Mùa thể thao 2009 đã đến. Những chương trình lớn, các giải đấu quan trọng đã và đang bắt đầu. Tuy nhiên, bên cạnh sự hồ hởi và niềm vui sau một năm nhiều thành công, Thể thao Việt Nam vẫn còn những băn khoăn, trăn trở khiến dư luận và người hâm mộ chưa thể an tâm để đồng hành với các nhiệm vụ và chỉ tiêu của năm nay. Vẫn còn đó những câu hỏi và sự chờ đợi dang dở ở đâu đó trước khi xắn tay vào cuộc.
1. Trung tuần tháng 2-2009 vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị hằng năm của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch toàn quốc. Tại đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có bài phát biểu chỉ đạo, yêu cầu ngành thể thao cần sớm tổ chức tổng kết và rút kinh nghiệm thành bại của những hoạt động đã qua, bởi chỉ như vậy công tác sắp tới của ngành mới có điều kiện phát huy cái tốt và khắc phục những điểm yếu. Vì đâu mà Phó Thủ tướng phải có chỉ đạo như thế? Ðã vài năm nay, ngay khi chưa ghép liên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoạt động thể thao đã bị "quên" việc tổng kết, rút kinh nghiệm. SEA Games 24 tổ chức tại Thái-lan cuối năm 2007, Olympic Bắc Kinh 2008 và Indoor Games 2 đều có những thành công và hạn chế, song bây giờ vẫn chưa được tổng kết. Biết bao nhiêu huy chương, phần thưởng của Nhà nước và các nhà tài trợ vẫn còn để đó, các gương mặt có nhiều thành tích vẫn được nghe hứa hẹn nhiều song chưa ai nhận được gì! Trong khi ấy năm 2009 này, Thể thao Việt Nam sẽ phải gồng mình lãnh những trách nhiệm không nhỏ, trong đó quan trọng hơn hết là SEA Games 25 và Indoor Games, biết bao công việc bề bộn đều dừng lại chờ có tổng kết cái cũ rồi mới bắt tay vào chu kỳ mới, đó là cái lo thứ nhất, không của riêng một ai.
2. Ðể chuẩn bị cho hai nội dung lớn như đã nói, đây đó lại có những cách hiểu và cách làm chưa phù hợp và gây hiểu lầm với dư luận. Ðầu tiên là luồng ý kiến cho rằng, kinh phí dành cho thể thao năm nay bị cắt giảm so với mọi năm. Thực ra vấn đề lại ở chỗ khác. Chúng tôi được biết, kinh phí Nhà nước dành cho thể thao đỉnh cao vẫn y như cũ, không những thế, Bộ Tài chính đã phê duyệt việc nâng tiêu chuẩn cho các tuyển thủ quốc gia, chẳng hạn khẩu phần trước đây của mỗi người là 60.000 đồng/ngày, bây giờ đã được nâng lên thành 120.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, vì bản danh sách tập trung các đội tuyển lại nhiều, mang tính dàn trải nên ảnh hưởng đến tiêu chuẩn cụ thể của từng vận động viên, tức là chúng ta vẫn không vận dụng câu nói "quý hồ tinh bất quý hồ đa".
Ông Nguyễn Hồng Minh, người từng nhiều năm làm quản lý thể thao đỉnh cao đã cho biết, sự vất vả của giới chuyên môn và các nhà quản lý là có thật, song không sao giải thích được rằng đã lâu nay, kế hoạch và chương trình thì cứ làm, cứ phê duyệt ở các hội nghị, thế nhưng chẳng ai kiểm tra việc thực hiện cho nên đầu nên đũa gì cả và đó là nỗi lo lắng tiềm tàng. Bên cạnh đó, nhiều sự việc mới xảy ra đã cho thấy sự lỏng lẻo và bất cập trong công tác quản lý và điều này dẫn đến việc để mất đi những khả năng, nói khác là những gương mặt có thể làm nên thành công của đội tuyển quốc gia. Tại SEA Games 24, môn điền kinh của chúng ta đã xuất sắc để giành được tám huy chương vàng, nhưng hiện tại, khả năng đó là quá xa vời. Cụ thể, nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương đã vào An Giang, nhà vô địch nhảy cao Nguyễn Duy Băng đã nghỉ đấu và mới đây nhất, nữ vô địch chạy cự ly vừa là Trương Thanh Hằng đã đơn phương tuyên bố không thi đấu cho TP Hồ Chí Minh, chỉ vì vấn đề chế độ đãi ngộ. Còn cách đây một tháng, tay vợt hạng 24 thế giới Nguyễn Tiến Minh cũng không có cơ hội tham dự hai giải quan trọng để nâng cao trình độ trước đợt thi đấu lớn trong năm do sự thiếu trách nhiệm của những cán bộ chuyên môn. Tại một số nội dung khác, đâu đó đều có một số khó khăn về nhân sự, kể cả sự lúng túng trong lề lối làm việc và đã có hệ lụy buồn, ảnh hưởng đến khả năng thi đấu giành thành tích của bộ môn...
3. Cuối cùng là môn thể thao vua, cho dù mới có mấy chiến công vang dội song ở chu kỳ SEA Games tới, việc chuẩn bị lực lượng lại không hề đơn giản. Tuần qua, Hội đồng huấn luyện viên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã bày tỏ sự quan ngại khi biết rằng VFF trao cho ông H. Calisto chịu trách nhiệm việc huấn luyện cả hai đội nam tham dự SEA Games 25 và "đội lớn". Sự việc thực chất không đến nỗi tốn nhiều giấy mực đến vậy, nếu biết rằng "đội lớn" chỉ làm nhiệm vụ trong một thời gian không nhiều, cụ thể là trong tháng 11-2009, còn đội tuyển U23 sẽ có toàn bộ quỹ thời gian để lo việc chuẩn bị. Nhiều người cho rằng áp lực lên đội tuyển U23 là rất lớn, bởi vì trong năm qua họ mới giành cup Met-đê-ca cho nên năm nay các đối thủ sẽ tập trung sự chú ý và gây khó khăn cho chúng ta, đó là chưa kể việc VFF chưa đả động gì đến khả năng phối hợp huấn luyện giữa hai ông thầy Calisto và Mai Ðức Chung. Trong khi đó, đội nữ cũng nhận chỉ tiêu phải bảo vệ thành công tấm huy chương vàng quý báu mới giành lại từ tay đội nữ Thái-lan. Ðây là một nhiệm vụ khó, khi nhân sự ở đội tuyển nữ đang có sự chuyển giao: các cầu thủ liền chị lần lượt nghỉ và những gương mặt trẻ phải vươn lên thế chỗ, trong khi ấy tin bên lề cho hay các đối thủ Thái-lan, Malaysia, Myanmar và cả Indonesia đều rốt ráo vào cuộc.
Ðể chuẩn bị cho lực lượng tham dự SEA Games 25, các cầu thủ bóng đá nam đã có chân trong đội tuyển vẫn còn phải dự đủ 22 loạt đấu gay go và hấp dẫn của V-League 2009 mà với những diễn biến khá căng thẳng sau mấy loạt đấu đầu tiên, liệu ai biết được là những chấn thương cấp kỳ có làm cho bản danh sách đội tuyển hội đủ được tất cả hay không, khi chỉ tiêu vàng vẫn dành cho nữ và chỉ tiêu bạc vẫn là của đội nam?
Vẫn biết, Indoor Games 3 sẽ diễn ra vào trung tuần tháng chín và SEA Games 25 là hạ tuần tháng 12, tuy thế, nếu chưa giải quyết xong những cấn cá và tồn đọng; nếu vẫn còn đó nhiều trăn trở và chờ đợi cái đáng lẽ phải được trả lời từ năm trước... các huấn luyện viên và vận động viên của chúng ta thật khó mà thanh thản để bước vào cuộc với những chỉ tiêu đòi hỏi sự chuẩn bị nghiêm túc và có chất lượng cao./.
(Theo Nhân Dân điện tử)