Ngày 2/7, Ủy ban Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã kết thúc kỳ họp năm 2012 với quyết định công nhận thêm 26 di sản thế giới mới.
Các di sản thế giới được công nhận năm 2012 gồm 20 di sản văn hóa, năm di sản tự nhiên và một di sản văn hóa-tự nhiên.
Các nước và vùng lãnh thổ Chad, Congo, Palau và Palestine lần đầu tiên có di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
20 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận năm 2012 gồm di sản của các nước Bỉ, Bahrain, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Malaysia, Thụy Điển, Senegal, Morocco, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Slovania, Cote d'Ivoire, Palestine và Iran.
Năm di sản tự nhiên được công nhận gồm các di sản của các nước Nga, Chad, Ấn Độ, Trung Quốc và di sản tự nhiên chung của các nước Cameroon, Cộng hòa Trung Phi và Congo.
Phía Nam các đảo đá của Palau được UNESCO công nhận là di sản văn hóa-tự nhiên của thế giới.
Ngay sau khi công nhận di sản nơi sinh của Chúa Jesu gồm nhà thờ Chúa Giáng sinh và con đường hành hương ở Bethlehem, UNESCO đã báo động và đưa di sản này vào danh sách các di sản thế giới trong tình trạng nguy hiểm cùng với một số di sản thế giới tại Mali, Anh, Panama.
Di sản Pháo đài và các khu vườn ở thành phố Lahore của Pakistan và di sản ruộng bậc thang ở Philippines được đưa ra khỏi danh sách các di sản bị nguy hiểm./.
(TTXVN)