Khen thưởng Đội tuyển bóng đá nữ và U22 Việt Nam
Lễ khen thưởng diễn tại trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF)
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh trao bằng khen của lãnh đạo Bộ cho hai đội tuyển với thành tích Á quân ở Giải bóng đá vô địch Đông Nam Á của đội tuyển nữ quốc gia và vô địch Giải bóng đá quốc tế Merdeka Cup (Malaysia) của đội tuyển U22 quốc gia.
Cũng trong dịp này, đội tuyển bóng đá nữ được nhận gần 1,2 tỷ đồng tiền thưởng của Bộ VH-TT-DL, VFF, Liên đoàn Bóng đá TP Hồ Chí Minh, báo Bóng đá, Tập đoàn T&T, công ty Xi măng Hải Phòng…
Đội tuyển U22 Việt Nam cũng nhận thưởng tổng cộng 650 triệu đồng, trong đó có 550 triệu đồng từ VFF và 100 triệu đồng từ Liên đoàn bóng đá TP Hồ Chí Minh./.
Giải vô địch Cờ tướng các đấu thủ mạnh toàn quốc 2008
Giải khai mạc tại thành phố đà Nẵng ngày 3/11 với sự tham dự của 36 kỳ thủ, trong đó có 12 kỳ thủ nữ.
Giải năm nay có sự góp mặt của hầu hết các kỳ thủ xuất sắc đến từ các đơn vị, địa phương có phong trào cờ tướng mạnh trong cả nước.
Các kỳ thủ thi đấu theo hệ Thụy Sĩ: nam thi đấu 9 ván; nữ thi đấu 7 ván. Giải là dịp để các kỳ thủ tiếp tục thi đấu, cọ sát nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời qua giải Liên đoàn Cờ Việt Nam sẽ tuyển chọn những kỳ thủ xuất sắc để tham dự các giải trong khu vực và quốc tế.
Giải sẽ kết thúc vào ngày 9/11./.
Giải vô địch điền kinh vô địch quốc gia năm 2008: Phá 2 KLQG
Sau hai ngày nghỉ để tránh… mưa lũ Hà Nội, giải đã thi đấu trở lại nhưng vẫn trong điều kiện thời tiết khó khăn. Tuy nhiên, đã có 2 kỷ lục quốc gia bị xô ngã. Đầu tiên, trên đường chạy chung kết 100m nam, cuộc chiến giữa Nguyễn Văn Huynh (Quân đội) và Hoàng Thanh Việt (TPHCM) diễn ra khá căng thẳng.
Ở những mét đầu tiên và cho đến giữa đường, Hoàng Thanh Việt vẫn giữ được ưu thế dẫn đầu và tràn trề hy vọng đoạt lại ngôi vô địch từ Nguyễn Văn Huynh. Thế nhưng, Việt xuất sắc, Huynh còn tỏ ra xuất sắc hơn khi ở 2m cuối, tốc độ mau lẹ của Huynh đã giúp anh chạm đích đầu tiên để đoạt HCV, đồng thời phá KLQG (đồng hồ điện tử) với thành tích mới 10"55 (KL cũ 10"58 do Thanh Hải của Nghệ An lập cách đây 6 năm).
Trên đường chạy 100m nữ, “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương không có đối thủ, nhưng nỗ lực phá KLQG của chính
mình không thành vì chỉ về đích với thời gian 11"59 (kém KL cũ 11"49 đúng 10% giây). Nhưng như vậy cũng đủ giúp Hương đoạt chiếc HCV về cho đoàn An Giang. Về nhì cự ly này là Nguyễn Thị Ngọc Thắm (An Giang) với 11"86, hạng 3 là Mai Thị Phượng (Quân đội, 12"00).
Trên đường chung kết chạy tiếp sức 4x100m nữ, Vũ Thị Hương tiếp tục giúp đoàn An Giang đoạt chiếc HCV sau khi bỏ xa các đối thủ phía sau để về đích với tổng thành tích 46"38, hạng nhì là Nam Định (47"76) và hạng ba là Hà Nội (48"50). ĐKVĐ cự ly tiếp sức 4x100m nam là TPHCM hôm qua đã để vuột ngôi vô địch về đội Quân đội, đội đã về nhất với tổng thành tích 41"25. TPHCM chấp nhận về nhì với 41"72. Khánh Hòa xếp thứ 3 với 42"18.
Chung kết cự ly 800m nam, ĐKVĐ SEA Games Nguyễn Đình Cương (Ninh Bình) nhường các đối thủ dẫn suốt hơn 700m. Tuy nhiên khi cách đích chừng 20m, Nguyễn Đình Cương đã xuất sắc bứt lên để về nhất với thành tích 1’50"75, tiệm cận với KLQG mà Lê Văn Dương lập nên ở Olympic Athens 2004 (1’49"81). Trong khi đó, Trương Thanh Hằng (TPHCM) tiếp tục thống trị đường chạy 800m khi về đích với thời gian 2’03"66, tiếc là cô chưa thể xô ngã được kỷ lục của chính mình lập ở SEA Games 24 là 2’02"39.
Ở nội dung nhảy cao nam, Nguyễn Duy Bằng đoạt HCV nhưng với thành tích không cao (chỉ là 2,09m). Bùi Nhật Thanh (Đà Nẵng) đoạt HCV nhảy xa nữ với thành tích 5,97m.
KLQG thứ nhì trong ngày bị xô ngã nằm ở nội dung ném búa nam, nhờ công của VĐV Trịnh Tấn Nhanh (Vĩnh Long). Thành tích mới của anh là 47,73m (KL cũ là 47,21m).
Kết quả sau ngày 2-11: 1/ Quân đội (5 HCV); 2/ Hà Nội (4 HCV); 3/ Đà Nẵng (2 HCV).
Kết thúc giải điền kinh VĐQG năm 2008:
Đêm 3 và sáng 4-11, Hà Nội lại mưa lớn khiến người dân thêm lo lắng, trong khi các VĐV, HLV dự giải không khỏi ngán ngẩm. Thế nhưng, thật bất ngờ khi lại có thêm kỷ lục quốc gia ở nội dung đi bộ 20 km nam, nhưng...
|
Những ngày qua của giải, các VĐV luôn phải thi đấu trong những cơn mưa tầm tã và rét run vì lạnh |
Bất chấp trời mưa, nội dung 20 km đi bộ nam và marathon nam, nữ vẫn được tổ chức đúng lịch trình. Trời mưa lúc đầu lớn, nhưng sau nhỏ dần và khi kết thúc cũng là lúc hửng nắng, nhờ thế, các VĐV đều không bị mất nước như trong điều kiện thi đấu bình thường.
Thi đấu nội dung đi bộ 20 km nam chỉ có 4 VĐV tham dự, và Nguyễn Ngọc Dũng (Nghệ An) mới 18 tuổi đã bất ngờ vượt lên cả đàn anh đang giữ kỷ lục quốc gia là Phạm Công Hải (Quảng Ngãi) để về đích đầu tiên giành HCV, đồng thời phá luôn KLQG với thành tích 1 giờ 37 phút 30 giây (kỷ lục 1 giờ 41 phút 52 giây).
Thế nhưng sau đó, BTC đã không công nhận kỷ lục này vì lộ trình đường đua của sân Mỹ Đình... ngắn hơn 20 km. Bị đàn em qua mặt, Phạm Công Hải (Quảng Ngãi) nhận HCB vì kém 6 phút 15 giây. Phan Văn Tâm (Ninh Thuận) giành HCĐ. Trong khi đó, một mình một đường, VĐV mới 16 tuổi Nguyễn Văn Hùng vẫn kiên trì không bỏ cuộc, dù về sau VĐV vô địch hơn nửa giờ.
Trên đường đua marathon 42,195 km nữ, Phạm Thị Hiên (Thái Bình) tỏ ra dày dạn hơn cả khi luôn dẫn đầu, và lúc bị Nguyễn Thị Đông (Hà Nội) bám sát phía sau đã bứt phá chiến thuật để bảo vệ ngôi vô địch sau 2 giờ 54 phút 22 giây.
Trong khi đó, Nguyễn Thị Đông (Hà Nội) vì phớt lờ sự cảnh báo của HLV kỳ cựu Bùi Lương nên chỉ giành HCĐ, do bị cuốn theo chiến thuật biến tốc của Hiên nên mất sức để Phạm Thị Bình (Quảng Ngãi) vượt lên giành HCB sau 2 giờ 59 phút 25 giây.
Ở giải nam, Nguyễn Đăng Đức Bảo đã chứng tỏ bản lĩnh vững vàng, đoạt HCV sau 2 giờ 34 phút 36 giây hơn chút ít so với người về nhì là Nghiêm Xuân Chung (Quân đội) và Nguyễn Văn Long (Gia Lai) hạng 3.
