1. Đàm phán thương mại Mỹ - Trung kết thúc không có đột phá

Tiếp tục các nỗ lực giải quyết tranh chấp thương mại song phương, ngày 14-2, Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu vòng đàm phán thương mại cấp cao mới tại Bắc Kinh. Cả Bắc Kinh và Washington đều nhận định đàm phán đã đạt được “tiến bộ”, nhưng kết thúc hội nghị không có tuyên bố nào được đưa ra.  

Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters  

Nhà Trắng cho biết, Mỹ hướng các cuộc thảo luận tập trung vào các vấn đề mang tính cấu trúc liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, nông nghiệp, dịch vụ, hàng rào phi thuế quan và tiền tệ. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về cam kết của Trung Quốc tăng cường mua hàng hóa và dịch vụ Mỹ nhằm cân bằng cán cân thương mại song phương. 

Tại cuộc đàm phán lần này, hai bên đã đạt được nhận thức chung mang tính nguyên tắc về những vấn đề chính, đồng thời trao đổi cụ thể về việc ký kết Bản ghi nhớ trong vấn đề thương mại song phương. Hai bên bày tỏ sẽ tăng cường làm việc, cố gắng đạt được sự đồng thuận trong thời gian đàm phán do nguyên thủ hai nước xác định. Trung Quốc và Mỹ đã đồng ý tiếp tục đàm phán thương mại vào tuần tới ở Washington.

Tháng 12-2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đạt thỏa thuận "đình chiến thương mại" trong 90 ngày, theo đó Mỹ hoãn tăng thuế từ 10% lên 25% đối với hàng hóa từ Trung Quốc với giá trị 200 tỷ USD để hai bên tiếp tục đàm phán. Thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực vào ngày 1-3 tới.

2. Vẫn còn nhiều thách thức cho sự thịnh vượng ở châu Phi

Ngày 10-2, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 32 với chủ đề "Người tị nạn, người hồi hương và người tha hương, hướng tới giải pháp bền vững cho vấn đề di tản ở châu Phi" đã khai mạc tại trụ sở của AU ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

Diễn ra trong hai ngày, Chương trình nghị sự hàng đầu của hội nghị thượng đỉnh AU lần này bao gồm các vấn đề liên quan tới người tị nạn và tha hương bắt buộc, cũng như cuộc cải cách đang diễn ra của AU, hòa bình và an ninh trong khu vực.

Các nhà lãnh đạo dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 32. Nguồn: aljazeera.com

Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi - chủ tịch luân phiên AU năm 2019, nhấn mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của AU trong năm 2019 sẽ là giải quyết tình trạng tha hương vì đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nghèo đói, bất ổn về an ninh và kinh tế tại châu lục. Theo thống kê, thiên tai, đói nghèo và xung đột đã đẩy khoảng hơn 20 triệu người dân châu Phi phải rời bỏ nhà cửa. Châu Phi chiếm 6 trên 10 quốc gia có số lượng người dân chịu cảnh tha hương khổ cực nhất thế giới. Châu Phi cũng là nơi tiếp nhận gần 1/3 số người tị nạn và người tha hương trên thế giới.

Châu Phi là lục địa có nhiều quốc gia nghèo nhất thế giới, riêng khu vực phía Nam sa mạc Sahara vẫn là nơi tập trung nhiều người nghèo cùng cực nhất thế giới, cứ 4 người thì có 1 người bị đói. Khoảng 224 triệu người trên toàn châu Phi đang bị suy dinh dưỡng, trong đó có 59 triệu trẻ em.

Bên cạnh đó, xung đột, chiến tranh và khủng bố đang trở thành "hung thần" dẫn tới cảnh loạn lạc ở châu Phi. Đặc biệt, nhiều phần tử thánh chiến thuộc tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã chạy khỏi Syria và Iraq tới sinh sống tại khu vực Sahel. Cùng với các nhóm khủng bố khác tại nơi đây như al-Qaida, al-Shabab và Boko Haram, tình trạng bất ổn an ninh tại châu Phi được dự báo có thể là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng mới về người di cư từ châu Phi sang châu Âu. 

3. Hội nghị thượng đỉnh Nga-Thổ Nhĩ kỳ-Iran - Thêm xung lực cho hòa bình Syria

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư giữa nguyên thủ các nước Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ, hay còn gọi là nhóm "Bộ ba" Astana về giải pháp cho cuộc xung đột tại Syria đã kết thúc ngày 14-2 tại khu nghỉ dưỡng Sochi, với việc ra tuyên bố chung gồm 17 điểm đề cập một loạt nội dung quan trọng trong tiến trình hòa bình Syria.

Nhà lãnh đạo ba nước Nga-Thổ Nhĩ kỳ-Iran. Ảnh: Reuters

Mục tiêu chính của hội nghị này là bàn về việc thành lập Ủy ban soạn thảo hiến pháp thời hậu chiến cho Syria và giải quyết dứt điểm tình hình ở Idlid, nơi các nhóm khủng bố còn chiếm đóng. Hội nghị đã khẳng định quyết tâm tiếp tục hợp tác nhằm loại bỏ hoàn toàn các tổ chức khủng bố như tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS), Jabat an-Nusra và tất cả các băng nhóm, tổ chức có liên quan đến Al-Qaeda và IS như Hayat Tahrir ash-Sham (HTS).

Ba nước Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ cũng bác bỏ mọi mưu toan tạo ra "thực tế mới trên thực địa" với cái cớ đấu tranh chống khủng bố hòng gây tổn hại chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Ba nước đã nhất trí đẩy mạnh việc “phân tách” các nhóm cực đoan, khủng bố ra khỏi dân thường Syria để tạo điều kiện cho việc duy trì lệnh ngừng bắn.

Về vấn đề nhân đạo, các bên nhất trí tiếp tục trợ giúp người dân Syria khôi phục cuộc sống bình thường, tạo điều kiện để những người tị nạn/di dân Syria trở về nơi họ từng sinh sống một cách an toàn và tự nguyện.

Lãnh đạo ba nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran coi kế hoạch của Mỹ rút quân khỏi Syria là một "bước đi tích cực giúp ổn định tình hình tại khu vực này"; đồng thời nhất trí về một giải pháp lâu dài giải quyết cuộc khủng hoảng Syria trên cơ sở chính trị - ngoại giao, trước hết là Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như đảm bảo sự thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

4. Hội nghị Thượng đỉnh về hòa bình và an ninh Trung Đông – Mỹ tái định hình chính sách Trung Đông.

Tối 13-2, Hội nghị Thượng đỉnh về hòa bình và an ninh ở Trung Đông đã khai mạc tại Warsaw, Ba Lan với sự tham dự của các đại diện tới từ 60 nước. Trong bối cảnh tình hình Trung Đông đang diễn biến khó lường sau một loạt "nước cờ" bất ngờ của Mỹ tại "điểm nóng" này, hội nghị được ví như “sân khấu” mà Washington tiếp tục tận dụng để tái khẳng định cam kết chiến lược với khu vực và trấn an các đồng minh.

Hội nghị hòa bình tại Ba Lan theo sáng kiến của Mỹ được cho là sẽ làm rõ hơn “tầm nhìn thế kỷ” của Mỹ tại Trung Đông. Ảnh: AP

Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu thảo luận các vấn đề chính như xung đột tại Trung Đông, Syria và Yemen, các vấn đề nhân đạo trong khu vực, việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và các mối đe dọa lai, cũng như an ninh năng lượng.

Các chuyên gia nhận định, Hội nghị tại Vácsava lần này còn là cơ hội để Mỹ cô lập Iran. Có tới 20 nước phản đối không tham dự hội nghị, trong đó có Đức và Pháp, bởi những căng thẳng giữa với Mỹ xung quanh vấn đề Iran. Nga - nước tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 tất nhiên cũng không có mặt tại Hội nghị và đang lên kế hoạch về một hội nghị hòa bình Trung Đông khác. Một số quốc gia quan trọng ở Trung Đông như Qatar, Liban, Iran hay cả đồng minh của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ cũng tẩy chay hội nghị. Dù ủng hộ Mỹ trong vấn đề “kiềm chế” ảnh hưởng của Iran, song đồng minh quan trọng hàng đầu của Washington tại Trung Đông là Saudi Arabia lại công khai bày tỏ quan điểm trái với Mỹ trong vấn đề Palestine.

5. Viễn cảnh Brexit không thỏa thuận gây nên "cú sốc kinh tế" toàn cầu 

Theo kế hoạch, ngày 29-3 tới, Anh sẽ rời Liên minh châu Âu (EU)-Brexit, tuy nhiên cho đến nay cả EU và Quốc hội Anh vẫn chưa chấp nhận một thỏa thuận ra đi nào cho việc ra đi này. Điều này đang làm dấy lên những quan ngại về viễn cảnh Brexit không thỏa thuận và nguy cơ gây nên "cú sốc kinh tế" toàn cầu.

Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Mark Carney cho biết, tăng trưởng kinh tế đã giảm tại tất cả các vùng kể từ năm 2016 sau khi đạt được mức tăng đỉnh điểm là 4%. Ông đưa ra cảnh báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang ngày một chậm lại, gia tăng căng thẳng thương mại sẽ xảy ra trên thế giới. Theo ước tính của BoE, nếu GDP của Trung Quốc giảm 3%, hoạt động kinh tế toàn cầu giảm 1%, trong đó các nước Anh, Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu có mức giảm 0,5% GDP. Ông Carney cho biết với mức tăng thuế thêm 10% giữa Mỹ và các đối tác thương mại của nước này sẽ khiến Washington giảm  2,5% sản lượng và 1% của sản lượng chung toàn cầu.

Còn đối với Anh, kế hoạch Brexit đã gây ra những hậu quả đáng kể. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS) của Anh vừa công bố cho thấy nền kinh tế Anh trong năm 2018 tăng trưởng ở mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Anh trong năm nay từ mức 1,7% xuống 1,2% do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và ảnh hưởng của Brexit.  

THANH SƠN/QĐND (tổng hợp)