Chủ Nhật, 8/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 14/2/2020 13:58'(GMT+7)

Thế giới vừa trải qua tháng Một nóng nhất trong lịch sử

Cảnh khô hạn trên cánh đồng tại Bang Pla Ma, tỉnh Suphanburi, Thái Lan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cảnh khô hạn trên cánh đồng tại Bang Pla Ma, tỉnh Suphanburi, Thái Lan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo các nhà khoa học của Cơ quan Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 1/2020 là tháng Một nóng nhất trong suốt 141 năm ghi nhận nhiệt độ trên toàn cầu.

Nhiệt độ bề mặt đất liền và đại dương toàn cầu trong tháng Một vừa qua đã tăng 1,14 độ C so với nhiệt độ trung bình của tháng Một trong thế kỷ 20, vượt qua mức nhiệt kỷ lục trước đó được ghi nhận vào tháng 1/2016.

NOAA nhấn mạnh đây cũng là mức tăng nhiệt độ lớn nhất mà không chịu tác động của hiện tượng El Nino tại Thái Bình Dương.

Phần lớn nước Nga, nhiều khu vực của vùng Bắc Âu và miền Đông Canada đã ghi nhận mức nhiệt cao hơn 9 độ C so với mức nhiệt trung bình hoặc thậm chí cao hơn thế.

Các nhà khoa học cho rằng việc tháng 1/2020 là tháng 1 nóng nhất trong lịch sử mà không chịu tác động của El Nino là bằng chứng rõ ràng về sự ấm lên toàn cầu.

Tháng 1/2020 đánh dấu 44 tháng Một liên tiếp và 421 tháng liên tiếp có nhiệt độ cao hơn mức nhiệt trung bình của thế kỷ 20.

Các nhà khoa học của Trung tâm Thông tin Môi trường quốc gia Mỹ dự báo nhiều khả năng năm 2020 sẽ nằm trong số 5 năm nóng kỷ lục.

Lượng băng tại Bắc Cực trong tháng 1/2020 chỉ tăng thêm 5,3%, thấp hơn so với mức trung bình của giai đoạn năm 1981-2010, bằng tháng 1/2014, cũng là mức thấp thứ 8 của các tháng 1 trong suốt 42 năm thống kê.

Trong khi đó, độ bao phủ của băng tại Biển Nam Cực trong tháng Một năm nay thấp hơn 9,8% so với mức trung bình, bằng với tháng 1/2011 cũng là tháng thấp thứ 10 trong lịch sử.

Nhiều nhà khoa học nhất trí rằng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người tạo ra là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng toàn cầu ấm lên.

Trong khi đó, các nhà khoa học đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục ở tại Nam Cực là 20,75 độ C, lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 20 độ C tại lục địa này.

Hãng tin AFP dẫn lời nhà nghiên cứu Carlos Schaefer người Brazil ngày 13/2 cho biết đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu ghi nhận mức nhiệt cao như vậy tại Nam Cực.

Theo ông, số liệu trên được ghi nhận tại một trạm quan sát trên hòn đảo ngoài khơi điểm cực Bắc của Nam Cực vào ngày 9/2 vừa qua.

Tuy nhiên, đó chỉ là con số riêng lẻ, chứ không phải là một loạt dữ liệu trong dài hạn, cũng như không phản ánh một xu hướng biến đổi khí hậu.

Mặc dù vậy, thông tin về mức nhiệt kỷ lục tại lục địa băng giá này sẽ làm dấy lên quan ngại về tình trạng ấm lên toàn cầu.

Mức nhiệt này đã được đo tại đảo Seymour, một phần của bán đảo nhô ra từ điểm cực Bắc của Nam Cực. Đây cũng là nơi đặt trụ sở nghiên cứu Marambio của Argentina.

Chuyên gia nghiên cứu về đất Schaefer nêu rõ dữ liệu trên là một phần trong dự án nghiên cứu kéo dài 20 năm về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với tầng đất bị đóng băng của Nam Cực. Mức nhiệt kỷ lục trước đó tại đây là khoảng 19 độ C.

Ông Schaefer nhấn mạnh dữ liệu trên chỉ phản ánh một hiện tượng bất thường và không thể sử dụng dữ liệu này để dự báo biến đổi khí hậu trong tương lai.

Thông tin trên được đưa ra một tuần sau khi Cơ quan Khí tượng Quốc gia Argentina ghi nhận ngày nóng nhất trong lịch sử tại vùng Nam Cực của Argentina là 18,3 độC.

Đây là nhiệt độ vào buổi trưa đo được tại trạm nghiên cứu Esperanza, nằm gần đỉnh của Bán đảo Nam Cực. Kỷ lục trước đó là 17,5 độ C được ghi nhận vào ngày 24/3/2015. Đây là con số cao nhất kể từ khi dữ liệu được thu thập vào năm 1961.

Tháng trước, Liên hợp quốc nhận định thập kỷ qua là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử, trong đó 2019 là năm nóng thứ hai, sau năm 2016./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất