Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6) hằng năm, không chỉ là ngày hội của giới báo chí nước ta, mà còn là dịp thể hiện niềm vui chung của toàn xã hội. Với chức năng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể…; là diễn đàn tin cậy của các tầng lớp nhân dân ta, báo chí ngày càng đáp ứng có hiệu quả mọi nhu cầu thiết yếu của xã hội trong việc cung cấp, định hướng thông tin về đối nội, đối ngoại của đất nước ta; là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày đối với những người khát khao hiểu biết, cống hiến, sáng tạo cho tập thể và cho xã hội.
Đồng hành cùng dân tộc trong gần 9 thập kỷ qua dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những cống hiến tích cực và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng, phát triển đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu; là nhịp cầu hữu nghị nối dân tộc ta với bầu bạn năm châu. Hàng trăm nhà báo đã anh dũng ngã xuống trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc với tư thế vừa cầm bút, cầm máy, vừa cầm súng. Hàng trăm nhà báo vượt lên mọi gian khó đời thường, kể cả sự hiểm nguy tính mạng để đến với các vùng mưa bão, núi lở, hạn hán, cháy rừng; các địa điểm dịch bệnh đang hoành hành... để thông tin kịp thời mọi diễn biến và hậu quả, giúp cho các cơ quan chức năng có biện pháp đối phó, xử lý kịp thời. Nhà báo không chỉ tham gia phản ánh những vụ việc đau lòng do thiên tai, dịch bệnh gây ra, mà còn trực tiếp tổ chức và tham gia các sự kiện từ thiện, góp sức cùng xã hội làm vợi đi nỗi đau da cam, những mảnh đời bất hạnh, oan khiên; xây hàng trăm “ngôi nhà tình nghĩa”, dành hàng ngàn cuốn sổ “tiết kiệm tình nghĩa” tặng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân các gia đình liệt sĩ... Toàn xã hội trân trọng, đánh giá cao ý thức chính trị, tinh thần hết lòng phục vụ sự nghiệp chung của Đảng và dân tộc; những việc làm nghĩa tình của các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội quân làm báo cách mạng.
Phát hiện cổ vũ, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, những mô hình hoạt động kinh tế - xã hội có hiệu quả, gắn liền với nhiệm vụ đấu tranh phê phán các thói hư tật xấu, các tệ nạn xã hội, đặc biệt là vấn nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí…, đã và đang là đòi hỏi bức thiết của xã hội đối với từng nhà báo. Biểu dương đúng mức, rút ra kinh nghiệm để nhân rộng đã khó; nhưng phê phán chuẩn xác, tìm đúng bản chất các hành vi tiêu cực, tham nhũng, càng khó gấp bội lần. Chính vì lẽ đó, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mong muốn mỗi người cầm bút nêu cao hơn nữa nghĩa vụ công dân, trách nhiệm xã hội trong quá trình phản ánh, bình luận, định hướng thông tin với tư duy nhạy bén, bản lĩnh chính trị vững vàng, thái độ công tâm, khách quan, cầu thị. Không ít bộ, ban, ngành, địa phương nhờ báo chí phát hiện và kiến nghị, đã kịp thời kiểm tra, rà soát để hoàn thiện các chủ trương, cơ chế, chính sách; xử lý đúng người, đúng tội trong các vụ việc tiêu cực do báo chí nêu. Thông qua hàng loạt hoạt động đa dạng của nhà báo, vai trò phản biện, giám sát của báo chí đối với các hoạt động xã hội ngày càng được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Sự yêu mến, quý trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân dành cho báo giới là lời nhắn gửi chân thành đối với từng nhà báo chân chính. Hãy làm sáng mãi phẩm chất cao đẹp của báo chí cách mạng Việt Nam: Trung thành - Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo, những dòng chữ của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ghi trong bức trướng tặng giới báo chí cả nước nhân kỷ niệm 80 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam!./.
Hồng Vinh