Thứ Năm, 26/9/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 18/1/2015 20:54'(GMT+7)

Thế giới tuần qua: Hiểm họa khôn lường

Tờ Charlie Hebdo của Pháp tiếp tục được phát hành với 5 triệu bản. (Ảnh:dw.de)

Tờ Charlie Hebdo của Pháp tiếp tục được phát hành với 5 triệu bản. (Ảnh:dw.de)

1. Châu Âu đang hết sức lo ngại về những vụ khủng bố tương tự như tại Pháp xảy ra trong tuần qua. Ngày 13/1, Giám đốc Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) Rob Wainwright cho biết, có đến 5.000 công dân EU đã gia nhập hàng ngũ phiến quân thánh chiến. Những đối tượng này chủ yếu là thanh niên đã rời châu Âu và có khả năng sẽ quay lại để thực hiện các vụ tấn công. Trong mối lo ngại chung, Cục Hình sự Liên bang Đức vừa đưa ra cảnh báo, nước này có thể là mục tiêu tiếp theo của các phần tử khủng bố. Các phần tử khủng bố tại Đức đã chỉ đích danh mục tiêu là các cuộc biểu tình của phong trào người châu Âu chống Hồi giáo hóa phương Tây đang diễn ra trên khắp nước Đức.

Trong một diễn biến liên quan, đúng một tuần sau vụ khủng bố, ngày 14/1, tờ Charlie Hebdo của Pháp đã tiếp tục được phát hành với 5 triệu bản. Trên trang bìa của số báo mới này vẫn in hình ảnh nhà tiên tri Mohammed với giọt nước mắt rơi trên má, cầm tấm biển "Tôi là Charlie", kèm dòng chữ "Tất cả đều được tha thứ". Điều này đã gây nên làn sóng phản ứng trái chiều giữa một bên là tự do ngôn luận phương Tây với một bên là sự chỉ trích gay gắt từ phía cộng đồng Hồi giáo trên thế giới.

Cảnh báo khủng bố cùng các biện pháp an ninh tại nhiều nước châu Âu đã được nâng lên mức cao nhất kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Nhiều nguồn tin tình báo thu thập được cho thấy, các cuộc tấn công ở Pháp có thể chỉ là sự khởi đầu của một làn sóng khủng bố quy mô lớn do các phần tử cực đoan tiến hành trên khắp châu Âu. Trong khi đó, các cuộc tuần hành với sự tham gia của hàng triệu người đã diễn ra tại nhiều nước như Pháp, Anh, Ca-na-đa, Đức nhằm phản đối bạo lực và tưởng niệm các nạn nhân trong vụ khủng bố ngày 7/1 tại Pháp.

2.  Căng thẳng tại miền Đông Ukraine đang gia tăng trở lại với hàng loạt vụ đấu pháo giữa quân đội và lực lượng đối lập. Mỗi ngày tại khu vực chiến sự diễn ra hàng chục vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, điểm nóng là tại khu vực sân bay Donetsk với 66 lần xảy ra đụng độ. Hiện tại, sân bay Donetsk đã nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng đòi độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng, tháp kiểm soát không lưu của sân bay này đã bị phá hủy. Trước đó, một xe buýt bị trúng tên lửa làm 11 dân thường thiệt mạng và 20 người khác bị thương. Trước bối cảnh căng thẳng tại miền Đông Ukraine có xu hướng tái diễn, Tổng thống Poroshenko ngày 14/1 đã ký sắc lệnh kêu gọi nhập ngũ ít nhất 50.000 binh sĩ trong lực lượng dự bị của nước này. Đối tượng kêu gọi bao gồm cả nữ giới ở độ tuổi từ 25 đến 50.

Xung đột gần sân bay Donetskgiữa quân chính phủ và quânly khai, tháng 10/201 .( Ảnh:AP)

Trước đó, cuộc gặp thượng đỉnh bốn bên gồm Ukraine, Nga, Pháp và Đức tại Kazakhstan nhằm nhanh chóng tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine đã khép lại mà không đạt được kết quả khả quan nào. Những diễn biến trên cho thấy, viễn cảnh u ám về một nền hòa bình tại quốc gia Đông Âu này. Mọi hy vọng đang trông đợi vào vòng đàm phán mới của nhóm tiếp xúc gồm Ukraine, Nga, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu trong vài ngày tới.

3. Ngày 12/1, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nếu động thái này góp phần thúc đẩy mối quan hệ liên Triều. Bà Park Geun Hye còn tuyên bố không đặt điều kiện tiên quyết cho cuộc gặp này, nhưng phía Triều Tiên cần có thái độ cởi mở và chân thành đối với việc giải quyết các vấn đề còn tồn đọng thông qua đối thoại. Về phần mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng tuyên bố, "không có lý do gì" để không tổ chức đàm phán thượng đỉnh với Hàn Quốc nếu có một bầu không khí và môi trường thích hợp.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tại cuộc họp báo ngày 12/1
.( Ảnh:Reuters)

Trước đó, ngày 10/1, Triều Tiên đã thông báo với Mỹ rằng, Bình Nhưỡng sẽ tạm ngừng các cuộc thử hạt nhân nếu Wasinhton tạm ngừng các cuộc tập trận quân sự thường niên chung với Hàn Quốc trong năm nay. Mặc dù điều kiện này của Triều Tiên không được Mỹ chấp thuận, nhưng với sự dịu giọng và thái độ kiên trì của Triều Tiên, dư luận đang kỳ vọng vào những diễn biến mới tích cực trên bán đảo này.

4. Ngày 12/1, tài khoản mạng xã hội Twitter của Bộ chỉ huy Trung ương Mỹ (CENTCOM), cơ quan chịu trách nhiệm về các chiến dịch quân sự tại Trung Đông, đã bị xâm nhập với nội dung "Lính Mỹ, chúng ta đã đến, hãy coi chừng" và được ký tên IS. Sau đó, liên tiếp các dòng tin được đăng với nội dung như: IS đã ở đây, trong máy tính của các người, trong mỗi căn cứ quân sự của Mỹ; Chúng ta không dừng lại đâu; Chúng ta biết mọi thứ, về cả vợ và con cái của các người... Nhóm tin tặc còn đăng clip với những thông điệp tuyên truyền cho nhà nước ủng hộ Hồi giáo trên kênh YouTube của Bộ chỉ huy quân đội Mỹ. Sau khoảng 30 phút bị xâm nhập, các tài khoản Twitter và YouTube của quân đội Mỹ cũng đã ngừng hoạt động.

Hình ảnh mạng Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ bị tấn công.
(Ảnh:VietNamNet)

Còn tại Pháp, hơn 1.000 trang mạng của nước này bị tin tặc Hồi giáo tấn công, kèm theo những lời đe dọa khủng bố. Cùng ngày, 4 hiệu sách tại thủ đô Brussels của Bỉ đã nhận được thư đe dọa trả thù nếu các cửa hàng này bày bán các ấn phẩm ra ngày 14-1 của tờ tạp chí Charlie Hebdo có in tranh biếm họa về nhà tiên tri Hồi giáo Mohammed trên trang bìa.

5. Ngày 13/1, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani thông báo nước này và Trung Quốc đã nhất trí sớm thực thi cơ chế kiểm soát khủng hoảng trên biển và trên không nhằm ngăn ngừa các cuộc đụng độ xung quanh các đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông.

Ba năm gần đây ngân sách quốc phòng của Nhật Bản liên tục tăng.
(Ảnh:BLOOMBERG)

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo, ông Nakatani tuyên bố hai bên đã nhất trí sớm tiến hành thỏa thuận dựa trên cuộc tham vấn hôm 12/1, đồng thời khẳng định đây là một bước đi lớn khi nguy cơ xảy ra các sự cố trên biển, trên không ở vùng Biển Hoa Đông ngày càng tăng. Cũng theo ông Nakatani, giới chức quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc đã thảo luận về kỹ thuật và các vấn đề khác liên quan đến việc thực thi cơ chế kiểm soát khủng hoảng, đồng thời chia sẻ quan điểm chung trong một phạm vi nhất định. Cho đến nay, các quan chức quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận cơ bản thiết lập một đường dây nóng, sử dụng tần số radio chung cho các tàu và máy bay của hai nước quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng như tiến hành các cuộc họp thường niên.

6. Quan hệ căng thẳng giữa phương Tây và Nga đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi ngày 14/1, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg khẳng định, NATO không muốn tìm cách đối đầu với Nga và mong muốn có mối quan hệ hợp tác, xây dựng hơn với Nga. Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng phản đối việc đóng băng quan hệ hợp tác giữa Nga và Liên minh quân sự này. Bà Merkel cho rằng, không nên đóng băng văn kiện hợp tác Nga và NATO, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ việc các nước thành viên NATO tuân thủ các nghĩa vụ trong thỏa thuận cơ sở về quan hệ, hợp tác và an ninh NATO - Nga ký tại Paris năm 1997.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenbergvà Thủ tướngĐứcAngela Merkel tại cuộc họp báo ở Béc-lin. (Ảnh: AP)

Quan hệ giữa Nga và Phương Tây đã xấu đi do cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Phương Tây cáo buộc Nga “giật dây” gây ra cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine trong khi Moskva kiên quyết bác bỏ cáo buộc. Kể từ tháng 7-2014, Mỹ và EU đã chuyển từ trừng phạt các cá nhân và một số công ty sang các biện pháp nhằm vào một loạt lĩnh vực kinh tế của Nga. Tuy nhiên, châu Âu đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với lệnh trừng phạt bởi mối liên kết hợp tác kinh tế, thương mại đan xen phụ thuộc lẫn nhau giữa EU và Nga.

7. Ngày 15/1, Hải quân Indonesia đã triển khai một đội gồm 15 thợ lặn xuống độ sâu 28m tiếp cận thân máy bay QZ8501 để tìm vớt các thi thể nạn nhân. Phần thân máy bay đã được tìm thấy ngày 14/1 có độ dài 30m và gắn với một phần cánh. 

Thân máy bay AirAsia dưới đáy biển .
(Ảnh:Reuters)

Trong khi đó, quá trình phân tích các dữ liệu trong 2 hộp đen của máy bay đang được tiến hành nhằm làm rõ nguyên nhân máy bay rơi. Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Tatang Kurniadi thông báo đã tải được dữ liệu về chuyến bay với thời lượng 174 giờ và các trao đổi trong buồng lái có thời lượng 2 giờ 4 phút. Các dữ liệu này phải được chuyển sang định dạng phù hợp trước khi các chuyên gia có thể bắt đầu phân tích. 

 Văn Duyên (tổng hợp)

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất