Các cuộc đụng độ đã khiến 37 người thiệt mạng, 135 người bị thương và khoảng 20.000 dân thường rơi vào cảnh thiếu nhiên liệu sưởi ấm và nước sinh hoạt. Cả quân đội Ukraine và lực lượng đòi độc lập tại Donbass đều chịu những “tổn thất nặng nề”. Chính quyền đã ban bố tình trạng khẩn cấp và sẵn sàng sơ tán người dân khỏi khu vực xung đột.
Phe nổi dậy và lực lượng Chính phủ Ukraine đều đổ lỗi cho nhau khơi mào các đợt giao tranh. Trong khi đó, Nga đã lên tiếng chỉ trích Ukraine làm leo thang căng thẳng tại Donbass; đồng thời kêu gọi các cường quốc châu Âu cần phải tăng sức ép đối với Kiev để lệnh ngừng bắn được tuân thủ triệt để.
Ngày 3-2, các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã ghi nhận các xe tăng và pháo binh của quân đội Ukraine đã xuất hiện tại vùng xung đột Avdeevka. Phía Ukraine cũng đã xác nhận động thái này.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ quan ngại sâu sắc về làn sóng giao tranh mới ở miền Đông Ukraine, đồng thời kêu gọi các bên tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn.
Thỏa thuận ngừng bắn Minsk đã được thực thi ở Donbass từ năm 2015, song liên tục bị cả hai phía vi phạm, trong khi nhiều điều khoản trong văn bản này cho tới nay cũng chưa được thực thi. Theo số liệu của Liên hợp quốc, cuộc xung đột kéo dài hơn 2 năm qua ở Ukraine đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10.000 người, trong đó hơn một nửa là dân thường.
2. Đa số người dân Mỹ không hài lòng với cách thức điều hành công việc của Tổng thống Trump
Người Hồi giáo lo sợ tại sân bay quốc tế John F. Kennedy, New York trước lệnh cấm nhập cư vào Mỹ của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Ngày 29-1, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung bên ngoài Nhà Trắng, trong khi các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra tại nhiều thành phố và sân bay trên khắp nước Mỹ sau khi tân Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành chính cấm nhập cảnh tạm thời đối với tất cả người tị nạn và công dân 7 nước Trung Đông và Bắc Phi, bao gồm Syria, Iraq, Iran, Somalia, Libya, Sudan và Yemen.
Người biểu tình mang theo những biểu ngữ như "Cấm Trump", "Hoan nghênh người tị nạn", đồng thời hô vang các khẩu hiệu phản đối phân biệt đối xử với người nhập cư.
Sắc lệnh hành chính của Tổng thống Trump cấm người nhập cư cũng gây ra phản ứng ngay trong chính giới Mỹ. Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ John McCain cho rằng, quyết định này của Tổng thống Donald Trump là "khó hiểu" và đặt ra nhiều câu hỏi. Trong khi đó, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho rằng Mỹ "cần thận trọng" khi thực hiện sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump. Thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer thì cho biết, phe Dân chủ đang cân nhắc đưa ra hành động pháp lý để lật ngược sắc lệnh này.
Bên cạnh đó, đại diện ngành tư pháp của 16 bang của Mỹ cũng chỉ trích quyết định của Tổng thống Trăm, coi sắc lệnh hành pháp trên là vi hiến, trái pháp luật và đi ngược lại giá trị của người Mỹ. Một số tiểu bang Mỹ như Masachusetts, New York và Virgirnia đã lên tiếng sẽ kiện Tổng thống Trump về vụ cấm nhập cảnh đối với một số công dân các nước Hồi giáo.
Nhiều nước trên thế giới đã bày tỏ sự bất bình và quan ngại đối với sắc lệnh cấm người nhập cư này của ông Trump .
3. Quan hệ Mỹ - Iran căng thẳng trở lại khi Mỹ tuyên bố "chính thức đưa Iran vào diện phải để ý".
Hình ảnh một vụ thử tên lửa đạn đạo của Iran. Ảnh: Reuters
Chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran. Cụ thể, 8 thực thể Iran bị cáo buộc có các hành vi liên quan tới khủng bố và khoảng 17 thực thể liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo sẽ bị đưa vào danh sách trừng phạt theo quyền hành pháp của tổng thống.
Động thái trên của Mỹ được đưa ra sau cáo buộc của các quan chức ngoại giao nước này về việc Iran tiến hành vụ phóng thử tên lửa đạn đạo vào ngày 29-1. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan đã lên tiếng xác nhận nước này đã thử một tên lửa đạn đạo, tuy nhiên khẳng định hành động trên không vi phạm thỏa thuận hạt nhân đã ký với các cường quốc hồi năm 2015.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Zarif cảnh báo Mỹ không nên lợi dụng các vấn đề liên quan đến quốc phòng của Iran làm cớ để “gây ra những căng thẳng mới". Ông Ali Akbar Velayati, Cố vấn hàng đầu của lãnh tụ tinh thần tối cao Iran - Đại giáo chủ Ali Khamenei khẳng định, Iran sẽ không khuất phục trước những đe dọa của Mỹ về kiềm chế năng lực phòng thủ của Tehran.
Những căng thẳng giữa hai quốc gia này vốn âm ỉ trong suốt thời gian qua từ khi tân Tổng thống Donald Trump trong quá trình tranh cử đã chỉ trích gay gắt thỏa thuận hạt nhân đạt được dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, đồng thời tuyên bố sẵn sàng hủy thỏa thuận trên.
HĐBA LHQ đã tiến hành họp khẩn theo yêu cầu của Mỹ, tuy nhiên, cuộc họp kết thúc mà không đưa ra tuyên bố về vấn đề này.
4. Triển vọng về giải pháp hai nhà nước tại Bờ Tây đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ, khi ngày 31-1, Israel thông báo kế hoạch xây dựng thêm 3.000 nhà định cư Do Thái tại khu vực này.
Công trường xây dựng khu định cư của Israel ở ở Bờ Tây. Ảnh: Reuters.
Chính quyền Israel cho rằng, quyết định trên "là một phần của nỗ lực đưa cuộc sống trở lại bình thường" tại Bờ Tây sau khi một số dự án xây dựng bị hoãn lại dưới thời Tổng thống mãn nhiệm của Mỹ Barack Obama.
Phản ứng trước động thái này của Israel, Người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Stephane Dujarric lên tiếng cảnh báo các hành động đơn phương có thể ngăn cản giải pháp hai nhà nước, đồng thời kêu gọi các bên trở lại bàn đàm phán.
Đại diện cấp cao về đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini thì nhấn mạnh EU kịch liệt phản đối và rất tiếc vì Israel xúc tiến kế hoạch này bất chấp những lo ngại của cộng đồng quốc tế. EU khẳng định giải pháp hai nhà nước thông qua đàm phán là cách duy nhất để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các bên và đạt hòa bình bền vững.
Trong khi đó, Palestine đang xúc tiến vận động hậu trường chống lại kế hoạch trên của Israel. Tổng thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat cho rằng, chính phủ Israel "đang chôn vùi giải pháp hai nhà nước", và rằng "lựa chọn cuối cùng đối với Palestine là kiện ra Tòa án Hình sự quốc tế (ICC)".
Việc xây dựng nhà định cư Do Thái bị xem là trái với luật pháp quốc tế vì chúng được xây trên các phần đất mà Israel chiếm đóng của Palestine trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967, là nơi người Palestine định thành lập nhà nước tương lai.
5. Lãnh đạo EU thông qua kế hoạch hành động về người di cư
Làn sóng người tị nạn vẫn là vấn đề khiến châu Âu phải đau đầu. Ảnh: AP
Ngày 3-2, tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở đảo quốc Malta, lãnh đạo các nước EU đã nhất trí về kế hoạch hành động nhằm ngăn dòng người di cư ồ ạt từ Libya vào châu Âu qua Địa Trung Hải.
Kế hoạch nhấn mạnh các ưu tiên bao gồm đào tạo, trang bị và hỗ trợ cho các lực lượng bảo vệ bờ biển của Libya, nỗ lực triệt phá các đường dây buôn người, hỗ trợ phát triển các cộng đồng địa phương tại Libya, tăng cường khả năng đáp ứng điều kiện sống cho người di cư ở Libya và hỗ trợ các tổ chức quốc tế chịu trách nhiệm về người di cư. EU sẽ trích 31 tỷ Euro để trợ triển khai kế hoạch này thông qua các gói Viện trợ Phát triển (ODA) dành cho châu Phi.
Tuy nhiên, nôi dung cốt lõi của kế hoạch là ngăn dòng người di cư ngay trong lãnh hải Libya, đã vấp phải sự chỉ trích của các nhóm nhân quyền cho rằng, việc này sẽ đẩy phụ nữ và trẻ em đối mặt với điều kiện sống tồi tệ ở các trại tị nạn cũng như đối mặt với các nguy cơ xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột lao động hoặc bị buộc phải hồi hương.
Nnăm 2016, hơn 181.000 người di cư và tị nạn, với đa số sử dụng Libya là điểm xuất phát, đã đến EU qua Địa Trung Hải, trong đó 4.576 người đã thiệt mạng trên tuyến đường này.
6. Ngày 1-2, với tỷ lệ 498 phiếu thuận và 114 phiếu chống, các nghị sĩ thuộc Hạ viện Anh đã nhất trí thông qua dự luật mở đường cho Thủ tướng Theresa May "kích hoạt" Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon để Anh rời khỏi EU. Dự luật này sau đó sẽ được chuyển lên Thượng viện để thảo luận và có thể được chính thức phê chuẩn vào ngày 7-3 tới.
Tiến trình Brexit được đánh giá là không hề dễ dàng. Ảnh: AP
Theo kế hoạch, Chính phủ của Thủ tướng May sẽ chính thức "kích hoạt" điều 50 của Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3 tới để bắt đầu tiến trình đàm phán rời EU. Các cuộc đàm phán rời EU của Anh dự kiến kéo dài khoảng 2 năm và được dự báo sẽ là một trong những cuộc đàm phán khó khăn và phức tạp nhất trong lịch sử hình thành EU.
Ngày 2-2, Chính phủ Anh đã công bố "Sách Trắng" đề ra các kế hoạch cụ thể cho các cuộc đàm phán sắp tới, trong đó nhấn mạnh nước Anh sẽ tìm kiếm một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện với EU nhưng không bao gồm quy chế chuyển tiếp vô thời hạn. Bên cạnh đó, Anh sẽ tiếp tục hợp tác an ninh với EU, duy trì khu vực đi lại chung giữa Anh và CH Ireland, đồng thời tiếp tục có những "đóng góp hợp lý" vào ngân sách EU...
VĂN DUYÊN (tổng hợp) Nguồn; QĐND