Hãng thông tấn chính thức MENA của Ai Cập ngày 23/9 đưa tin
một tòa án nước này đã ra lệnh cấm mọi hoạt động của phong trào Anh em Hồi giáo
(MB), đồng thời yêu cầu phong tỏa tài sản của tổ chức trên.
Đây là động
thái mới nhất của chính quyền lâm thời Ai Cập nhằm làm suy yếu phong trào của
những người Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi.
Quyết
định được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng lâm thời Hazem el-Beblawi ngày 20/9
tuyên bố chính phủ sẽ không dung thứ cho các nhóm "tội phạm và khủng bố" đe dọa
người dân.
Dự kiến, một
ủy ban thuộc chính phủ sẽ được thành lập để thực hiện việc phong tỏa tài sản của
MB. Lệnh cấm của tòa án cũng sẽ được áp dụng đối với "bất cứ thực thể nào là
phân nhánh hoặc trực thuộc MB."
Hiện Liên minh Quốc gia ủng hộ tính hợp
pháp (NASL) - lực lượng do MB dẫn đầu quy tụ 33 chính đảng và phong trào Hồi
giáo - vẫn đang tiếp tục kêu gọi biểu tình, đấu tranh đòi phục chức cho ông
Morsi.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình do NASL phát động gần đây không huy
động được số người như mong đợi. Trong khi đó, số người biểu tình bị thương vong
hoặc bị cảnh sát bắt giữ ngày càng tăng.
Trong khi đó ngày 23/9 tại
Cairo, tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) cho biết sẽ đệ đơn kháng cáo quyết định của
tòa án cấm mọi hoạt động và yêu cầu phong tỏa tài sản của MB.
Thủ
lĩnh MB Mohamed Ali Bishr chỉ trích phán quyết nói trên của Tòa án Cairo về các
vấn đề cấp bách và cho rằng tòa án này "không đủ năng lực" xét xử.
Phát
biểu trên nhật báo Al Ahram, ông Bishr - người từng giữ chức Bộ trưởng Chính
quyền địa phương dưới thời Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi - nhấn mạnh: "Phán
quyết giải thể MB với tư cách là một tổ chức phi chính phủ (NGO) đến từ một tòa
án không đủ năng lực" và lập luận rằng phán quyết hợp lệ nên được một tòa án
hành chính ban hành.
Nhà lãnh đạo Hồi giáo này nhấn mạnh: "Tôi không
hiểu tại sao MB có thể bị giải tán trong khi các cáo buộc đối với các nhà lãnh
đạo của tổ chức này vẫn đang được điều tra?" song khẳng định rằng phán quyết này
sẽ không làm ảnh hưởng đến các nỗ lực hòa giải hiện đang được nhiều đảng phái
xúc tiến giữa MB và Chính phủ lâm thời Ai Cập.
MB bị đặt ngoài vòng pháp
luật trong suốt nhiều thập kỷ và chỉ được đăng ký chính thức hoạt động với tư
cách là một NGO vào tháng 3/2013. Phán quyết ngày 23/9 không phải là thách thức
duy nhất đối với sự tồn tại của phong trào Hồi giáo này trong thời gian gần đây.
Mới đây nhất, hôm 2/9, Hội đồng Cố vấn Nhà nước (SCA) - cơ quan cố vấn pháp lý
cho Chính phủ Ai Cập - đã đề nghị giải thể MB do có liên hệ với lực lượng dân
quân vũ trang. Khuyến nghị không mang tính chất ràng buộc của SCA được đưa ra
dưa vào đạo luật 84 năm 2002 theo đó nghiêm cấm các tổ chức và các NGO thành lập
nhánh bán quân sự.
Chính quyền lâm thời Ai Cập đã phát động một chiến
dịch đàn áp đối với MB sau khi Tổng thống Mohamed Morsi xuất thân từ phong trào
này bị quân đội ra lệnh phế truất hôm 3/7 vừa qua.
Hiện thủ lĩnh tối cao
của MB Mohamed Badie, hai cấp phó của ông này là Khairat El-Shater và Mohamed
El-Beltagy, cùng hàng chục lãnh đạo cao cấp và trung cấp khác của MB vẫn đang bị
giam giữ với nhiều cáo buộc, trong đó có kích động bạo lực nhằm vào người biểu
tình đối lập.
Vào ngày 17/9, Tòa án Hình sự Bắc Cairo cũng quyết định
"đóng băng" tài sản của 25 nhà lãnh đạo cấp cao MB và một số nhân vật Hồi giáo
khác theo đề nghị của Tổng công tố Hisham Barakat. Ngoài ra, tòa án cũng ra lệnh
phong tỏa tài sản của một số chính khách Hồi giáo khác.
Trước đó, hôm
14/7, các công tố viên Ai Cập cũng ra lệnh phong tỏa tài sản của 14 nhà lãnh đạo
cấp cao của MB trong khuôn khổ cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc kích động
bạo lực tại các cuộc biểu tình ở Quảng trường Nahda ở tỉnh Giza, trước cửa trụ
sở Lực lượng Vệ binh Cộng hòa vào đầu tháng 7/2013, trước trụ sở chính của MB ở
quận Moqattam vào cuối tháng 6/2013, và trước Phủ tổng thống Ittihadiya vào
tháng 12/2012.
Trong diễn biến liên quan, các chuyên gia pháp lý hiện vẫn
tranh cãi về các hệ quả pháp lý của phán quyết nói trên. Ông Mohamed Tosson,
thành viên của tổ chức này đồng thời là Tổng Thư ký Hiệp hội luật sư Ai Cập, cho
rằng Tòa án Cairo về các vấn đề cấp bách không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này
và rằng bản án chỉ có hiệu lực thi hành khi được một tòa án hành chính ban hành.
Ông Tosson cũng cho rằng bản án nói trên không liên quan đến số phận của
Đảng Tự do và Công lý (FJP) - nhánh chính trị của MB được thành lập sau khi cựu
Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ năm 2011- với lý do vấn đề pháp lý liên quan
đến một chính đảng phải được một tòa án khác xem xét. Ngoài ra, ông Tosson cũng
lập luận rằng bản án vẫn chưa có hiệu lực thi hành khi MB quyết định kháng cáo.
Điều này đồng nghĩa với việc tài sản của MB sẽ chưa bị tịch thu. Tuy nhiên,
chuyên gia luật hiến pháp Yasser El-Hodaiby lại cho rằng mọi phán quyết của tòa
án về các vấn đề cấp bách phải được thi hành ngay cả khi bị đơn kháng
cáo.
Trong khi đó, hầu hết các chính đảng và phong trào phi Hồi giáo ở Ai
Cập lên tiếng hoan nghênh phán quyết nói trên của tòa án. Phát ngôn viên của Mặt
trận Tự do vì sự thay đổi hòa bình Essam El-Sherif nhấn mạnh: "Phán quyết này
được đưa ra quá muộn. Sau khi lên nắm quyền, MB đã trở thành mối đe dọa cho an
ninh quốc gia và gây nguy hiểm cho xã hội"./.
(TTXVN)