Chủ Nhật, 24/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 27/1/2018 18:38'(GMT+7)

Thế giới tuần qua: Nỗ lực vì hòa bình, thịnh vượng

Lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược. (Ảnh: VGP)

Lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ nhất trí sẽ tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược. (Ảnh: VGP)

1. ASEAN và Ấn Độ nhất trí đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược.

Ngày 25/1, lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ đã tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN-Ấn Độ tại New Delhi, Ấn Độ.

Với chủ đề “Chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh”, lãnh đạo các nước ASEAN và Ấn Độ đã trao đổi và khẳng định tiếp tục củng cố cơ chế đối thoại các cấp; tăng cường hợp tác và phối hợp trong những vấn đề hòa bình và an ninh khu vực, đấu tranh chống khủng bố, cực đoan và các loại tội phạm xuyên quốc gia.

Về kinh tế, hai bên tiếp tục đẩy mạnh quan hệ kinh tế-thương mại, hợp tác hàng hải, hàng không, công nghệ thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tăng cường giao lưu doanh nghiệp….

Về văn hóa-xã hội, hai bên sẽ gia tăng hợp tác trong các lĩnh vực: Bảo tồn di sản, du lịch văn hóa, tâm linh, giáo dục-đào tạo, phát triển năng lượng mặt trời, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học…

Trong phiên họp hẹp về “Hợp tác và an ninh biển”, các nước nhất trí coi hợp tác biển là một trong những trọng tâm trong mối quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ thời gian tới.

Hai bên cam kết tiếp tục đề cao thượng tôn pháp luật và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; ngăn ngừa và xử lý tai nạn, sự cố và phối hợp tìm kiếm cứu hộ trên biển; tăng cường kết nối hàng hải; bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển….

Các Nhà Lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ cũng khẳng định ủng hộ việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và trông đợi Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) sớm được hoàn tất. 

2. Hòa đàm Syria đang ở thời điểm then chốt.

Ngày 25/1, cuộc hòa đàm mới do Liên hợp quốc (LHQ) làm trung gian giữa Chính phủ Syria và phe đối lập đã diễn ra tại Vienna (Áo).

Phiên hòa đàm Syria ở Astana (Kazakhstan) vào đầu năm 2017. (Ảnh: New York Times)

Vòng đối thoại mới kéo dài 2 ngày nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến bản hiến pháp mới, sau khi các vòng hòa đàm trước đã thảo luận về các cuộc bầu cử mới, cải tổ bộ máy quản lý và cuộc chiến chống khủng bố. Đặc phái viên của LHQ về Syria Staffan de Mistura cho biết "đây là một thời điểm rất then chốt" và bày tỏ hy vọng vòng hòa đàm này sẽ đạt đột phá. 

Năm 2017, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã tổ chức 8 cuộc đàm phán về Syria tại Astana (Kazakhstan) và đã đạt nhiều kết quả khả quan, như nhất trí về các vùng "giảm xung đột" ở miền Tây Syria, nơi cả 3 nước này có ảnh hưởng khá lớn.

Cũng về vấn đề hòa bình cho Syria, Đại hội Đối thoại dân tộc Syria ở Sochi (Nga) dự kiến sẽ diễn ra tại trong 2 ngày 29 và 30-1 tới. Sáng kiến này do Nga đề xuất, nhận được sự ủng hộ của phương Tây và một số nước Arab. Đặc phái viên Mistura đã công nhận tính hợp pháp của Đại hội Đối thoại dân tộc Syria ở Sochi.  

3. Diễn đàn Davos 2018: “Tạo dựng tương lai chung trong một thế giới bị chia rẽ”.

Ngày 23/1, Hội nghị thường niên lần thứ 48 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Davos) đã khai mạc tại Davos, Thụy Sĩ, thu hút hơn 3.000 đại biểu tham dự.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự phiên khai mạc toàn thể WEF Davos 2018. (Ảnh: VGP)

Với chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong một thế giới bị chia rẽ”, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi biến năm 2018 thành năm của hợp tác đa phương nhằm giải quyết những thách thức quan trọng mang tính toàn cầu. 

Nhiều vấn đề nổi cộm được bàn thảo tại hội nghị như: Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự trỗi dậy của trí thông minh nhân tạo đối với thị trường lao động, sự gia tăng của tình trạng phân hóa giàu-nghèo, bất bình đẳng giới, vấn đề biến đổi khí hậu và các mối đe dọa an ninh như khủng bố.

Ngoài ra, các vấn đề như xung đột địa-chính trị leo thang hay môi trường năng lượng mới dự kiến cũng được đưa vào chương trình nghị sự. 

4. Các nước nhất trí về thỏa thuận CPTPP sửa đổi. 

Ngày 23/1, 11 nước, trong đó có Việt Nam đã đạt được nhất trí về nội dung sửa đổi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - thỏa thuận thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sẽ ký kết thỏa thuận này tại vòng đàm phán tiếp theo ở Chile vào tháng 3 tới. 

Hội nghị họp bàn về TPP tháng 11-2017 tại Đà Nẵng. (Ảnh: Dân Trí)

Tại Hội nghị diễn ra ở Tokyo, Nhật Bản, các nước đã nhất trí thông qua ba nội dung sửa đổi trong CPTPP liên quan văn hóa, ô tô và đình chỉ một số điều khoản về bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ.

Các nước thành viên CPTPP đã nhất trí sẽ tạm thời đóng băng tổng cộng 22 điều khoản, trong đó có các điều khoản về cấm các biện pháp đãi ngộ với các doanh nghiệp quốc doanh và điều khoản liên quan đến thủ tục giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực lao động.

Sau khi Mỹ rút khỏi TPP vào cuối năm 2017, 11 nước thành viên còn lại đã nỗ lực hồi sinh thỏa thuận này, nhằm mở ra những cơ hội thương mại và đầu tư mới cho các nước thành viên.

5. Triều Tiên và Hàn Quốc tiếp tục có nhiều động thái tích cực. 

Sau khi hai miền Triều Tiên nhất trí về việc Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng tới, căng thẳng trong khu vực đã dịu đi. Ngày 25-1, các vận động viên khúc côn cầu trên băng Triều Tiên và nhóm tiền trạm đã đến Seoul, Hàn Quốc.

Từ Hàn Quốc, nhìn xuyên qua hàng rào thép gai, về phía bắc tại khu phi quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. (Ảnh: Reuters)

Trước đó, ngày 21/1 một đội tiền trạm của Triều Tiên đã tới Hàn Quốc để kiểm tra các địa điểm trình diễn nghệ thuật. Bình Nhưỡng cũng chấp thuận đề xuất của phía Hàn Quốc cử một đội tiền trạm đến khu trượt tuyết của Triều Tiên để tham gia huấn luyện chung. Các chuyến đi này nhằm chuẩn bị cho Olympic mùa Đông PyeongChang 2018.

Trong một diễn biến khác, ngày 25/1, Triều Tiên đã gửi đi thông điệp mới đầy thiện chí, kêu gọi "mọi người dân Triều Tiên trong và ngoài nước" cần tạo một "bước đột phá" trong việc thống nhất 2 miền mà không cần sự trợ giúp của các nước bên ngoài. 

Thông báo được Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải đã kêu gọi mọi người Triều Tiên cần "thúc đẩy tiếp xúc, đi lại và hợp tác giữa hai miền", dù khẳng định Bình Nhưỡng sẽ "đập tan" mọi trở ngại ngăn cản nỗ lực tái thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.

6. Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ lên kế hoạch thiết lập vùng an toàn tại Syria.

Ngày 25/1, chỉ huy quân đội Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận về khả năng thiết lập một "vùng an toàn" lên tới 30km, dọc biên giới Syria trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự tại khu vực này. 

Thổ Nhĩ Kỳ điều quân tấn công người Kurd tại Afrin (Syria). (Ảnh: RT)

Trước đó, ngày 20/1, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch quân sự mang tên "Nhành Ô liu" nhằm đánh bật lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại tỉnh Afrin, miền Bắc Syria, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara tuyên bố đây là chiến dịch nhằm tiêu diệt các phần tử khủng bố, song vấn đề này đã gây căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước đồng minh phương Tây trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhất là Mỹ, nước ủng hộ YPG trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Một số nước thành viên NATO lo ngại hành động này của Ankara có thể ảnh hưởng tới cuộc chiến chống các phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Syria. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cũng đã nhóm họp, song không lên án hay yêu cầu Ankara chấm dứt chiến dịch quân sự này. 

Đến nay, bất chấp sự phản đối của Chính phủ Syria, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khẳng định mục đích của chiến dịch này là tiêu diệt các phần tử khủng bố và Ankara "không bao giờ có ý định" xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

7. Khoảng 22 triệu người Yemen đang cần viện trợ nhân đạo.

Ngày 23/1, điều phối viên phụ trách hoạt động cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc (LHQ), ông Mark Lowcock cho biết tình hình nhân đạo tại Yemen đang diễn biến ngày một tồi tệ khi hiện có khoảng 22,2 triệu người cần được trợ giúp, tăng 3,4 triệu người so với năm ngoái. 

Trẻ em Yemen bị suy dinh dưỡng điều trị tại bệnh viện ở Sanaa. (Nguồn: THX/TTXVN)

Khoảng 11,3 triệu trẻ em ở Yemen, tức gần như toàn bộ trẻ em tại nước này đang "cần hỗ trợ khẩn cấp để sống sót". Gần 2 triệu trẻ không được đến trường, 1,8 triệu em dưới 5 tuổi thiếu ăn, trong đó 400.000 em bị suy dinh dưỡng nặng và sẽ chết nếu không có thuốc chữa bệnh.

Trong khi đó, gần 2.200 người đã tử vong vì dịch tả do các điều kiện vệ sinh xuống cấp; khoảng 5.000 trường hợp mắc bệnh được ghi nhận mỗi ngày; khoảng 8,4 triệu người đang đứng trước nguy cơ thiếu ăn.

Văn Duyên/QĐND (tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất