứng cử viên chính thức. Song đến thời điểm này, hai gương mặt đại diện cho hai Đảng đã lộ diện, mở đường cho giai đoạn mới của cuộc đua vào Nhà trắng.

6. Đại hội lần thứ 7 của Đảng Lao động Triều Tiên đã chính thức khai mạc ngày 6/5. Đây là đại hội lớn đầu tiên của Đảng Lao động Triều Tiên sau hơn 30 năm và cũng là đại hội đầu tiên diễn ra dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm để ông Kim Jong-un củng cố và gia tăng quyền lực.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chụp ảnh cùng những người lính Triều Tiên. (Ảnh: EPA)

Tại đại hội, các đại biểu sẽ thảo luận một loạt vấn đề quan trọng như chính sách chính trị và kinh tế, các chương trình phát triển trung và dài hạn, vấn đề nhân sự cấp cao…

Đại hội lần thứ 6 của Đảng Lao động Triều Tiên được tổ chức tháng 10-1980, dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong Il, với sự tham gia của khoảng 3.200 đại biểu.

Trong một diễn biến liên quan, Ủy ban thống nhất hòa bình ngày 6/5 ra tuyên bố khẳng định vị thế cường quốc hạt nhân của mình và nước này sẽ tiếp tục tăng cường khả năng răn đe hạt nhân chừng nào Mỹ vẫn theo đuổi chính sách thù địch. Trước đó Hàn Quốc đã đưa ra cảnh báo về việc Triều Tiên tiếp tục vụ thử hạt nhân nhân dịp đại hội Đảng./.

(Nguồn: QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất