Thứ Năm, 28/11/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 13/2/2017 9:50'(GMT+7)

Thêm 200.000 cử nhân thất nghiệp trong năm 2017

Cử nhân mới ra trường hoặc đã tốt nghiệp nhiều năm nhưng lại chưa có việc làm, thậm chí là thạc sĩ cũng chấp nhận làm trái ngành được đào tạo. Sự dư thừa về lao động có trình độ dẫn đến tình trạng hơn 100.000 cử nhân đang làm những công việc đơn giản, không yêu cầu bằng cấp đang là thực tế của thị trường lao động hiện nay.

Theo các chuyên gia thì ngay trong năm 2017 này sẽ có khoảng 200.000 cử nhân sẽ thất nghiệp. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) về nội dung này.

PV: Thưa ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này?

Ông Đào Quang Vinh: Thực tế trong những năm gần đây chúng ta thấy rằng tỷ lệ lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhóm lao động khác. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan và chủ quan.

them 200000 cu nhan that nghiep trong nam 2017 hinh 1
Rất nhiều thanh niên tìm kiếm cơ hội việc làm tại sàn giao dịch (Ảnh: MD)

Trước hết, trong cơ cấu đào tạo hiện nay thì số lượng đào tạo đại học, cao đẳng cao hơn hẳn so với bậc trung cấp, sơ cấp. Hiện nay, trong tỷ lệ đào tạo chung, thì 1 người được đào tạo đại học thì chỉ có 0,36% là cao đẳng và 0,68% là trung cấp và 0,86% là sơ cấp.

PV: Theo ông, việc cử nhân ra trường thất nghiệp là “tại thầy” hay “tại trò”? Do nhà trường đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp, hay do bản thân sinh viên chưa trang bị đủ kỹ năng, lựa chọn sai ngành nghề học?

Ông Đào Quang Vinh: Theo tôi, nguyên nhân từ nhiều phía. Thứ nhất là từ bố mẹ, gia đình hướng con em mình vào học ngành nghề gì. Trước đây, chúng ta vẫn theo quan điểm cho con cái học ngành nghề gì để vào làm nhà nước, sau này được nhàn thân, nhưng thực tế thì không phải như vậy.

Thứ hai là tư vấn giới thiệu việc làm và hướng nghiệp cho các em học sinh trong nhà trường chưa được tốt và thông tin thị trường lao động, nhất là việc kết nối cung và cầu thị trường lao động nhiều người, nhiều học sinh, nhiều gia đình không nắm được các doanh nghiệp họ đang cần loại lao động nào, trình độ nào để hướng con em mình và học ngành nghề đó.

Và chất lượng đào tạo tại các trường, cơ sở giáo dục đào tạo cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp.

PV: Mỗi năm có hàng chục ngàn sinh viên ra trường không có việc làm và con số này cứ tăng lên hàng năm, điều này sẽ gây lãng phí như thế nào đối với xã hội, thưa ông?

them 200000 cu nhan that nghiep trong nam 2017 hinh 2
Ông Đào Quang Vinh

Ông Đào Quang Vinh: Việc mà hàng nghìn, hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường mà không có việc làm gây lãng phí cho gia đình, cho xã hội. Tuy nhiên chúng ta ở đây cũng phải nhìn nhận một thực tế không phải chỉ ở Việt Nam mà nói chung ở nhiều nước trên thế giới, thì sinh viên tốt nghiệp ra vẫn có tỷ lệ nhất định là thất nghiệp.

Không phải tất cả mọi người thất nghiệp ra đều có thể tìm được việc làm đầy đủ, cái đó xuất phát từ nguyên nhân khách quan là có sự không gắn kết giữa cung và cầu lao động.

PV: Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để thay đổi điều này, biện pháp nào cần triển khai để số cử nhân thất nghiệp giảm xuống?

Ông Đào Quang Vinh: Để giảm được tỷ lệ cử nhân ra trường thất nghiệp thì chúng ta cần phải có hàng loạt các biện pháp và thực sự đây là các biện pháp lâu dài, không thể là một sớm một chiều bởi vì đòi hỏi phải thay đổi nhận thức của gia đình, của xã hội.

Cái này đòi hỏi thời gian để thay đổi hệ thống hướng nghiệp, tư vấn hướng nghiệp cho các em và các cơ sở giáo dục đào tạo. Quan trọng nhất là cải cách hệ thống giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo dự báo của chúng tôi thì năm 2017 sẽ có những chuyển biến, tuy nhiên cũng chưa nhiều và dự kiến những năm 2018, 2019 trở đi sau khi các giải pháp của chúng ta triển khai đồng bộ hơn thì tỷ lệ cử nhân thất nghiệp như hiện nay dần dần sẽ giảm.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Theo VOVnews




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất