Thứ Hai, 25/11/2024
Thể thao
Thứ Sáu, 27/3/2009 16:9'(GMT+7)

Thể Thao Việt Nam: 20 năm ra biển lớn...

Đoàn Thể Thao VN tại SEA Games 15 (1989)

Đoàn Thể Thao VN tại SEA Games 15 (1989)

20 năm trước...

Thực ra thì sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, TTVN đã có mặt ở 2 kỳ Olympic là: Moscow 1980 và Seoul 1998, thậm chí tại ASIAD năm 1982 (Ấn Độ), xạ thủ súng ngắn Nguyễn Quốc Cường còn mang về tấm HCĐ ngoài dự báo, nhưng lần trở lại đấu trường khu vực mới thực sự có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển sau này.

63 thành viên, trong đó có 46 VĐV dự tranh 8 môn: điền kinh, bơi, bắn súng, bóng bàn, bóng chuyền nữ, thể dục dụng cụ, quyền Anh và quần vợt - TTVN đã tung hết lực lượng "chơi được" của mình vào lần trở lại sân chơi Đông Nam Á không gì khác ngoài mục tiêu thử sức để tìm ra hướng đi phù hợp.

Và dù chỉ với 3 HCV - 11 HCB - 5 HCĐ của 3 môn bắn súng, bóng bàn, quyền Anh, nhưng lúc đó một lộ trình mới mang tên Con đường SEA Games đã được vạch ra với phương châm "đi tắt, đón đầu" mà tác giả là giám đốc Sở TDTT Hà Nội (cũ) ông Hoàng Vĩnh Giang, người có mặt trong thành phần lãnh đạo đoàn TTVN tại Malaysia 1989 và nay là TTK uỷ ban Olympic Việt Nam.

"Hoà nhập trước tiên cần du nhập
Phổ cập, đỉnh cao cứ song hành
Đón đầu những môn khu vực yếu
Chú tâm những chốn huy chương nhiều
........

Vượt qua thử thách Vàng quốc nội
SEA Games là chiến địa tung hoành
Chọn môn tiếp cận hàng châu lục
Lựa môn đọ sức, phục hoàn cầu".

20 năm trước, chiến lược "đi tắt, đón đầu" của TTVN đã ra đời và được "bó gọn"như thế trong chính bài thơ Gửi gắm của tác giả.

20 năm sau...

20 năm trước không ít người đã "bịt miệng cười" khi ông Giang nói về chuyện những tấm HCV khu vực về cái tương lai gần ở tầm châu Á, thế giới, nhưng cũng chẳng ai ngờ con đường SEA Games lại nhanh tới thành công đến thế.

4 kỳ đại hội kế tiếp, thành phần cũng như bảng vàng thành tích của đoàn TTVN thăng tiến vùn vụt và chỉ chưa đầy 10 năm sau ngày trở lại, Việt Nam đã trở thành nước chủ nhà của kỳ SEA Games thứ 22 năm 2003.

Hoàng Anh Tuấn (trái) với chiếc HCB tại Olympic Bắc Kinh 2008

Ngôi vô địch toàn đoàn lúc đó chính là minh chứng cho thành công của chiến lược này dù bản thân nó còn nhiều tranh cãi trong chính giới quản lý chuyên môn.

Xác định ngôi vị ở tốp đầu khu vực và đây là cái bàn đạp để TTVN tiệm cận với những đấu trường lớn hơn để rồi sau 20 năm đã xác định cho mình chỗ đứng cụ thể trên bản đồ thể thao quốc tế.

Đó hạng 71 thế giới bằng tấm HCB của lực sỹ Hoàng Anh Tuấn tại Olympic Bắc Kinh 2008; là hạng 19 châu Á với 3 HCV tại ASIAD Doha, Qatar 2006 và dĩ nhiên cả một vị trí trong tốp 3 Đông Nam Á.

Dĩ nhiên, không thể không nhắc đến bóng đá ở cuộc hành trình này dù ở vạch xuất phát, bóng đá không có mặt (SEA Games 1991, bóng đá mới tham dự).

4 năm để có tấm HCB đầu tiên và gần 20 năm, đội tuyển nam quốc gia mới có thể hoàn tất giấc mơ Vàng dang dở với chức vô địch AFF Cup 2008. Thành công của bóng đá cũng nằm trong cái thành công chung của TTVN.

Và thách thức ở tuổi 63

Con đường SEA Games vẫn tiếp tục, nhưng lúc này với TTVN đó không còn là cái mục tiêu chính mà đã cần hướng tới những cái đích xa hơn.

 

Sau nhiều năm dài, bóng đá Việt Nam mới hoàn thành giấc mơ vàng. Ảnh: Đức Anh

Một lộ trình mới là cần thiết, tuy nhiên để thành công thì thách thức không chỉ còn là "những cuộc thi đấu, những tấm huy chương" mà nằm ngay trong nội tại của nền thể thao vừa tròn 63 tuổi.

Đó chính là cái lộ trình chuyên nghiệp hoá, hay nói đúng hơn là cái lộ trình mà thể thao phải tự nuôi được chính mình thay vì cảnh sống mòn nhờ ngân sách.

Ai cũng hiểu chuyên nghiệp hoá là điều kiện tất yếu cho thể thao phát triển và TTVN cũng đã có những bước đi chuyên nghiệp đầu tiên với bóng đá trong vai trò tiên phong.

Thế nhưng cũng 10 năm theo kiểu "cứ đi rồi sẽ thành đường" - vẫn chưa ai hiểu cho tròn chữ chuyên dù chỉ ngay trong bóng đá. Rồi ngay bóng đá tiếng là có độ xã hội hoá cao nhất với những dòng tiền tỷ chảy vào từ doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa thoát khỏi hoàn toàn sự phụ thuộc vào ngân sách. Bóng đá còn vậy, huống gì các môn khác... bao giờ mới nuôi nổi mình.

Và chỉ khi chuyên nghiệp hoá thì chất lượng chuyên môn của các môn thể thao khác mới có thể tiếp tục nâng cao. Chính Calisto kiến trúc sư thành công mang tên AFF Cup đã nói ngay sau ngày chiến thắng - bóng đá Việt Nam nếu muốn vươn tới tầm châu lục cần phải có một dòng máu mới!

Ở tuổi 63, thách thức thì ngày càng lớn từ những sân chơi quốc tế đến việc lần thứ 2 là chủ nhà Đại hội thể thao trong nhà châu Á, nhưng cái khó thì đang "bó" lấy TTVN!

Bức tranh kinh tế ảm đạm khiến 1 ngành phụ thuộc nhiều vào ngân sách chịu ảnh hưởng là lẽ đương nhiên, vậy nên vấn đề bây giờ là nội lực của ngành thể thao sẽ đến đâu sau quãng đường 20 năm ra biển lớn?

(Theo VietNamNet)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất