Chủ Nhật, 29/9/2024
Thể thao
Thứ Bảy, 31/12/2011 19:0'(GMT+7)

Thể thao Việt Nam - Nhìn lại một năm sôi động

Năm 2011 cũng đánh dấu năm thành công lớn của thể thao thành tích cao Việt Nam.

Năm 2011 cũng đánh dấu năm thành công lớn của thể thao thành tích cao Việt Nam.

Ngày 1/12/2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020. Theo Nghị quyết, quan điểm nhất quán về phát triển thể dục thể thao (TDTT) phục vụ sức khỏe nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc là quan điểm lãnh đạo xuyên suốt. Phát triển lĩnh vực TDTT để phục vụ việc phát triển nguồn nhân lực; đầu tư cho TDTT là đầu tư cho sự phát triển của đất nước.

Ngày 28/4/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 641/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 với mục tiêu tổng quát: Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong 20 năm tới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ khỏe mạnh của người Việt Nam. Đây cũng chính là mục tiêu lớn nhất và là đề án quan trọng nhất của ngành TDTT trong thời gian tới.

Đoàn Thể thao Việt Nam tham gia và thi đấu thành công tại SEA Games 26 tổ chức tại Indonesia từ ngày 11 đến 22/11/2011. Với 96 HCV - 92 HCB - 99 HCĐ, đoàn Thể thao Việt Nam vượt xa chỉ tiêu đề ra để đứng vững ở vị trí thứ 3 toàn đoàn tại Đại hội. Đây cũng là thành tích tốt nhất của thể thao nước nhà trong các lần tham dự SEA Games trên sân khách.

Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á - ASEAN Para Games tổ chức tại Solo (Indonesia) và giành 44 HCV - 44 HCB - 72 HCĐ để xếp hạng tư toàn đoàn theo đúng mục tiêu đề ra. Tại Đại hội, nhiều vận động viên Việt Nam đã phá kỷ lục Para Games và châu Á.

Phong trào TDTT quần chúng gắn với Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" tiếp tục có những tiến bộ rõ nét, các chỉ tiêu cơ bản về TDTT quần chúng đề ra đều đạt được. Số người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 24,1%; số gia đình đạt tỷ lệ 16% tổng số hộ; số CLB thể thao: 37092 CLB; số trường đảm bảo chương trình giáo dục thể chất 28.384 trường.

Năm 2011 cũng đánh dấu năm thành công lớn của thể thao thành tích cao Việt Nam. Theo thống kê, trong năm 2011 các VĐV Việt Nam đã giành được cả thảy: 297 HCV, 228 HCB, 248 HCĐ, trong đó có 10 HCV, 22 HCB, 17 HCĐ các giải thế giới; 37 HCV, 34 HCB, 28 HCĐ tại các giải châu Á; 222 HCV, 164 HCB, 1 84 HCĐ tại các giải Đông Nam Á; 28 HCV, 8 HCB, 19 HCĐ tại các giải quốc tế mở rộng.

Đoàn Thể thao Việt Nam tham gia và thi đấu thành công tại SEA Games 26.

Nhiều tuyển thủ trẻ Việt Nam đã lập được thành tích xuất sắc có ý nghĩa chuyên môn cao và mang đậm dấu ấn của các môn thể thao cơ bản. Tiêu biểu là tấm huy chương thế giới đầu tiên cùng suất dự Olympic London 2012 của nữ tuyển thủ thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh sinh năm 1991; kình ngư sinh năm 1993 Hoàng Quý Phước đạt chuẩn B dự Olympic ở nội dung bơi 100m bướm nam; kỳ thủ Lê Quang Liêm đạt danh hiệu Siêu Đại kiện tướng quốc tế ở tuổi 20...

Cùng với SEA Games 26, vòng loại Olympic London 2012 chính là đấu trường quan trọng thứ 2 của TTVN trong năm. Tính đến hết năm 2011, đã có 4 VĐV Việt Nam giành suất tham dự chính thức là: Phan Thị Hà Thanh (Thể dục dụng cụ); Văn Ngọc Tú (Judo); Chu Hoàng Diệu Linh, Lê Huỳnh Châu (Taekwondo) và mục tiêu của TTVN là phấn đấu có thêm các suất nữa ở các môn: Điền kinh, cử tạ, bơi, đấu kiếm...

Xác định xã hội hoá là bước đi tất yếu trong sự phát triển, trong năm 2011, Thể thao Việt Nam tiếp tục gặt hái được những thành công mới trên lộ trình này mà điển hình là việc các đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 26 thông qua nguồn kinh phí của địa phương, hoặc tự túc, nhưng đã đạt được nhiều thành tích chuyên môn đáng ghi nhận.

Vừa qua, VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) chính thức ra đời để thay cho VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam) quản lý, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam. Sự ra đời của VPF được kỳ vọng sẽ giúp bóng đá Việt Nam trở nên "sạch" hơn, thu hút người hâm mộ hơn và sớm tìm lại vị thế trên đấu trường quốc tế sau thất bại đáng buồn tại SEA Games 26./.

(Theo: Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất