Sáng 21/11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống
thiên tai tổ chức cuộc họp giao ban về công tác ứng phó khắc phục hậu
quả mưa lũ, diễn biến áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết hồi 7 giờ ngày
21/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 123,3
độ Kinh Đông, trên miền Trung của quần đảo Philippines. Sức gió mạnh
nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/h), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây mỗi
giờ đi được 25-30km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành
bão.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ
đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Cục trưởng Cục ứng phó và khắc
khục hậu quả thiên tai, Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn đề nghị cần tiếp túc thực hiện nghiêm túc các
Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 57 ngày 17/11; văn bản
số 180 ngày 20/11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai -
Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về ứng phó
với mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất và sẵn sàng ứng phó với thiên tai khu
vực miền Trung và Tây Nguyên.
Các địa phương tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt
đới gần Biển Đông, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão mạnh,
lũ lớn, tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất,
lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn.
Hiện tại, Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa và các địa phương khác ở khu
vực Nam Trung Bộ tiếp tục tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu
quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị
thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng
người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm.
Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng
ngừa; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ
bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, hạn
chế thiệt hại do mưa lũ; kiểm tra đảm bảo an toàn hồ chứa, đặc biệt là
các hồ chứa đang thi công, sửa chữa, các hồ nhỏ do các doanh nghiệp, chủ
đầu tư quản lý.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến
tình hình thời tiết nguy hiểm, sớm phát hành các bản tin dự báo và cảnh
báo để chủ động có các biện pháp ứng phó. Thông tấn xã Việt Nam, Đài
Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tin
đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng; thường
xuyên thông báo diễn biến mưa lũ để các địa phương, nhân dân, Bộ, ngành
biết, chủ động phòng tránh.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung
ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai
và Tìm kiếm cứu nạn.
Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh
Khánh Hòa, thiệt hại do bão số 8 và mưa lũ, sạt lở đất tính đến 17 giờ
ngày 20/11 đã có 19 người chết và mất tích do sạt lở đất, 28 người bị
thương; 71 nhà bị sập, hư hỏng (thành phố Nha Trang 50 nhà, huyện Cam
Lâm 14 nhà, Thị xã Ninh Hòa 17 nhà); hơn 308ha lúa, hoa màu bị thiệt
hại, 8.991 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; hơn 10.000m3 đất
đá, đường giao thông bị sạt lở, 2.315m kênh mương bị hư hỏng; 287m kè bị
sạt lở, sạt lở đuôi tràn hồ chứa nước Đồng Bò cuốn trôi 1.400m3 đá về
hạ lưu./.
(TTXVN)