Trong một thông cáo báo chí, ông Stoltenberg cho biết tất cả các quốc
gia đều có quyền tự vệ với điều kiện hành động này phải được thực hiện
một cách cân xứng và có kiểm soát.
Tuy nhiên, hành động của Ankara đã khiến một số nước thành viên NATO lo
sợ rằng cuộc chiến chống những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Syria
có thể bị ảnh hưởng.
Ông Stoltenberg tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo cho các đồng minh NATO
trong tuần này về chiến dịch quân sự tại miền Bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ là
một trong những nước thành viên NATO phải gánh chịu nhiều nhất các hậu
quả của nạn khủng bố.
Ngày 20/1, Lực lượng Vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) chính thức bắt đầu chiến
dịch quân sự mang tên "Cành ô liu" trong khu vực Afrin, miền Bắc Syria,
tiến hành các cuộc không kích và pháo kích dữ dội vào chiến tuyến của
lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG).
Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG là một nhóm khủng bố có quan hệ với đảng Công nhân
người Kurd (PKK), đã bị chính quyền Ankara đặt ra ngoài vòng pháp luật.
PKK nằm trong danh sách đen của Thổ Nhĩ Kỳ và các nước đồng minh phương
Tây.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố lợi ích về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ
sẽ được xem xét trong các giải pháp cho cuộc xung đột tại miền Bắc Syria
hiện nay. Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel, hiện không
thể trả lời cho câu hỏi liệu cuộc khủng hoảng hiện nay có thể giải quyết
bằng biện pháp chính trị hay không.
Ông Gabriel nhấn mạnh: "Cùng với Pháp, chúng tôi đảm bảo rằng sẽ tính
đến các lợi ích an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, các giải pháp chính
trị chỉ có thể tính đến khi các cuộc xung đột vũ trang ngừng lại. Tôi đã
nhắc lại điều này nhiều lần với phía Thổ Nhĩ Kỳ"./.
Theo TTXVN