Như vậy, giải điền kinh VĐQG năm 2008 đã kết thúc với 6 kỷ lục quốc gia được thiết lập (tính luôn cả 2 kỷ lục 4x200m mới được đưa vào thi đấu).
Kết quả toàn đoàn: 1/ Quân đội (9 HCV, 4 HCB, 2 HCĐ), 2/ Hà Nội (6, 6, 14), 3/ An Giang (4, 2, 1), 4/ Đà Nẵng (4, 1, 4), 5/ TPHCM (3, 3, 3), 6/ Khánh Hòa (3, 2, 1).
Giải quần vợt Cúp Phú Mỹ Hưng lần 8 năm 2008
Khởi động hạng chuyên nghiệp
Sau 2 ngày thứ bảy và chủ nhật chủ yếu dành cho hạng phong trào, hôm qua 4-11, giải thật sự sôi động khi hạng chuyên nghiệp có 7 trận đấu. Vắng Minh Quân, tay vợt Quang Huy được xem là hạt giống số 1 nội dung đơn nam đã dễ dàng giành chiến thắng trước tay vợt trẻ Nguyễn Tuấn Anh (Becamex) 2-0 (6/1, 6/4). Ba trận còn lại, Nguyễn Hữu Hiếu (Bến Tre) thắng Đặng Ngọc Vinh (Tanimex) 2-0 (6/3, 6/0), Nguyên Vũ (Quân đội) thắng Phạm Hữu Vinh (Tanimex) 2-0 (6/3, 7/6), Anh Khoa (Oscar) thắng Tạ Quốc Bảo (Becamex) 2-1 (6/3, 6/7, 11/7).
Hai trận nội dung đơn nữ hạng chuyên nghiệp, Nguyễn Ái Ngọc Vân (Tanimex) vượt qua Nguyễn Ngọc Minh (Tanimex) 2-0 (7/5, 6/2) và Phan Thị Thanh Bình (Đà Nẵng) thắng Trần Thanh Hoàng Ngân (Tanimex) 2-0 (6/0, 6/0).
Nội dung đôi nam chuyên nghiệp, á quân năm trước Lê Quốc Khánh/Huỳnh Chí Khương (Hitec) dễ dàng vượt qua Đỗ Quang Thắng/Đặng Ngọc Vinh (Tanimex) 2-0 (6/2, 6/1) lọt vào bán kết.
Hôm nay 5-11, hạng chuyên nghiệp sẽ thi đấu 4 trận vòng 1/16 nội dung đơn nam, hai trận tứ kết đơn nữ và một trận tứ kết đôi nam.
Chung kết giải bóng đá sinh viên toàn quốc - VTC Cup năm 2008
ĐH TDTT Đà Nẵng vô địch
Rất đông sinh viên đã đến sân Thống Nhất cổ vũ cho hai đội ĐH TDTT Đà Nẵng và ĐH Thủy lợi tranh ngôi vô địch, khiến khán đài trở nên sinh động hơn. Các cầu thủ chuyên ngành thể thao ĐH TDTT Đà Nẵng tỏ ra lấn lướt, áp đảo đội ĐH Thủy lợi trong suốt thời gian trận đấu.
ĐH TDTT Đà Nẵng ghi bàn ở phút 25 khi cú đội đầu của Quang Đức (9) làm bó tay thủ môn Tiến Hợi (1, ĐH TL). Phút 59, đội ĐH Thủy lợi chỉ còn thi đấu 10 người do Ngọc Truyền (4) nhận 2 thẻ vàng rời sân.
Tuy nhiên, không có bàn thắng nào được ghi thêm nên ĐH TDTT Đà Nẵng giành chức vô địch với phần thưởng 50 triệu đồng. Đội ĐH Thủy lợi hạng nhì nhận phần thưởng 30 triệu đồng và hai đội Cao đẳng Đức Trí, ĐH Nông Lâm đồng hạng ba mỗi đội nhận 20 triệu đồng.
Ngoài ra, BTC còn trao giải phong cách cho ĐHSP TDTT TPHCM, Cầu thủ xuất sắc cho Đỗ Quang (ĐH TDTT Đà Nẵng) và Vua phá lưới cho Trần Xuân Lệ (ĐH Nông Lâm) với 8 bàn thắng.
Vòng loại giải bóng đá nữ U19 châu Á 2008: Việt Nam chính thức đoạt vé dự VCK
|
Đội tuyển nữ U19 Việt Nam |
Trước khi bước vào trận đấu cuối bảng A gặp Jordan vào lúc 17g30 chiều qua tại Malaysia, Việt Nam có lợi thế rất lớn vì đối thủ trực tiếp cạnh tranh chiếc vé dự vòng chung kết là Myanmar đã thua Hàn Quốc với tỷ số 0-5 trong trận đấu trước đó (lúc 16 giờ). Chính vì thế, Việt Nam dù có thất bại trước đội bóng được đánh giá thấp hơn Jordan 2 bàn thì họ vẫn là đội đứng thứ 2 của bảng sau Hàn Quốc. Tuy nhiên, các cầu thủ Việt Nam đã không chủ quan và vẫn thi đấu quyết tâm.
Ngay phút thứ 4, Nguyễn Thị Nguyệt đột phá vào vòng cấm, sút chéo góc mở tỷ số cho đội Việt Nam. Áp đảo suốt thời gian còn lại, Việt Nam ghi thêm 5 bàn nữa do công của Nguyễn Thị Hòa, Phạm Thị Hằng, Nguyễn Thị Hương, Phùng Thị Nhung, Trần Thị Thu, ấn định chiến thắng 6-0.
Trận còn lại của bảng A, Philippines thắng Singapore 2-1. Như vậy, đội Hàn Quốc toàn thắng cả 5 trận đứng đầu bảng, xếp nhì là Việt Nam (4 thắng, 1 thua) và giành 2 chiếc vé chính thức của bảng A dự vòng chung kết. Đội Myanmar (3 thắng, 2 thua) đứng thứ ba và nhiều khả năng giành chiếc vé vớt, vì là đội thứ ba có thành tích tốt nhất.
Đội U19 Việt Nam sẽ về nước ngày hôm nay, sau đó các cầu thủ sẽ được trả về địa phương chờ tập trung trở lại chuẩn bị cho VCK diễn ra vào năm sau tại Trung Quốc.
Hôm nay, vòng loại sẽ kết thúc với 2 trận đấu của bảng B: Australia gặp Thái Lan và Đài Loan gặp Ấn Độ.
Giải quần vợt Chandigarh năm 2008: Hoàng Thiên thắng lớn
Sau khi vô địch U18 nhóm 5 ITF và U14 châu Á, tay vợt trẻ Nguyễn Hoàng Thiên đã có 2 chức vô địch đơn nam và đôi nam lứa tuổi U14 giải quần vợt Chandigarh vừa kết thúc vào ngày hôm qua (6-11) tại Ấn Độ. Sau khi thắng Ogihara (Nhật Bản), Kumar, Singh, Naruka (Ấn Độ) đều với tỷ số 2-0, Hoàng Thiên tiếp tục vượt qua Passi (Ấn Độ) 2-0 (6/4, 6/2) trong trận chung kết đơn nam giành chức vô địch.
Ở nội dung đôi nam, Hoàng Thiên đứng cùng tay vợt Naruka (Ấn Độ) và đã thắng đôi Passi/Rawal 2-0 (6/2, 6/2) đoạt chức vô địch thứ hai cho riêng mình.
250 VĐV tham dự Giải Vô địch Vovinam toàn quốc 2008
Lễ khai mạc diễn ra tại Nhà thi đấu đa năng TP Cần Thơ
|
Một pha biểu diễn Vovinam |
Tham dự Giải Vô địch Vovinam toàn quốc lần thứ 17 có 19 đoàn với 250 VĐV, thi đấu 18 nội dung đối kháng và 16 nội dung quyền.
Sau lễ khai mạc, các võ sĩ bắt đầu thi đấu nội dung đòn chân tấn công trước sự chứng kiến của khoảng 1.000 người hâm mộ Cần Thơ. Tiếp đó là những nội dung quyền: tự vệ nữ, song luyện vũ khí nam và thi đấu vòng loại các hạng cân: 51kg và 54 kg của nam; 57 kg của nữ.
Ngày 5/11 sẽ diễn ra vòng loại và chung kết ở nội dung đấu đối kháng của các hạng cân: 51 kg, 54 kg và 57 kg của nam; 42 kg và 57 kg của nữ. Ở nội dung quyền, các VĐV sẽ thi tài với các bài biểu diễn: song luyện kiếm, song luyện vật 2, song luyện 3, thập thế bát thức quyền và viên phương quyền.
Giải diễn ra đến ngày 9/11/2008./.