1. Anh và EU chính thức bắt đầu “cuộc chia tay” lịch sử   

Nước Anh đã chính thức bắt đầu tiến trình rời khỏi EU vào chiều 29-3, khi Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon để bắt đầu quá trình đàm phán Brexit. Cùng lúc đó, Đại sứ Anh tại EU đã trao cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk lá thư của bà Theresa May thông báo quyết định rời EU. Dự kiến, toàn bộ quá trình giải quyết “vụ ly dị” đầu tiên sau 60 năm hình thành của EU sẽ kéo dài khoảng 2 năm.   

 
Ảnh minh họa. Ảnh: BBC

Hiện cả Anh và EU đều thể hiện quan điểm cứng rắn. EU đưa ra điều kiện Anh phải đồng ý "các nguyên tắc rút khỏi EU một cách trình tự" trước khi nói đến đàm phán thương mại. Kế hoạch của EU là trong suốt thời kỳ quá độ hướng tới việc Anh có thể rời khỏi EU trong năm 2019 và trước khi hai bên có thể đạt được thỏa thuận tự do, Anh phải tuân thủ mọi quy định của EU. Nếu vẫn duy trì trạng thái là một phần của khối thị trường chung châu Âu trong một khoảng thời gian sau Brexit, London sẽ phải tuân thủ các quy định về tự do đi lại của khối. 

Trong khi đó, chính quyền Anh muốn tiến hành song song cả thủ tục “ra đi” lẫn thương lượng về quan hệ đối tác mới trong tương lai. Thủ tướng Theresa May khẳng định "không đạt được thỏa thuận còn hơn là đạt được một thỏa thuận tồi". Phía Anh muốn bỏ ngay một số quy định hiện hành của EU mà London cho rằng gây cản trở kinh tế Anh ngay sau khi kết thúc tiến trình đàm phán, chứ không phải đợi đến khi kết thúc thời kỳ chuyển đổi.

2. EU đề cao tinh thần đoàn kết trong thời điểm thử thách

Trong bối cảnh hàng loạt cuộc khủng hoảng đã và đang làm suy yếu những nỗ lực củng cố đoàn kết nội khối, ngày 25-3, Hội nghị thượng đỉnh EU đã khai mạc tại Rome, Italy.


Hình ảnh thể hiện sự chia rẽ trong EU. (Ảnh: Telegraph).

Với mong muốn về viễn cảnh một liên minh an toàn, thịnh vượng, có sức cạnh tranh, bền vững và có trách nhiệm xã hội trong 10 năm tới, các nhà lãnh đạo EU đã ký Tuyên bố Rome. Tuyên bố nhấn mạnh tới một liên minh độc đáo với các thể chế chung và các giá trị mạnh mẽ, một cộng đồng hòa bình, tự do, dân chủ, nhân quyền và thượng tôn pháp luật. Các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết thúc đẩy liên minh trở nên mạnh mẽ, kiên cường hơn trong sự thống nhất, đoàn kết và tôn trọng các nguyên tắc chung; tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng, thắt chặt các đường biên giới bên ngoài, kiểm soát nhập cư….   

Tuyên bố cũng thừa nhận EU đang đối mặt với những thách thức chưa từng có, cả trong nội khối cũng như trên phạm vi toàn cầu, từ các cuộc xung đột khu vực, nạn khủng bố, sức ép người di cư, chủ nghĩa bảo hộ cho đến những bất bình đẳng kinh tế và xã hội.

Hội nghị Thượng đỉnh EU năm nay diễn không có sự tham dự của Anh. Mặc dù khẳng định sẽ tìm kiếm sự thống nhất và đoàn kết hơn nữa, nhưng lãnh đạo các nước vẫn chưa đưa ra được đường hướng tương lai rõ ràng cho EU, trong khi những bất đồng, rạn nứt nội khối vẫn hiện hữu do thiếu đồng thuận về nhiều vấn đề.

3.  Chia rẽ trước thềm hội nghị cấm vũ khí hạt nhân toàn cầu

Ngày 27/3, hơn 100 quốc gia đã khởi động vòng đàm phán cấm vũ khí hạt nhân đầu tiên của Liên hợp quốc (LHQ) mà không có sự tham gia của một loạt quốc gia. Vòng đàm phán này là một phần trong nỗ lực quốc tế nhằm đạt được một lệnh cấm vũ khí hạt nhân mang tính ràng buộc. Tuy nhiên, khoảng 40 nước đã từ chối tham gia sự kiện này, trong đó có 5 cường quốc hạt nhân gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc.


Hội nghị hạt nhân của LHQ diễn ra với rất nhiều ghế bị bỏ trống. (Ảnh: vtv.vn) 

Theo quan điểm của các nước ủng hộ hội nghị, nguy cơ thảm họa hạt nhân đang ngày càng tăng, trong khi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân có hiệu lực từ năm 1970 không đạt hiệu quả như kỳ vọng. Những nước này đồng thời chỉ trích các nước phản đối hiệp ước đang "nỗ lực vô ích" nhằm làm phân tán sự chú ý của dư luận đối với sự cần thiết phải giải trừ vũ khí hạt nhân.

Trong khi đó, Pháp, Mỹ viện lý do mà các nước này phản đối là vì họ ủng hộ những tiến bộ trong giải trừ hạt nhân theo từng giai đoạn chứ không phải làm gián đoạn sự cân bằng chiến lược của vũ khí hạt nhân cũng như gây nguy hại cho tiến trình ngăn ngừa hạt nhân. Anh thì đưa ra quan điểm, để đạt được mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu là từng bước đàm phán để các nước sẵn sàng tuân thủ. Nhật Bản - quốc gia từng chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc tấn công bằng bom nguyên tử vào năm 1945 - cũng "quay lưng" với cuộc đàm phán, cho rằng sự thiếu đồng thuận trong đàm phán có thể làm xói mòn tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân.

4. Iran lần đầu áp đặt trừng phạt “ngược” đối với Mỹ

Quan hệ căng thẳng Mỹ-Iran đang leo thang từ những đợt “sóng ngầm âm ỉ” thành những cuộc khẩu chiến, trừng phạt lẫn nhau. Ngày 26-3, Bộ Ngoại giao Iran công bố áp đặt trừng phạt đối với 15 công ty của Mỹ vì ủng hộ Israel cũng như "các hành động khủng bố" của nước này. 

Theo tuyên bố, các công ty Mỹ nói trên đã cộng tác trực tiếp hoặc gián tiếp với Israel "phạm các tội các ở các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, hậu thuẫn các hành động khủng bố hoặc góp phần mở rộng các khu định cư bất hợp pháp ở các vùng lãnh thổ Palestine". Ngân hàng Iran cũng cho biết sẽ tiến hành các bước nhằm hạn chế các giao dịch bằng đồng USD, hiện chủ yếu liên quan đến hoạt động mua bán dầu mỏ. 


(Ảnh minh họa: AP) 

Quyết định trên chủ yếu mang tính tượng trưng (những công ty này không làm ăn với Iran), được đưa ra 2 ngày sau khi Mỹ tuyên bố các biện pháp trừng phạt một số cá nhân và công ty nước ngoài bị cáo buộc cộng tác với chương trình vũ khí của Iran. Trước đó, ngày 24-3, Washington đã áp đặt trừng phạt 30 công ty nước ngoài và cá nhân vì chuyển giao công nghệ nhạy cảm cho Iran phục vụ chương trình tên lửa của Tehran hoặc vi phạm các quy định kiểm soát xuất khẩu đối với Iran, Triều Tiên và Syria.   

Trong một diễn biến liên quan, ngày 21/3, Mỹ đã lên tiếng cáo buộc Iran sách nhiễu và đe doạ" tàu hải quân nước này khi đi qua Eo biển Hormuz, cảnh báo các sự việc tương tự xảy ra trong tương lai có nguy cơ dẫn đến một cuộc đụng độ vũ trang.

Iran đã thẳng thắn phủ nhận, đồng thời khẳng định các cáo buộc trên "không đúng sự thật, dựa trên thông tin sai lệch hoặc từ các lý do không muốn tiết lộ", và rằng định "Mỹ phải chịu trách nhiệm đối với bất kỳ xáo trộn nào tại Vịnh Persian".

5. Gia tăng căng thẳng quan hệ Trung - Hàn

Những căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc và Hàn Quốc liên quan việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc đã lan sang lĩnh vực kinh tế.


Cảnh vắng vẻ của một cửa hàng bán lẻ Lotte trên đất Trung Quốc. (Ảnh: CNN)

Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) nhận định, Hàn Quốc có thể sẽ thiệt hại khoảng 20 tỷ USD từ những biện pháp trả đũa thương mại của Trung Quốc. Trong đó, kinh doanh hàng miễn thuế và du lịch, hai ngành chính có liên quan chặt chẽ nhất đến lượng du khách Trung Quốc sẽ bị thiệt hại khoảng 11,7 tỷ USD và các ngành khác sẽ thiệt hại tổng cộng 8,3 tỷ USD. Mỹ phẩm cũng là một trong những ngành sẽ bị tổn hại nhiều, dự tính lên tới 1,43 tỷ USD. Phía Hàn Quốc đang cân nhắc khởi kiện Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về vấn đề này. Ngày 30/3, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành động trả đũa kinh tế

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng bị thiệt hại bởi các biện pháp hạn chế thương mại và du lịch của Bắc Kinh khiến vốn đầ tư và du khách Hàn Quốc đến nước này giảm đi đáng kể.

6. Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017: kiên trì thúc đẩy toàn cầu hóa

Với chủ đề “Tương lai toàn cầu hóa và thương mại tự do: Tương lai của châu Á”, ngày 25-3, Diễn đàn thường niên châu Á Bác Ngao 2017 đã chính thức khai mạc tại Bác Ngao, Hải Nam, Trung Quốc. 


Hội thảo về chủ đề toàn cầu hóa tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2017.

Diễn đàn tập trung vào 4 nội dung lớn, gồm toàn cầu hóa, tăng trưởng, cải cách và kinh tế mới. Lãnh đạo 5 quốc gia, hơn 80 quan chức cấp bộ trưởng phụ trách vấn đề kinh tế các nước và đại diện các tổ chức quốc tế, cùng nhiều doanh nhân, học giả đến từ 50 quốc gia và khu vực tham dự diễn đàn. 

Sau 4 ngày làm việc, Diễn đàn đã ra Tuyên bố, nhấn mạnh 6 đề xướng bao gồm: Coi toàn cầu hóa là lực lượng tích cực, tăng cường đối thoại và hợp tác để cải cách và hoàn thiện trật tự kinh tế quốc tế; Chống chủ nghĩa bảo, thúc đẩy tự do hóa đầu tư thương mại, không ngừng cải cách và hoàn thiện cơ chế đầu tư thương mại đa phương; Xây dựng cơ chế thương mại song phương cũng như đa phương rộng mở, bao dung, công bằng và hợp lý; Đẩy mạnh luân chuyển nguồn vốn xuyên quốc gia đối với tăng trưởng kinh tế; Sáng tạo công nghệ và sự luân chuyển xuyên quốc gia của tri thức và thông tin, rút ngắn khoảng cách Nam – Bắc (bán cầu), khoảng cách giàu – nghèo; Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông, kết nối cơ chế, cũng như giao lưu nhân dân./.

Văn Duyên/Báo QĐND (tổng hợp)