Thứ Hai, 18/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 12/12/2009 20:48'(GMT+7)

Thế giới tuần qua: Mọi ngả đường đều đổ về Copenhagen

Phiên khai mạc Hội nghị  Copenhagen.

Phiên khai mạc Hội nghị Copenhagen.

Hơn 100 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) đăng ký tham gia những phiên họp cuối của Hội nghị, từ 16-18/12.

Mặc dù LHQ đã triệu tập nhiều hội nghị thượng đỉnh thảo luận các vấn đề về môi trường toàn cầu, nhưng đây là hội nghị quan trọng nhất, tập trung nhất cho vấn đề biến đổi khí hậu, một vấn đề được đánh giá là “thất bại lớn nhất” trong lịch sử nhân loại mà 95% là do con người tạo nên. Mục đích của hội nghị là đạt được một hạn mức khí thải CO2, tác nhân quan trọng nhất gây hiệu ứng nhà kính, nhằm hạn chế nhiệt độ trái đất tăng lên thêm nữa. Bởi nếu trái đất tăng thêm 2 độ C nữa từ nay đến cuối thế kỷ, sẽ là thảm họa vô cùng thảm khốc.

Theo các nhà khoa học, nếu nhiệt độ tăng thêm 2 độ C, băng ở hai cực của Trái đất sẽ tan chảy phần lớn làm mực nước biển dâng cao thêm trên 1 m. Khi đó, 1/12 diện tích trái đất sẽ bị ngập lụt, hơn 1 tỷ người trong số 9 tỷ người sống trên trái đất sẽ trở thành dân tỵ nạn khí hậu và những tác hại đối với kinh tế thế giới là vô cùng lớn.

Để đạt được mục tiêu trên, cần một khoản tiền rất lớn, mà theo các chuyên gia có thể cần đến 100 tỷ USD mỗi năm. Khoản tiền này, về nguyên tắc là do các nước phát triển giàu có, thải nhiều khí CO2 vào môi trường, phải đóng góp để giúp các nước đang phát triển, nạn nhân của sự biến đổi khí hậu, khắc phục những hệ quả của hiện tượng này.

Cho đến trước Hội nghị Copenhagen, nhiều nước đã đưa ra những mục tiêu cắt giảm khí thải cụ thể mà người ta cho rằng có tính khả thi. Tuy nhiên, vần đề đóng góp tiền bạc cho việc chống đỡ biến đổi khí hậu vẫn chưa có sự nhất trí, và nhiều khả năng sẽ hạn chế thành công của hội nghị được nhiều người kỳ vọng này.

Chuẩn bị cho Hội nghị Copenhagen, rất nhiều kết quả nghiên cứu đã được công bố cho thấy mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Theo báo cáo Chỉ số Rủi ro Khí hậu toàn cầu 2010 do tổ chức Germanwatch công bố, 10 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu trong thập kỷ qua là Bangladesh, Myanmar, Honduras, Việt Nam, Nicaragoa, Haiiti, Ấn Độ, Cộng hòa Dominica, Philippines và Trung Quốc. Thống kê cho thấy trong giai đoạn từ 1990 - 2008, tại các nước này xảy ra 11.000 trận bão, lũ lụt và hạn hán khiến gần 600.000 người thiệt mạng, gây thiệt hại 1.700 tỷ USD.

Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 8/12 công bố một báo cáo, trong đó khẳng định năm 2009 sẽ là một trong mười năm nóng nhất kể từ năm 1850. WMO thậm chí còn cho rằng năm nay rất có thể sẽ trở thành năm nóng nhất trong suốt quá trình các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu sự biến đổi khí hậu tại phần lớn các khu vực ở Nam Á và Trung Phi.

Các nhà lãnh đạo EU dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu

Cũng trong tuần qua, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc ngày 10/12 tại Bruxelles để thảo luận một loạt vấn đề then chốt hiện nay của EU: Xác định hạn mức cắt giảm khí CO2 và phân bổ gánh nặng tài trợ các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu; Chiến lược EU 2020 của Uỷ ban châu Âu (EC) về phục hồi và phát triển kinh tế; xem xét lại ngân sách của EU; thông qua Chương trình Stockholm về hợp tác giữa 27 nước thành viên EU trong lĩnh vực tư pháp và hải quan. Đây là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của EU kể từ khi Hiệp ước Lisbon về cải cách thể chế của Liên minh có hiệu lực.

Hiện tại, EU đang kêu gọi các nước công nghiệp phát triển cam kết đến năm 2020 sẽ cắt giảm hạn mức khí thải CO2 từ 25% đến 40% và hi vọng các nước đang phát triển cũng cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính này từ 15% đến 30% trong cùng thời gian đó. Để đạt được hạn mức đó đòi hỏi EU phải chi mỗi năm 30 tỷ Euro. Các chuyên gia châu Âu về môi trường đã cảnh báo rằng, mặc dù là một châu lục có nhiều lợi thế nhất về địa lý tự nhiên cũng như xã hội vì nằm ở vùng ôn đới, mưa thuận gió hòa, khí hậu mát mẻ, lại là những nước phát triển có đủ nhân tài vật lực để đối phó với biến đổi khí hậu, châu Âu vẫn không tránh được tác hại của hiệu ứng nhà kính vì nhiệt độ ở châu Âu tăng nhanh hơn các nơi khác.

Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu tích cực sau chuyến thăm Bình Nhưỡng của Đặc phái viên Mỹ Stephen Bosworth. Kết thúc chuyến thăm Bình Nhưỡng, Đặc phái viên Stephen Bosworth ngày 10/12 cho biết Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã đạt được "nhận thức chung" về sự cần thiết phải nối lại đàm phán sáu bên cũng như về việc thực thi Tuyên bố chung năm 2005. Thời điểm và cách thức nối lại đàm phán sáu bên sẽ được quyết định thông qua các cuộc tham vấn với các bên liên quan.

Tính đến cuối tuần, giá dầu dao động quanh ngưỡng 70 USD/thùng là mức giá thấp nhất trong hai tháng qua. Đồng thời giá vàng đứng ở mức 1.130 USD/Ounce sau khi đã tăng lên mức kỷ lục 1.125 USD giữa tuần trước. Sự đổi chiều của giá dầu và giá vàng cho thấy sự bấp bênh của kinh tế thế giới thời hậu khủng hoảng, cho dù ngày càng có nhiều dấu hiệu cuộc khủng hoàng đã trở thành dĩ vãng. Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có sự tăng trưởng trong hai quý liên tiếp, nhưng Bộ trưởng Tài chính T. Geithner vẫn cam kết tiếp tục thực hiện gói kích thích kinh tế trị giá gần 800 tỷ USD cho đến tháng 10/2010. Trung Quốc cũng cho biết sẽ tiếp tục chương trình kích thích nội nhu cho cả năm 2010. Nhật Bản cho biết tiếp tục bơm thêm hàng chục tỷ USD cho hệ thống tài chính nước này vượt qua thời kỳ khó khăn.

SEA Games 25 là sân chơi của gần 5.000 vận động viên 11 nước Đông Nam Á.

Tại Vientiane, Lào, Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 25 (SEA Games 25) đã chính thức khai mạc. Đại hội thể thao này là sân chơi của gần 5.000 vận động viên 11 nước Đông Nam Á, cũng đồng thời là cơ hội giao lưu nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa các nước trong khu vực./.

(Theo: Cổng TTĐTCP, VOV, TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất