Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 12/1/2019 15:11'(GMT+7)

Thế giới tuần qua: Bảy ngày nhiều cung bậc

1. Nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm Trung Quốc

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc lần thứ tư, sự kiện mà giới phân tích cho là nhằm bảo đảm mối quan hệ giữa hai nước được thắt chặt trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.

Vài tháng gần đây, Triều Tiên và Mỹ đang gấp rút chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ hai, trong bối cảnh việc triển khai thực hiện các cam kết của cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất cách đây gần 7 tháng vẫn hầu như giậm chân tại chỗ. Chính vì vậy, giới phân tích quốc tế cho rằng, ngoài việc thể hiện với thế giới rằng mối quan hệ Trung-Triều đang tốt đẹp, chuyến thăm còn có những thông điệp sâu xa hơn. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên tại lễ đón chính thức ngày 8/1. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Chỉ hơn một tuần trước chuyến đi, trong phát biểu chào năm mới 2019, ông Kim Jong-un đã tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, song cũng không quên gửi đi thông điệp cảnh báo rằng nếu Mỹ cứ tiếp tục gây sức ép, Triều Tiên có thể tìm những "con đường khác" để bảo đảm lợi ích quốc gia.

Trong cuộc gặp với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần này, một mặt ông Kim bày tỏ nỗ lực để cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt kết quả khả quan, mặt khác, nhà lãnh đạo Triều Tiên một lần nữa khẳng định không thay đổi lập trường về phi hạt nhân hóa. Rõ ràng, đây là những thông điệp ông Kim Jong-un muốn gửi tới Washington và bằng chuyến đi này, ông muốn tối đa hóa lợi thế đàm phán trước cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Donald Trump, sau khi có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía đối tác Trung Quốc.

2. Thêm một quốc gia bắt giữ nhân viên Huawei

Sau bà Mạnh Vãn Chu, tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc vừa tiếp tục có thêm một nhân viên bị bắt giữ ở nước ngoài. Đối tượng bị bắt giữ tại Ba Lan với cáo buộc làm gián điệp. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại với vụ việc và kêu gọi Ba Lan bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân Trung Quốc.

                                                                                  (Ảnh: The Standard)                                                          

Đài truyền hình Ba Lan TVP cho biết nghi phạm người Trung Quốc là giám đốc kinh doanh tại Ba Lan của Huawei, có tên là Stanislaw Wang. Trong khi đó, công dân Ba Lan được xác định là Piotr D, cựu quan chức cấp cao thuộc cơ quan an ninh nội địa Ba Lan (ISA).

Ông Wang là nhân vật cấp cao thứ 2 của Huawei bị bắt ở nước ngoài sau vụ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt hồi 1-12 năm ngoái theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc “lừa đảo các tổ chức tài chính”, lách lệnh trừng phạt của Washington lên Iran.

Huawei hiện thời đang chịu nhiều áp lực ở châu Âu kể từ khi bà Mạnh bị bắt. Tháng trước, EU đã cảnh báo các nước thành viên về mối đe dọa an ninh từ Huawei. Tuần qua, cả Na Uy và Thụy Điển tuyên bố họ sẽ xem xét việc cho phép Huawei xây dựng mạng lưới 5G tại 2 nước hay không. Cộng hòa Séc được cho là cũng đang điều tra các sản phẩm của Huawei với quan ngại có thể bị tấn công mạng.

3. Mỹ bắt đầu rút thiết bị quân sự khỏi Syria

Mỹ đã bắt đầu triển khai việc rút dần các thiết bị quân sự hạng nặng khỏi lãnh thổ Syria. Hành động này nẳm trong tiến trình rút 2.000 quân Mỹ hiện đang đồn trú và chiến đấu tại quốc gia Trung Đông này, sau khi Tổng thống D. Trump tuyên bố rút quân bởi cuộc chiến chống IS đã kết thúc thắng lợi.

Theo Sputniknews, một quan chức quốc phòng Mỹ đã đề cập đến việc quân đội Mỹ bắt đầu tháo dỡ các trang thiết bị quân sự hạng nặng tại Syria. Quan chức này không cho biết thêm chi tiết, và chỉ đề cập đến 'lý do an ninh' của việc rút lui này. Một số quan chức thân cận với chính quyền Tổng thống Trump cũng đã xác nhận thông tin trên.

                     Lực lượng Mỹ triển khai ở miền bắc Syria hồi năm 2017. (Ảnh: Stars and Stripes)                      

Thông tin Mỹ rút dần trang thiết bị quân sự hạng nặng được biết đến rộng rãi, sau khi Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton đề nghị rút binh sĩ khỏi vị trí gần biên giới Iraq và Jordan, vị trí then chốt trong chiến lược của Mỹ nhằm ngăn chặn các lực lượng thân Iran tại Syria hành động và gây ảnh hưởng.

Ngày 19/12/2018, Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố rút 2.000 binh sĩ Mỹ tại Syria trong những tháng tới, một bước đi mà ông Trump cho rằng Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt IS tại Trung Đông. Quyết định này vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sỹ Mỹ, trong đó có các nghị sỹ đảng Cộng hòa, quan chức Bộ Quốc phòng cũng như các đồng minh của Washington. 

4. Campuchia kỷ niệm 40 năm đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot 

Sáng 7/1, tại thủ đô Phnom Penh đã diễn ra lễ mít-tinh trọng thể kỷ niệm 40 năm Chiến thắng 7/1 (7/1/1979 - 7/1/2019) là ngày nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot.

Trong thời gian cầm quyền từ năm 1975 đến 1979, chế độ Khmer Đỏ do Pol Pot đứng đầu đã cưỡng bức lao động, tra tấn, giết hại hơn ba triệu người Campuchia và các dân tộc thiểu số, triệt tiêu hạ tầng cơ sở xã hội cũng như những giá trị cơ bản của con người.

                                                     Hình ảnh tại Lễ kỷ niệm. (Nguồn: Bangkok Post)                                           

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen và những đồng chí của mình đã sang Việt Nam kêu gọi sự giúp đỡ thành lập lực lượng kháng chiến chống lại bè lũ diệt chủng, cứu nhân dân Campuchia đang kề cận thảm họa diệt vong. Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia ra đời tháng 12-1978 đã tập hợp toàn thể các lực lượng yêu nước, với sự giúp đỡ chí tình của Quân tình nguyện Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, đã vùng lên đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, giải phóng thủ đô Phnom Penh ngày 7/1/1979.

Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Đảng, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam đã đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia tiến hành giải phóng đất nước và nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng, đồng thời tiếp tục giúp ngăn chặn sự quay trở lại của chế độ này. Công ơn to lớn ấy mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử Campuchia.

5. Pháp vẫn căng thẳng vì biểu tình “Áo vàng”

Khoảng 80.000 cảnh sát, cộng thêm lực lượng hiến binh và lính cứu hoả sẽ được chính quyền Pháp huy động để bảo vệ an ninh trên toàn nước Pháp trước đợt biểu tình thứ 9 của lực lượng “Áo vàng” diễn ra trong ngày 12/1 (giờ địa phương).

Đây là đợt biểu tình vào ngày thứ bảy cuối tuần thứ 9 liên tiếp của phong trào “Áo vàng” kể từ khi bùng phát vào ngày 17/11/2018. Sau khi tạm lắng trong đợt nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới, phong trào biểu tình này đang có dấu hiệu căng thẳng trở lại. Vào thứ bảy tuần trước, ngày 5/1, hơn 50.000 người biểu tình “Áo vàng” đã xuống đường và gây ra nhiều cảnh tượng bạo lực.

                                                                           (Ảnh: The National)                                                                  

Đợt biểu tình thứ 9 của phong trào “Áo vàng” diễn ra trong bối cảnh chỉ vài ngày nữa chính quyền Pháp sẽ chính thức khởi động chương trình tranh luận quốc gia kéo dài trong 2 tháng nhằm kêu gọi tất cả người dân và các lực lượng chính trị, xã hội cùng nhau thảo luận về các vấn đề lớn của nước Pháp.

Do tác động của các đợt biểu tình “Áo vàng”, lượng khách du lịch đến Paris trong tháng 12/2018 đã giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron hy vọng đợt thảo luận này sẽ hạ nhiệt các yêu sách của phe “Áo vàng” và giúp tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

6. Khủng hoảng di cư diễn biến phức tạp

Cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu đã tạm thời lắng dịu trong năm 2018, ít nhất về mặt số lượng, nhưng tiếp tục diễn biến phức tạp khi số người chết tăng cao, do người di cư chọn di chuyển bằng các tuyến đường nguy hiểm.

Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) mới công bố số liệu thống kê cho thấy, số người di cư tới châu Âu bằng đường biển trong năm 2018 giảm rõ rệt, còn hơn 113.000 người, so với hơn 168.000 người năm 2017 và hơn 359.000 người năm 2016. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tiếp tục diễn biến phức tạp khi người di cư liên tục chuyển tuyến đường di chuyển, bất chấp nguy hiểm để đến “miền đất hứa”.

                                                                          (Ảnh: West Herald)                                                                    

EU cũng đang đối mặt thách thức bảo đảm an toàn cho người di cư, trong bối cảnh con đường vượt Ðịa Trung Hải vào châu Âu đã trở thành “con đường chết chóc”. Theo số liệu thống kê mới nhất của IOM, mặc dù dòng người di cư giảm mạnh nhưng số người thiệt mạng và mất tích trên vùng biển Ðịa Trung Hải trong năm 2018 tăng lên đến hơn 2.200 người, mức cao nhất trên toàn thế giới.

Ngoài ra, các thách thức về bảo đảm an ninh, an sinh xã hội và giải quyết vấn đề nảy sinh với những người di cư cũng là bài toán khó chưa tìm được lời giải, nhất là khi chủ nghĩa dân túy đang gia tăng tại châu Âu và ngày càng có nhiều chính trị gia theo đuổi chủ trương bài người nhập cư. Việc lựa chọn một chính sách vừa hiệu quả, vừa đáp ứng vấn đề nhân đạo vẫn là một câu hỏi để ngỏ cho EU./.

Khánh Ngân (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất