Ngoại trưởng Mỹ Kerry nói các bên đặt mục tiêu đạt 1 thỏa thuận cuối cùng chứ không phải tạm thời.
Cũng như các khóa họp trước đây, tại phiên thảo luận toàn thể của khóa
họp lần thứ 68 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, đang diễn ra ở New York,
Mỹ, một trong những chủ đề chính được quan tâm đó là tiến trình hòa bình
giữa Palestine và Israel. Với vai trò trung gian trong tiến trình này,
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định, Palestine và Israel đang nỗ lực
để có thể đạt được thỏa thuận hòa bình lâu dài trong 9 tháng tới.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm nay có bài phát biểu trước Đại
Hội đồng Liên Hợp Quốc và có cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban
Ki-moon. Theo tuyên bố của văn phòng Tổng thư ký LHQ, nội dung thảo
luận giữa ông Ban Ki-moon và ông Abbas tập trung vào vai trò của cộng
đồng quốc tế trong việc giúp thúc đẩy tiến trình hòa đàm Trung Đông đạt
tiến triển thực chất. Hai bên cũng sẽ thảo luận về vai trò thiết yếu của
quốc tế trong việc củng cố vị thế Nhà nước Palestine trong tương lai.
Trong một diễn biến tích cực liên quan tiến trình đàm phán hòa bình
giữa Israel và Palestine, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo, đến với
các cuộc đàm phán mới được nối lại, giới chức hai bên đặt mục tiêu sẽ
đạt được "một thỏa thuận cuối cùng, chứ không phải là một thỏa thuận tạm
thời".
Phát biểu bên lề khóa họp lần thứ 68 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, ông
John Kerry khẳng định, hai bên nhất trí đẩy mạnh tiến trình hòa đàm và
thúc đẩy hơn nữa vai trò trung gian của Mỹ để nhanh chóng đạt được thỏa
thuận cùng chấp nhận được. Theo ông, giới chức Israel và Palestine đã có
7 cuộc tiếp xúc kể từ khi nối lại thương lượng vào ngày 29/7 vừa qua,
thảo luận về các vấn đề như lãnh thổ, an ninh, người tỵ nạn,
Jerusalem....
Trong một động thái nhằm tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán trực
tiếp với Palestine, Israel thông báo sẽ nới lỏng một số hạn chế đối với
dải Gaza và khu Bờ Tây. Israel đã cấp 5.000 giấy phép lao động mới cho
người Palestine làm việc tại Israel, sẽ kéo dài giờ mở cửa cửa khẩu quan
trọng Allenby Bridge và cho phép nhập khẩu một số nguyên vật liệu xây
dựng mới vào Gaza.
Với quyết tâm mạnh mẽ này, phía Mỹ hy vọng, trong 9 tháng tới, hai
bên sẽ khép lại tiến trình hòa bình Trung Đông bằng một thỏa thuận. Đây
là lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ tiết lộ thông tin các cuộc gặp giữa giới
chức Israel và Palestine nhằm hướng tới sự ra đời của hai nhà nước độc
lập cùng chung sống hòa bình. Ngoài nỗ lực thúc đẩy đàm phán, Ngoại
trưởng Mỹ cũng đang hợp tác với nhóm Bộ tứ về Trung Đông xây dựng chiến
lược kinh tế thu hút 4 tỷ đôla đầu tư tư nhân nhằm giúp vực dậy nền kinh
tế Palestine.
Trước đó, tại cuộc gặp với Tổng thống Palestine Abbas ở New York, Tổng
thống Mỹ Barack Obama “cam kết nỗ lực vì một giải pháp hòa bình chính
đáng và bền vững cho cuộc xung đột đã kéo dài giữa Israel và Palestine",
bất chấp việc còn nhiều khó khăn và thách thức ở phía trước.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng đã hối thúc các nhà lãnh
đạo Israel và Palestine đẩy mạnh tiến trình hòa đàm, đồng thời kêu gọi
cộng đồng quốc tế hỗ trợ tiến trình này. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh, mặc
dù còn nhiều thách thức trong việc đạt được một thỏa thuận cuối cùng
giữa hai bên, nhưng việc bên nối lại đàm phán trực tiếp là một hướng đi
đúng, đồng thời cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực.
Các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine cũng nhận được sự ủng hộ
của các nước trong khu vực. Phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc,
Quốc vương Jordan Abdullah bày tỏ sự ủng hộ việc hai bên nối lại đàm
phán trực tiếp kể từ tháng 7 vừa qua.
“Cuộc xung đột giữa Palestine và Israel đã làm tiêu hao các nguồn lực
mà đáng nhẽ ra nó phải được sử dụng để xây dựng một tương lai tốt đẹp
hơn và cuộc xung đột đó thổi bùng chủ nghĩa cực đoan trên thế giới,”
Quốc vương nói. “Các cuộc đối thoại bắt đầu từ tháng 7 vừa qua cho thấy,
cần đạt được những tiến triển với thiện chí và quyết tâm của các bên
cũng như sự ủng hộ của khu vực và quốc tế. Chúng tôi hoan nghênh Tổng
thống Palestine và Thủ tướng Israel trong việc nối lại các cuộc đàm phán
về quy chế cuối cùng”.
Quốc vương Jordan nhấn mạnh, một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và
Palestine cần đạt được trong một khung thời gian nhất định và phải bảo
đảm không có hành động nào có thể làm chệch hướng tiến trình này. Theo
Quốc vương Jordan, điều này có nghĩa là sẽ không có thêm việc xây dựng
các khu định cư cũng như những hành động đơn phương đe dọa nguyên trạng ở
Đông Jerusalem và các vùng đất linh thiêng của người Hồi giáo và Kitô
giáo. Quốc vương Jordan tin tưởng, một giải pháp hai nhà nước có thể đạt
được dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Sáng kiến hòa
bình Arab./.
Theo VOV