Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 16/3/2019 10:14'(GMT+7)

Thế giới tuần qua: Tiến trình dai dẳng

1. NƯỚC ANH VẬT LỘN VỚI BREXIT

Ngày 14/3, sau khi bỏ phiếu loại phương án Brexit mà không có thỏa thuận, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu thông qua đề xuất của chính phủ, theo đó gia hạn điều khoản 50 và ủng hộ việc đề nghị EU trì hoãn Brexit đến sau ngày 29/3. Ngoài ra, các nghị sĩ Anh cũng phản đối đề xuất trì hoãn Brexit để tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ 2.

Thế giới tuần qua: Tiến trình dai dẳng
                                                                (Ảnh minh họa: Daily Express)                                                            

Phản ứng trước động thái trên của Quốc hội Anh, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết nước Anh sẽ phải chứng minh mọi yêu cầu trì hoãn Brexit dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3 này. Yêu cầu gia hạn Điều 50 đòi hỏi phải có sự nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên. Hội đồng các nhà lãnh đạo EU sẽ xem xét một yêu cầu như vậy trên cơ sở ưu tiên đảm bảo hoạt động của các tổ chức thuộc EU, có tính đến các lý do cùng một thời gian gia hạn phù hợp nếu kịch bản này xảy ra. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, cho rằng Anh cần phải làm rõ lý do và mục đích kéo dài thời hạn Brexit, đồng thời khẳng định rằng EU sẽ không đưa ra thêm bất kỳ đề xuất nào với Anh, ngoại trừ thỏa thuận đã đạt được trước đó.

Với kết quả bỏ phiếu này, rất nhiều phương án đã được vạch ra. Nếu như kế hoạch Brexit của Thủ tướng May đem ra bỏ phiếu lại vào ngày 20/3 lại thất bại thì Chính phủ sẽ phải tìm cách để thỏa thuận với EU về việc gia hạn ngày kích hoạt điều khoản 50 sau ngày 29/3. Nếu như kế hoạch Brexit của Thủ tướng được thông qua vào ngày 20/3 thì sau đó nước Anh sẽ xin lùi ngày rời EU đến ngày 30/6 để có thời gian chuẩn bị các thủ tục mang tính kỹ thuật. Nếu như kế hoạch Brexit thất bại thì thời hạn Anh xin EU lùi lại sẽ lâu hơn, và Anh sẽ vẫn tham gia vào các cuộc bầu cử nghị viện châu Âu sắp tới.

2. TAI NẠN HÀNG  KHÔNG THẢM KHỐC TẠI ETHIOPIA

Ngày 10/3, một vụ tai nạn hàng không thảm khốc đã xảy ra trên lãnh thổ Ethiopia khi chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 của Hãng hàng không Ethiopian Airlines đang trên đường từ Ethiopia đến Kenya đã bị rơi. Toàn bộ 157 người gồm hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng.

Thế giới tuần qua: Tiến trình dai dẳng

                           Những mảnh vỡ máy bay vương vãi tại hiện trường bi kịch. (Ảnh: Reuters)                            

Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ tai nạn. Tuy nhiên, trang web flightradar24 của Thụy Điển chuyên theo dõi các chuyến bay công bố dữ liệu cho biết, tốc độ thẳng đứng của máy bay Boeing 737 MAX 8 đã không ổn định sau khi cất cánh.

Đây là vụ tai nạn lớn thứ hai liên quan tới Boeing 737 MAX 8 trong vòng chưa đầy 5 tháng. Trước đó, ngày 29/10/2018, chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Lion Air (Indonesia) đã rơi xuống biển Java, chỉ 12 phút sau khi cất cánh. Toàn bộ 189 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay mang số hiệu 610 đã thiệt mạng trong tai nạn.

Làn sóng “tẩy chay” 737 MAX lan rộng trên toàn cầu sau tai nạn thảm khốc tại Ethiopia. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên cấm khai thác dòng 737 MAX đối với các chuyến bay nội địa. Tiếp đó, New Zealand, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Australia, tất cả nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Indonesia, Malaysia, Namibia, Oman, Singapore… cùng hàng chục hãng hàng không trên thế giới quyết định ngừng khai thác máy bay 737 MAX. EU còn cấm máy 737 MAX bay qua không phận hay đỗ xuống các sân bay của khối. Ước tính gần 75% trong tổng số 371 máy bay 737 MAX đang hoạt động trên toàn thế giới tạm "đắp chiếu".

3. KHỦNG BỐ ĐẪM MÁU TẠI NEW ZEALAND

Ngày 15/3, tại vùng Chrischurch, New Zealand đã xảy ra vụ xả súng làm 49 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Thế giới tuần qua: Tiến trình dai dẳng

                                Cảnh sát đưa người bị thương sau vụ xả súng đi cấp cứu. (Ảnh: AP)                                

Truyền thông đưa tin ít nhất 2 kẻ tấn công đã xả súng vào 2 đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch. Một đối tượng mặc quân phục mang theo khẩu súng tự động đã nã đạn vào đền thờ Masjid Al Noor trong lễ cầu nguyện buổi chiều. Một vụ xả súng khác xảy ra tại đền thờ ở Linwood Masjid. Kẻ xả súng là phần tử cực đoan quá khích theo đường lối cánh hữu, sinh ra tại Australia. AFP đưa tin đối tượng này thậm chí đã đăng một bản tuyên truyền cực đoan lên trang Twitter với nội dung nêu rõ động cơ thực hiện vụ tấn công và phát trực tiếp hình ảnh vụ tấn công trên tài khoản Facebook. 

Cảnh sát New Zealand cho biết đã bắt giữ 4 đối tượng gồm 3 người đàn ông và một phụ nữ. Hiện lực lượng an ninh đang nỗ lực kiểm soát tình hình, song vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ rất cao. Cảnh sát cảnh báo cộng đồng người Hồi giáo không nên tới bất kỳ đền thờ nào tại New Zealand trong tình hình hiện nay.

Chrischurch là một thành phố có cộng đồng Hồi giáo đông đảo tại New Zealand, chủ yếu là các du học sinh nước đến từ Indonesia, Malyasia, Afghanistan và Bangladesh. 

4. FACEBOOK BỊ ĐIỀU TRA HÌNH SỰ VỀ THỎA THUẬN CHIA SẺ DỮ LIỆU KHÁCH HÀNG

Facebook đang trải qua thời điểm tồi tệ khi các công tố viên Mỹ mở cuộc điều tra hình sự về các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu khách hàng giữa công ty chủ quản của trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này với các nhà sản xuất thiết bị thông minh mà không thông báo cho người dùng.

Thế giới tuần qua: Tiến trình dai dẳng

                                                       Biểu tượng Facebook. (Ảnh: EPA/TTXVN)                                                   

Đã có ít nhất hai tập đoàn sản xuất điện thoại thông minh được cho là có các thỏa thuận ngầm với Facebook lọt vào "tầm ngắm" của các điều tra viên. Mục đích cuộc điều tra là làm rõ liệu Facebook có thông báo với người sử dụng về điều này hay không. Ngoài ra, các cuộc điều tra cũng nhằm làm hơn rõ việc Facebook cho phép công ty tư vấn Cambridge Analytica của Anh tiếp cận dữ liệu của 87 triệu khách hàng để phục vụ chiến dịch tranh cử tổng thống của tỷ phú Donald Trump hồi năm 2016.

Đây là sự kiện mới nhất trong chuỗi tranh cãi pháp lý mà mạng xã hội khổng lồ này đang phải đối mặt. Ngoài ra, Facebook đang hứng chịu vụ kiện và điều tra về bảo vệ quyền riêng tư của Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ, Ủy ban hối đoái và chứng khoán Mỹ.

5. MỸ, EU VÀ CANADA ÁP ĐẶT CÁC BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT MỚI VỚI NGA

Quan hệ Nga - phương Tây tiếp tục có diễn biến căng thẳng mới khi ngày 15/3, Mỹ cùng với Liên minh châu Âu (EU) và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các quan chức và doanh nghiệp Nga nhằm đáp trả những hành động của Nga liên quan tới UKraine.  

Thế giới tuần qua: Tiến trình dai dẳng
                                Tàu thuyền đi qua eo biển Kerch ngày 26/11/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)                            

Theo thông báo, 4 trong số 6 cá nhân bị  Mỹ, EU và Canada trừng phạt là các quan chức thuộc lực lượng bảo vệ biên giới hoặc bảo vệ bờ biển của Nga do có vai trò trong vụ đụng độ giữa tàu chiến của Nga và Ukraine ngày 25/11/2018 tại eo biển Kerch. Trong 6 công ty quốc phòng bị trừng phạt có công ty đóng tàu hàng đầu của Nga là Zelenodolsk, công ty sản xuất thiết bị Okeanpribor, công ty cung cấp động cơ diesel cho quân đội Nga Zvezda, và công ty cung cấp linh kiện điện tử cho quân đội Fiolent. Theo các lệnh trừng phạt của Mỹ, tất cả các tài sản và các lợi ích từ tài sản thuộc các cá nhân và thực thể bị chỉ định sẽ bị phong tỏa. Bên cạnh đó, các công dân Mỹ bị cấm giao dịch với những người trong danh sách trừng phạt. 

Cùng ngày, Canada thông báo các lệnh trừng phạt nhằm vào 115 người và 15 thực thể của Nga nhằm đáp trả vụ việc xảy ra ở eo biển Kerch, trong khi Liên minh châu Âu thông báo quyết định trừng phạt thêm 8 người Nga khác.  

6. HY VỌNG CHẤM DỨT NỘI CHIẾN Ở YEMEN

Hy vọng chấm dứt cuộc nội chiến ở Yemen được nhen nhóm khi ngày 13/3, Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết chấm dứt sự hỗ trợ của Mỹ cho liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu trong cuộc chiến tại Yemen. Trước đó Hạ viện Mỹ cũng đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết này.

Thế giới tuần qua: Tiến trình dai dẳng

                                       Hậu quả của nội chiến Yemen. (Ảnh: Global Risk Insights)                                         

Với 54 phiếu ủng hộ và 46 phiếu chống, nghị quyết yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump "phải rút Các lực lượng vũ trang Mỹ khỏi tình trạng đối đầu hoặc tác động đến Yemen trong vòng 30 ngày".

Các nghị sĩ ủng hộ nghị quyết này cho rằng Chính phủ Saudi Arabia đã vượt qua giới hạn trong cuộc chiến tại Yemen khi chiến dịch quân sự do Riyadh tiến hành đã khiến số dân thường thiện mạng trong năm nay cao hơn bất kỳ năm nào trước thời điểm diễn ra cuộc chiến này. Theo số liệu của Liên hợp quốc, từ năm 2015 đến nay, đã có khoảng 10.000 người - chủ yếu là dân thường- thiệt mạng trong các chiến dịch quân sự của liên quân Arab tại Yemen.

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi bùng phát xung đột giữa phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh với các lực lượng ủng hộ chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi được quốc tế công nhận. Tháng 3-2015, liên minh quân sự các quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi, khiến cho xung đột leo thang./.

Thanh Sơn/qdnd.vn (tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất