Tuần qua, một lần nữa, hai tiếng Việt Nam được thế giới nhắc đến nhiều khi Việt Nam giữ vai trò cầm trịch hai hội nghị quan trọng bậc nhất thế giới trong tuần: Hội nghị của Hội đồng Bảo an LHQ ở New York và Hội nghị cấp cao thường niên của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Ở Tây Bán cầu, ngày 5/10, mở đầu tháng Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Hội đồng Bảo an LHQ đã tiến hành cuộc thảo luận mở về chủ đề “Phụ nữ và Hòa bình, An ninh” do Việt Nam đề nghị.
Đại diện các nước thành viên HĐBA và các tổ chức phi chính phủ đã đánh giá cao việc Việt Nam nêu chủ đề của cuộc thảo luận, thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái trong thời kỳ sau xung đột cũng như nhấn mạnh sự tham gia của họ trong tất cả các giai đoạn của tiến trình hoà bình. Hội đồng Bảo an đã nhất trí thông qua Nghị quyết 1889 do Việt Nam soạn thảo
Ở Đông Bán cầu, nơi tiếp nối hai lục địa Á – Âu, thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỹ, với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Thống đốc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã chủ trì hội nghị cấp cao thường niên của WB và IMF. Hội nghị thường niên WB/IMF lần này được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vừa trải qua một năm đầy thách thức, kèm theo những rủi ro tiềm ẩn về kinh tế và tài chính trên quy mô toàn cầu.
Trong tuần, sự kiện đáng chú ý khác là nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il tuyên bố sẵn sàng nối lại đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Triều Tiên đề cập khả năng Triều Tiên quay trở lại đàm phán sáu bên kể từ khi Bình Nhưỡng rút khỏi bàn đàm phán hồi tháng Tư vừa qua.
Tại châu Á, hàng loạt thảm họa thiên tai xảy ra như động đất ở Đài Loan, Indonesia, Vanuatu, bão ở Nhật Bản, Philippines gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nước này. LHQ đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại trụ sở ở New York về tình hình thiên tai tại châu Á-Thái Bình Dương và phát động chiến dịch cứu trợ các nước bị thiệt hại do thiên tai.
|
Hơn 300 người đã bị chết và 2,5 triệu người đã bị mất nhà cửa do các trận lụt lội tồi tệ nhất trong hàng thập kỷ qua tại miền Nam Ấn Độ - Ảnh AP: Người dân làng Garlapadu Ấn Độ sơ tán tài sản khỏi vùng bị lụt |
Đại diện về trợ giúp nhân đạo của Liên minh châu Âu, Giám đốc Văn phòng trợ giúp đối phó với thiên tai tại khu vực Đông Nam Á, ông David Verboom, sau khi có cuộc thị sát các tỉnh miền Trung Việt Nam bị thiệt hại bởi cơn bão số 9 khốc liệt, ông cho biết điều làm ông ấn tượng nhất tại Việt Nam là sự phối hợp khá tốt giữa các cơ quan, ban ngành liên quan, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Chỉ đạo phòng chống bão lụt Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các cơ quan phòng chống lụt bão tại địa phương.
Về kinh tế, đáng chú ý nhất là việc đồng USD vốn thống lĩnh trên thị trường tiền tệ quốc tế, tiếp tục đã mất giá so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác như đồng Euro, Bảng Anh, Yên Nhật… Sự mất giá của đồng USD đã khiến giá vàng trên thế giới tăng cao kỷ lục trên 1.000 USD/1 ouce. Đa số các nhà kinh tế giải thích sự lên giá đột ngột của vàng là do một số nhà đầu cơ tìm cách "trú ẩn an toàn" trước khả năng lạm phát tăng ở Mỹ. Trên thực tế, sự trượt giá của đồng USD bắt nguồn từ "lòng tham" của các nhà đầu tư khi từ bỏ đồng tiền này để tìm kiếm lợi nhuận trên các thị trường hàng hóa và trông chờ triển vọng lãi suất tăng ở những nước khác.
Trong lĩnh vực nghiên cứu, tuần qua, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) công bố bảng xếp hạng về chỉ số phát triển con người HDI. Theo đó Na Uy đứng đầu danh sách. Các nước xếp trong Top 10 gồm: Australia, Iceland, Canada, Ireland, Hà Lan, Thuỵ Điển, Pháp, Thuỵ Sĩ và Nhật Bản. Trung Quốc năm nay được đánh giá là nước tiến bộ nhanh nhất trong việc cải thiện đời sống của người dân, trong khi Mỹ lại tụt một bậc so với bảng xếp hạng HDI năm ngoái, xuống vị trí thứ 13. Trong danh sách này, Việt Nam đứng vị trí thứ 116.
Tuần này, Ủy ban giải thưởng Nobel lần lượt công bố các giải thưởng hàng năm cho các lĩnh vực Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học. Giống như nhiều năm trước phần lớn những người được giải là các nhà khoa học Mỹ hoặc có công trình khoa học trên đất Mỹ.
Trong tuần, thành phố Rio de Janeiro của Brazil đã được Ủy ban Olympich Quốc tế (IOC) chọn làm địa điểm đăng cai Đại hội Olympic mùa Hè năm 2016 sau ba vòng bỏ phiếu, vượt qua các ứng cử viên nặng ký như Madrid của Tây Ban Nha, Chicago của Mỹ và Tokyo của Nhật Bản để giành quyền đăng cai đại hội thể thao lớn nhất hành tinh này./.
(Theo: Báo ĐTCP)