Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 17/2/2018 15:46'(GMT+7)

Thế giới tuần qua: Những vấn đề cũ nóng trở lại

1. Lại xả súng đẫm máu tại trường học ở Mỹ

Một đối tượng 19 tuổi bị cáo buộc sát hại ít nhất 17 người tại trường cấp 3 Marjory Stoneman Douglas mình từng theo học ở bang Florida, Mỹ, làm 17 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Cũng giống như nhiều vụ xả súng khác, thủ phạm đã sử dụng một loại súng trường rất phổ biến tại Mỹ là AR- 15, một loại súng bán tự động, song lại hoàn toàn có thể được cải tiến thành một loại súng tự động, mà về mặt lý thuyết thì bị cấm.

Cấp cứu một nạn nhân trong vụ xả súng tại Florida. (Ảnh: newsday.com)

Ngay sau vụ xả súng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi lời chia buồn, cùng cầu nguyện và chia sẻ với những mất mát của các nạn nhân và gia đình của họ; đồng thời khẳng định chính quyền của ông sẽ nỗ lực để cải thiện môi trường an toàn trong các trường học.

Đây là vụ xả súng thứ 8 nhằm vào trường học và là vụ xả súng thứ 18 kể từ đầu năm nay. Cuộc tranh cãi về luật sở hữu súng đạn tiếp tục gây chia rẽ đời sống chính trị và xã hội nước Mỹ.

Tháng 12/2012, sau vụ xả súng nhằm vào ngôi trường Sandy Hook ở thành phố Newtown, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã yêu cầu Quốc hội thông qua một quy định luật pháp nghiêm khắc hơn liên quan tới việc sở hữu các loại vũ khí bán tự động và kiểm tra kỹ lưỡng danh tính cũng như lịch sử người mua. Tuy nhiên các nghị sĩ Cộng hòa, với sự ủng hộ của một số nghị sĩ Dân chủ đã làm thất bại dự luật này. Kể từ đó, không có bất kỳ biện pháp quy mô nào được thông qua ở cấp độ liên bang. 

2. Thêm căng thẳng tranh chấp biên giới Trung-Ấn

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lần đầu tiên quay lại bang tranh chấp Arunachal Pradesh kể từ vụ khủng hoảng tại khu vực Doklam hồi năm ngoái, kéo theo phản ứng từ Trung Quốc.

Bắc Kinh đã lên tiếng phản đối chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ tới Arunachal Pradesh, khu vực mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Nam Tây Tạng.

Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ luôn âm ỉ từ nhiều năm qua. (Ảnh: latimes.com)

Trong những năm gần đây, quan hệ Trung - Ấn đã dần được cải thiện, tuy nhiên vấn đề tranh chấp chủ quyền vẫn chưa thể giải quyết. Thậm chí, hai nước từng rơi vào cuộc chiến biên giới năm 1962. Không có giải pháp nhanh chóng nào cho tranh chấp biên giới kéo dài giữa 2 nước lớn ở châu Á vì hai bên tỏ ra có rất ít động lực để chấp nhận khác biệt và mối quan tâm của nhau. 

Vào mùa hè năm ngoái, binh sĩ Trung - Ấn đã cùng xuất hiện ở cao nguyên tranh chấp Doklam/Đông Lãng trong hơn 2 tháng. Đây là một điểm giao cắt 3 nước Ấn Độ-Trung Quốc-Bhutan.

3. 1/6 số trẻ em trên thế giới sống trong các khu vực xung đột

Theo báo cáo mới đây của tổ chức quốc tế Save the Children (Cứu lấy trẻ em), thế giới hiện có ít nhất 357 triệu trẻ em, chiếm 1/6 số trẻ em trên toàn thế giới, đang phải sống trong các khu vực xung đột.

Trẻ em Syria tại một trại tị nạn ở Batabu ngày 24/1. (Ảnh: TTXVN)

Con số này tăng tới 75% so với hồi đầu những năm 1990, trong đó có những nơi bạo lực đang ở mức đặc biệt nghiêm trọng. 

Các quốc gia có chiến tranh, xung đột kéo dài như Syria, Afghanistan và Somalia là những nơi mang lại nhiều nguy hiểm nhất đối với trẻ em hiện nay. 

Tiến trình đô thị hóa, các cuộc xung đột kéo dài, các trường học, bệnh viện ngày càng trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công đẫm máu... Tất cả những thực tế này đang khiến trẻ em ngày càng chịu nguy hiểm và rủi ro nhiều hơn. 

4. Hội nghị An ninh Munich lần thứ 54

Từ ngày 16 đến 18/2, Hội nghị An ninh lần thứ 54 diễn ra tại Munich (Đức) với sự tham dự của hơn 500 chính khách, các nhà quân sự, khoa học và nhà hoạt động xã hội từ hàng chục quốc gia trên thế giới

Một phiên thảo luận của Hội nghị An ninh Munich. (Ảnh: aa.com.fr)

Những chủ đề trọng tâm của diễn đàn lần này là mối quan hệ của Liên minh châu Âu (EU) với Nga và Hoa Kỳ, các vấn đề an ninh tại châu lục già và tương lai của các nước EU, tình hình Trung Đông, đặc biệt là tình hình an ninh ở Syria, các sáng kiến giải trừ quân bị, an ninh trên bán đảo Triều Tiên... Ngoài ra, các bên cũng hy vọng có thể tìm kiếm giải pháp hữu hiệu cho cuộc khủng hoảng Ukraine.

Một nét mới của sự kiện là Hội nghị An ninh lần thứ 54 này cũng thu hút nhiều nhà lãnh đạo từ Trung Đông, Châu Á và Châu Phi.

Mặc dù trên thực tế không có bất cứ tài liệu nào được ký kết trong khuôn khổ hội nghị, song hoạt động này luôn được coi là một trong những sự kiện an ninh quốc tế quan trọng.

5. Tưng bừng đón năm mới Mậu Tuất

Người dân các quốc gia châu Á và các cộng đồng châu Á khắp thế giới tưng bừng đón năm mới Mậu Tuất 2018.

Ngoài Việt Nam, một số quốc gia châu Á có phong tục đón Tết âm lịch như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mông Cổ, Thái Lan…

Pháo hoa rực trời sáng rực trên sông Hudson ở thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: news.cn)

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã gửi lời chúc năm mới Mậu Tuất: Chó như người canh gác và bạn đồng hành tốt của con người. Loài chó tượng trưng cho sự trung thành và tin tưởng, do đó thúc đẩy sự thống nhất và hợp tác; đó là điều mà thế giới chúng ta cần. Hãy cùng hành động vì hòa bình và sự thịnh vượng toàn cầu!

Rộn ràng và háo hức là tâm trạng của người dân tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á, đang đón Tết Mậu Tuất với ước mong một năm mới yên bình và hạnh phúc. 

6. Bê bối ngoại tình dậy sóng chính trường Australia

Chính trường Australia dậy sóng trước vụ bê bối tình ái giữa Phó thủ tướng Barnaby Joyce và nữ nhân viên Vikki Campion trong thời gian cô này giữ chức trợ lý truyền thông cho ông Joyce. 

Thủ tướng Malcolm Turnbull (trái) và Phó thủ tướng Barnaby Joyce. (Ảnh: news.vinacircle.com)

Tại Australia, không có quy định cấm quan hệ tình ái với đồng nghiệp hay nhân viên cấp dưới. Truyền thông Australia cũng thường tránh đề cập nhiều đến cuộc sống riêng của các chính khách. Sở dĩ vụ ngoại tình của ông Joyce thu hút nhiều sự chú ý hơn những trường hợp chính khách khác là vì ông luôn thể hiện công khai quan điểm cứng rắn về những giá trị bảo thủ.

Vụ bê bối đẩy chính quyền của ông Turnbull vào hỗn loạn và gây căng thẳng cho liên minh đảng Tự do và đảng Quốc gia của ông Joyce.

Ngay sau đó, Thủ tướng Malcolm Turnbull cũng tuyên bố cấm các bộ trưởng có quan hệ tình ái với các cấp dưới của họ.

Văn Hiếu/QĐND (tổng hợp)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất