Nói chuyện với các địa phương và các giới đồng bào, Bác Hồ luôn luôn nhắc nhở phong trào thi đua, nêu mục tiêu thi đua cụ thể với từng giới, từng địa phương. Một câu ngắn gọn của Người mà mọi người đều nhớ: “Thi đua là yêu nước; yêu nước thì phải thi đua”(1).
Chủ nghĩa yêu nước là truyền thống quý báu và là động lực phát triển của dân tộc, nhưng mục tiêu cụ thể của tinh thần yêu nước thì mỗi thời kỳ có những nội dung không giống nhau, gắn với nhiệm vụ của đất nước và đặc điểm của mỗi giới, mỗi địa phương... Nhớ lại 65 năm trước, khi đất nước mới giành được độc lập và bước vào những ngày đầu của cuộc kháng chiến trường ky,â để giữ vững nền độc lập còn non trẻ, thì mục tiêu của cuộc thi đua yêu nước lúc đó là “Diệt giặc đói; Diệt giặc dốt; Diệt giặc ngoại xâm”. Và ngày nay, sau khi thống nhất đất nước, thực hiện đổi mới, hội nhập quốc tế thì nội dung thi đua yêu nước là góp sức thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hướng tới mục tiêu chung đó, mỗi giới, mỗi ngành, tùy theo đặc điểm của mình, lại có những nội dung cụ thể. Tôi xin trình bày một số ý kiến về phong trào thi đua yêu nước trên lĩnh vực kinh tế trong trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức...
1. Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, xuất hiện khái niệm cạnh tranh ngày càng phổ biến trong xã hội và ngay trong các văn kiện định hướng của Đảng và Nhà nước... bởi cạnh tranh là tính chất cơ bản và là quy luật tất yếu của nền kinh tế thị trường (cho dù định hướng XHCN). Theo cách hiểu phổ thông, thì cạnh tranh là ý thức và hành động cố gắng mang lại thắng thế về mình, về tổ chức của mình, nhằm trước hết là lợi ích...; trong kinh tế là cố gắng chiếm lĩnh uy tín, thị phần lớn và tất nhiên lợi nhuận lớn hơn so với các đối tượng khác, do đó trở thành động lực quan trọng thúc đẩy quá trình cải tiến kỹ thuật, quản lý, tăng hiệu quả. Tóm lại là động lực để tiến lên.
Trước đây chúng ta thường lầm lẫn cho rằng, cạnh tranh là khái niệm của nền kinh tế tư bản, cho nên không nhắc đến. Còn ngày nay, khi đã công nhận, khuyến khích, thúc đẩy thì có không ít người lại quên đi những mặt trái tàn khốc của cạnh tranh, nhiều khi vì mục tiêu thuần túy kinh tế và lợi ích cục bộ đã áp dụng những thủ đoạn xấu xa, trái pháp luật để giành thắng lợi.
Đồng thời, cùng với việc nhấn mạnh rất đúng và kịp thời của cạnh tranh, theo tôi nghĩ, có một thời gian chúng ta đã quên đi phong trào thi đua. Sau đổi mới 10 năm, chúng ta mới lại tổ chức Đại hội thi đua.
2. Thi đua theo cách hiểu thông thường là cùng nhau đem hết tài năng, sức lực thúc đẩy lẫn nhau, đạt những thành tích tốt nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chung của đất nước từng thời kỳ. Cạnh tranh trong kinh tế, theo tôi hiểu, chủ yếu giành lợi thế về kinh tế, còn thi đua, bên cạnh hiệu quả kinh tế còn có nội dung tiến bộ xã hội. Cạnh tranh chỉ cốt giành phần thắng, trong khi thi đua còn có hợp tác thúc đẩy, động viên lẫn nhau để cùng nhau lớn lên vì mục tiêu chung của đất nước. Do đó, thi đua có mục tiêu rộng hơn và có tính nhân văn cao.
Trong Lời kêu gọi ban đầu của phong trào thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra cách làm là “dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân”, nghĩa là, phong trào thi đua phải trở thành phong trào quần chúng tự nguyện, sôi nổi vì lợi ích và hạnh phúc của nhân dân. Chính vì thế, theo tôi hiểu, thì thi đua có mục tiêu cao hơn cạnh tranh, hướng tới cả giá trị về kinh tế và giá trị tinh thần trong sự hợp tác và ý thức con người cùng nhau phát triển vì đất nước, vì nhân dân. Nhưng trong quá trình đổi mới và hội nhập, thì thi đua phải gắn với cạnh tranh nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và quốc gia.
3. Cuộc sống đã dạy cho chúng ta cách nhìn biện chứng, để thấy đầy đủ các mặt của sự vật... Như trên đã nêu, nếu chỉ cạnh tranh đơn thuần thì có thể dẫn tới việc có thể sử dụng cả những thủ đoạn không chính đáng và vi phạm luật pháp để thắng thế đối thủ, làm cho cạnh tranh nhiều lúc mang khuôn mặt tàn ác không nên có trong xã hội xã hội chủ nghĩa.
Còn thi đua, bên cạnh những mặt tốt đẹp cũng lại đã xuất hiện hiện tượng "làm láo, báo cáo hay", bệnh phô trương, ham hố thành tích. Trong bệnh “chạy chọt” có căn bệnh “chạy danh hiệu”, không chỉ do bệnh phô trương, hình thức mà còn biểu hiện chủ nghĩa cá nhân của những người lãnh đạo, quản lý. Vì danh hiệu nhiều khi liên quan tới địa vị xã hội, chính vì thế mà đã có đơn vị được phong Anh hùng thời kỳ đổi mới, cán bộ lãnh đạo, quản lý được cất nhắc, nhưng sau đó không lâu, đơn vị bị phá sản, người lãnh đạo, quản lý bị kỷ luật hoặc vướng vòng lao lý.
Do đó, cạnh tranh gắn với thi đua là phải cạnh tranh lành mạnh, cạnh tranh đúng luật pháp, cạnh tranh nhưng vẫn giữ tính nhân văn, mà có học giả đã gọi là “cạnh tranh mang gương mặt người”.
Thi đua là phải thiết thực, gắn với hiệu quả kinh tế, xã hội, chống bệnh hình thức.
Thi đua và cạnh tranh đều phải trung thực. Không chỉ nêu phương hướng, mà cần kiểm tra, đánh giá đúng phong trào thì mới có thể đánh giá đúng người có tài, có đức, do đó kiểm tra hết sức quan trọng...
Trong việc đánh giá không đúng, chủ yếu “thổi phồng” (từ của Bác Hồ) có trách nhiệm của các cơ quan truyền thông đại chúng, với những nguyên nhân khác nhau mà tôi sẽ đề cập trong một dịp khác.
Còn nhớ lúc sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm những tấm gương người tốt, việc tốt của những tập thể và cá nhân, để Người nhắc tặng huy hiệu và khen thưởng. Nhưng trên góc bài báo "người tốt, việc tốt" nào mà Người muốn thưởng huy hiệu, Người thường đề ghi bên lề dòng chữ “kiểm tra”, thấy đúng thì tặng huy hiệu. Khi nhắc tới phong trào thi đua do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động và chỉ đạo, cũng nên nhắc tới chi tiết này để khen thưởng, tặng danh hiệu cho đúng, vì danh hiệu không chỉ là vinh dự của người nhận, mà còn là tấm gương cho mọi người noi theo, do đó không thể tùy tiện, không thể lạm phát và phải có chừng mực khi nêu các danh hiệu to tát cho những việc làm cho dù tốt, nhưng chưa thật tương xứng./.
Hữu Thọ
----------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996, t.6, tr. 473.