Thứ Hai, 23/9/2024
Thể thao
Thứ Bảy, 29/12/2012 14:8'(GMT+7)

Thể thao Việt Nam 2012: Thách thức nâng tầm

Đoàn Thể thao VN tại Olympic London 2012.

Đoàn Thể thao VN tại Olympic London 2012.

Đáng chú ý là cả 2 sự kiện lớn trong năm 2012 này đều ghi dấu ấn lịch sử cho nền thể thao nước nhà. Đầu tiên là Thế vận hội Olympic London 2012 - đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh với việc lần đầu tiên có đến 18 tuyển thủ thuộc 11 môn giành quyền thi đấu chính thức, thay vì những suất mời như trước đây.

Cần tầm nhìn khi chinh phục đỉnh cao

Tính từ Olympic Moscow 1980 cho đến trước London 2012, TTVN đã từng góp mặt ở 7 kỳ thế vận hội và cũng 2 lần xuất sắc giành được 2 HCB (võ sỹ Trần Hiếu Ngân tại Sydney 2000 và lực sỹ cử tạ Hoàng Anh Tuấn tại Bắc Kinh 2008), nhưng quả thật đây vẫn cứ là sân chơi còn quá tầm xét trên tổng thể của cả nền thể thao nước ta.

Thực tế cho thấy trong những lần tham dự gần đây, cơ hội tranh chấp huy chương đã mở rộng hơn, nhưng khá nhiều môn của đoàn TTVN vẫn phải góp mặt bằng suất mời từ các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc tế. Những suất vốn dành cho các nền thể thao còn đang phát triển để có mặt tại sân chơi và dĩ nhiên là không có khả năng đua tranh về chuyên môn.

Tuy nhiên, tại Olympic London 2012, TTVN đã bước ra khỏi danh sách ấy khi lần đầu tiên có tới 18 tuyển thủ thuộc 11 môn vượt qua vòng đấu loại thế giới, châu lục để giành quyền tham dự chính thức. Trong đó, với nhiều môn thể thao lần đầu tiên "đi bằng cửa chính" đến với thế vận hội như: điền kinh, bơi, bắn súng, thể dục dụng cụ, vật tự do nữ, đấu kiếm, đua thuyền rowing… và ấn tượng hơn, những kỳ tích đó lại gắn với các gương mặt trẻ, niềm hy vọng của TTVN trong tương lai không xa, đó là: nữ kình ngư 16 tuổi Ánh Viên, tuyển thủ điền kinh 21 tuổi Dương Thị Việt Anh, nam kiếm thủ 22 tuổi Nguyễn Tiến Nhật...

Nhưng cũng chính qua cuộc "tổng tấn công" lớn vào đấu trường Olympic, TTVN cũng nhận được những bài học lớn về chuyên môn khi mục tiêu giành tấm huy chương thứ 3 đã bất thành. Do sự chuẩn bị còn cập rập, nhiều tuyển thủ không có được phong độ cao nhất và cả bản lĩnh, tinh thần thi đấu vào các thời điểm quyết định chưa thực sự tốt.

Rõ ràng, để có thể chinh phục sân chơi đỉnh cao này một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, thì bên cạnh việc nhiều hơn những suất tham dự chính thức, TTVN cũng phải có chiến lược dài hơi hơn mới có thể biến cơ hội giành huy chương Olympic thành hiện thực.

Thách thức ngày càng lớn

Với sự kiện thứ 2, vị thế của TTVN nâng lên đáng kể trên trường quốc tế khi Việt Nam giành quyền đăng cai Đại hội Thể thao châu Á - ASIAD lần thứ 18 năm 2019.

Sau những thành công với Đại hội Thể thao Đông Nam Á - SEA Games năm 2003, Đại hội Thể thao trong nhà châu Á - AI Games 2009 và kể cả Đại hội Thể thao bãi biển châu Á - AB Games 2016 (Việt Nam cũng đã giành quyền đăng cai tổ chức), thì ASIAD 2019 chính là sự kiện thể thao quốc tế lớn nhất mà Việt Nam đứng với tư cách chủ nhà. Bên cạnh việc cao vị thế, thì đây còn là cơ hội lớn để nâng cao thành tích thể thao, giới thiệu, quảng bá về quảng bá về hình ảnh, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa… với bạn bè quốc tế.

Vinh dự lớn, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đặt ra cho TTVN trong công tác điều hành, quản lý. Trước hết chính là việc sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí 150 triệu USD cho sự kiện này, nỗi băn khoăn mà dư luận đã từng đặt thành câu hỏi với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” trên Cổng TTĐT Chính phủ vào ngày 2/12/2012. Ngoài việc sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, thì rõ ràng, phía ngành Thể thao còn cần phải còn huy động được các nguồn xã hội hóa trong công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, tổ chức...

Với quy mô lớn như ASIAD (dự kiến thu hút 12.000 VĐV, 1.000 quan khách quốc tế, 1.000 trọng tài, 8.000 hướng dẫn viên, 2.000-3.000 phóng viên đến từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ và thi đấu khoảng 35 môn tại Hà Nội cùng 14 địa phương khác), thì công tác tổ chức không chỉ là "câu chuyện riêng" của ngành Thể thao mà cần sự vào cuộc của nhiều ban, ngành, địa phương liên quan.

Cuối cùng vẫn là thành tích của đoàn TTVN tại Đại hội này, khi thực tế chúng ta vẫn còn một khoảng cách nhất định mà trong 7 năm chuẩn bị tới phải hình thành được đội ngũ VĐV có chất lượng chuyên môn đảm bảo để đạt được mục tiêu có thể giành từ 10 đến 15 HCV tại ASIAD 18.

Nói thách thức là ở chỗ đó và năm 2012 thực sự mới chỉ là điểm bắt đầu./.

(Hoàng Hà/VGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất