Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp: Việc thí điểm có thể thành công, có thể không thành công. Nếu không thành công phải kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh.
Nhân việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định kết thúc thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đã trả lời phỏng vấn của Cổng TTĐT Chính phủ.
PV: Xin ông cho biết tại sao Thủ tướng Chính phủ quyết định kết thúc thí điểm hình thành 2 tập đoàn này?
Ông Phạm Viết Muôn: Trong quá trình sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, Đảng ta có chủ trương thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước. Để triển khai, trong 5 năm 2001 đến 2005, chúng ta đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, từng bước tạo tiền đề bảo đảm cho việc thực hiện có hiệu quả.
Sau quá trình chuẩn bị, trong các năm 2005, 2006 và đầu năm 2007, chúng ta thí điểm thành lập 7 tập đoàn. Các tập đoàn này đều hình thành từ một tổng công ty nhà nước lớn. Năm 2009, sau khi sơ kết, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo, được Bộ Chính trị đồng ý, Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm thêm 4 tập đoàn, trong đó có 2 tập đoàn xây dựng. Khác với các tập đoàn khác, hai tập đoàn này hình thành trên cơ sở tổ chức lại 11 tổng công ty của Bộ Xây dựng. Tập đoàn Công nghiệp xây dựng lấy Tổng Công ty Sông Đà làm nòng cốt, Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị lấy Tổng Công ty Phát triển nhà và đô thị làm nòng cốt.
Tháng 12/2011, Chính phủ tổng kết thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế. Trong 11 tập đoàn, Vinashin do thị trường đóng tàu sụt giảm nghiêm trọng, mất gần hết đơn hàng, cộng với quản trị yếu kém, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đã lâm vào tình trạng phá sản và đang thực hiện tái cơ cấu theo kết luận của Bộ Chính trị; hai tập đoàn xây dựng không đạt được mục tiêu đề ra khi thành lập là hình thành các tập đoàn xây dựng lớn, trở thành tổng thầu, chi phối lĩnh vực bất động sản, các tổng công ty chọn làm nòng cốt không thực hiện được vai trò nòng cốt. Thực tế quản lý, phát triển và hiệu quả sản xuất kinh doanh đặt ra yêu cầu không nên tiếp tục duy trì 2 tập đoàn này.
Cũng phải nói rằng, thí điểm có thể thành công, có thể không. Nếu không thành công phải kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh. Trong số 11 tập đoàn, ngoại trừ 3 tập đoàn vừa nêu, còn 8 tập đoàn khác hoạt động tốt, đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ thành công là 8/11; tôi cho rằng chúng ta đã thành công trong thực hiện chủ trương thí điểm hình thành tập đoàn kinh tế của Đảng.
PV: Với việc kết thúc thí điểm này, liệu quyền lợi của các khách hàng và người lao động tại 2 tập đoàn này có bị ảnh hưởng không, thưa ông?
Ông Phạm Viết Muôn: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ rất rõ cho Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thành lập Tổng công ty Sông Đà trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ - Tập đoàn Sông Đà và các đơn vị thành viên của Tổng công ty Sông Đà trước đây; thành lập Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ - Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị và các đơn vị thành viên của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị trước đây.
Thứ hai, các tổng công ty đã tham gia là thành viên của 2 Tập đoàn này như Tổng công ty Lắp máy Việt Nam; Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng; Tổng công ty Cơ khí xây dựng; Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội… được chuyển về trực thuộc Bộ Xây dựng, như trước đây.
Như vậy, mọi hợp đồng mà khách hàng đã ký với Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam sẽ được Tổng Công ty Sông Đà kế thừa, các hợp đồng mà khách hàng đã ký với Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Việt Nam sẽ được Tổng Công ty Phát triển nhà và Đô thị Việt Nam kế thừa. Các đơn vị thành viên cũng tiếp tục kế thừa các quyền và nghĩa vụ đã cam kết.
Do đó, việc kết thúc thí điểm không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, của người lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua theo dõi, nhìn chung tập thể cán bộ, người lao động của các tập đoàn này đều ủng hộ và mong muốn sớm có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
PV: Bên trên cũng đã nói, ông có thể phân tích rõ hơn những nguyên nhân khiến việc thí điểm 2 tập đoàn này không thành công?
Ông Phạm Viết Muôn: Qua tổng kết, chúng ta thấy rằng tập đoàn nào được hình thành trên cơ sở sự phát triển vươn lên lớn mạnh của một tổng công ty lớn thì hoạt động tốt. Trong 11 tập đoàn thí điểm, có 8 tập đoàn như vậy (không kể Vinashin). Nói cách khác, nếu việc hình thành tập đoàn dựa trên yêu cầu, đòi hỏi của phát triển lực lượng sản xuất thì khi tạo ra quan hệ sản xuất mới theo mô hình tập đoàn sẽ hoạt động tốt.
Trong khi đó, việc thí điểm hình thành 2 tập đoàn xây dựng dựa trên cơ sở lắp ghép cơ học các đơn vị, khi thực tiễn chưa đặt ra yêu cầu, đòi hỏi một mô hình tổ chức như vậy. Do đó, việc thí điểm thành lập tập đoàn không những chưa tạo điều kiện cho Tổng Công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị phát triển, thậm chí còn ngược lại. Có thể, ở đây quan hệ sản xuất đi trước một bước nên việc thí điểm 2 tập đoàn này không thành công.
Cũng phải nói thêm rằng, những khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước cũng tác động rất mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hai tập đoàn này. Thị trường bất động sản đình trệ, thị trường xây dựng thu hẹp làm cho 2 công ty mẹ hoạt động trong lĩnh vực tương ứng gặp rất nhiều khó khăn.
Việc kết thúc thí điểm hai tập đoàn này là nhằm khắc phục nguyên nhân căn bản dẫn đến thí điểm không thành công. Tôi nghĩ rằng tập đoàn sẽ ra đời nếu có nhu cầu khách quan và điều kiện chín muồi. Trong 8 tập đoàn tiếp tục được duy trì, Tập đoàn Dệt may sẽ cổ phần hóa, còn lại 7 tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực: Dầu khí, điện lực, than khoáng sản, viễn thông, hóa chất, cao su, sẽ phát triển mạnh và sớm trở thành những doanh nghiệp Việt Nam đạt tầm khu vực.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông!
Thu Hà - Chinhphu.vn