Thứ Bảy, 23/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 4/6/2018 16:14'(GMT+7)

Thi đua yêu nước là cội nguồn làm nên sức mạnh đại đoàn kết





Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh nhân kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

PV: Sinh thời Bác Hồ từng nói "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua". Những năm qua, MTTQ Việt Nam đã có những việc làm cụ thể gì thúc đẩy phong trào thi đua trở thành động lực của phát triển, thưa bà?

Phó Chủ tịch Bùi Thị Thanh: 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu, nhiều phong trào thi đua yêu nước đã được phát động và trở thành cao trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Phát huy truyền thống thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, với tinh thần dựa vào “lực lượng của dân, tinh thần của dân” để đem lại “ hạnh phúc cho dân” và các chủ trương của Đảng, Nhà nước “Về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”; MTTQ Việt Nam đã cụ thể hóa các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước phát động vào các chương trình phối hợp thống nhất hành động, thông qua việc tổ chức các cuộc vận động và phong trào thi đua trong toàn quốc, nhằm phát huy nội lực về tinh thần và vật chất trong nhân dân để góp phần cùng Đảng, Nhà nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; (nay là cuộc vận động “Toàn dân doàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”); cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Vì Người nghèo”; phong trào thi đua “Đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” hay tổ chức công bố “Sách vàng sáng tạo Việt Nam”, Hội nghị biểu dương Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc, giai đoạn 2014-2017… do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức đã cổ vũ, khơi dậy tinh thần yêu nước, trí tuệ của người Việt Nam thi đua sáng tạo để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực tiễn cho thấy, các phong trào thi đua đã khơi dậy, phát huy được sức mạnh và sự sáng tạo của nhân dân, từ đó góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp và thống nhất hành động của MTTQ Việt Nam hằng năm.

Thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ và sau này là thi đua yêu nước mà Đảng ta đã thực hiện đó là củng cố sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra động lực để các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng đất nước, ý kiến của bà về vấn đề này?

Phải khẳng định rằng thành quả lớn nhất của việc thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ và sau này là thi đua yêu nước đó là củng cố sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra sức mạnh chính trị, tinh thần, vật chất cho đất nước. Điều này đã được chứng minh qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc bất luận trong hoàn cảnh nào, đã kết thành sức mạnh vô địch, đưa dân tộc ta vượt lên mọi khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang, hay nói cách khác, đoàn kết là cái gốc làm nên thành công và đại đoàn kết là sức mạnh dẫn đến đại thành công, như Bác Hồ đã dạy:

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết,

Thành công, thành công, đại thành công”.

Chính vì vậy, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành một trong những bài học kinh nghiệm lớn, là phương thức và cũng là điều kiện bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Qua Lời kêu gọi thi đua ái quốc và các phong trào thi đua yêu nước cho thấy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức đúng và đầy đủ về sức mạnh vô địch của đông đảo nhân dân.

 

Theo đó, MTTQ Việt Nam trong những năm qua đã tăng cường, đa dạng hóa các hình thức, tập hợp các tầng lớp nhân dân, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, đóng góp nhân lực, vật lực, tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh. 

Để phát huy tinh thần thi đua yêu nước, MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành để vinh danh những sáng kiến của các tập thể, cá nhân sản xuất ra những sản phẩm mang tính ứng dụng cao, xin bà chia sẻ về vấn đề này?

Thời gian qua, rất nhiều phong trào được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp cùng các bộ, ngành khác thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, từ năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các bộ, ngành liên quan tổ chức tuyển chọn, công bố hằng năm Sách vàng Sáng tạo Việt Nam.

Việc công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam không chỉ nhằm tôn vinh các nhà khoa học và thành tựu khoa học và công nghệ mà còn nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân; thông qua đó góp phần kết nối, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự phát triển bền vững của đất nước. Đó là những công trình sáng tạo khoa học và công nghệ tiêu biểu; các dự án, sáng kiến, nhất là các sáng kiến có giá trị hỗ trợ cộng đồng về y tế, môi trường về phát triển kinh tế - xã hội ở những địa bàn khó khăn, biên giới, hải đảo và được ứng dụng rộng rãi trong xã hội.

Một trong số các công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ tiêu biểu phải kể đến như: “Ứng dụng Bioreactor trong sản xuất giống cây cà phê bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào” của nhóm tác giả đến từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên; những nghiên cứu khoa học bổ ích như: Máy nông nghiệp đa năng; thiết bị rửa và xử lý trái cây thanh long sau thu hoạch; smarthome cho các gia đình nông thôn Việt Nam; ứng dụng tế bào gốc tủy xương trong điều trị chậm liền xương và khớp giả; công nghệ cấy truyền phôi bằng phương pháp gây rụng trứng tạo thể vàng đồng pha để sản xuất bò BBB thuần chủng tại Việt Nam... thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội đang được Đảng, Nhà nước tập trung ưu tiên phát triển như nông nghiệp, giáo dục, y tế, kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển hạ tầng, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, quốc phòng, an ninh... Tác giả của các công trình này là những tập thể, cá nhân trên mọi miền Tổ quốc; có người là giáo sư, tiến sĩ, có người là chủ doanh nghiệp và cả những nông dân, học sinh, sinh viên...

Các phong trào thi đua thực sự là động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước, MTTQ Việt Nam các cấp cần làm gì để thôi thúc từng cá nhân trong xã hội mang hết tài năng, sức lực, trí tuệ, nhiệt tình trách nhiệm để đóng góp vào sự phát triển của đất nước, thưa bà?

Để thi đua thực sự là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước thì MTTQ Việt Nam các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân, toàn xã hội mang hết tài năng, sức lực, trí tuệ, sự nhiệt tình trách nhiệm của mình để góp phần vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Bên cạnh đó cần có những chính sách khen thưởng kịp thời nhằm khuyến khích, cổ vũ, biểu dương, động viên các cá nhân tham gia.

Do vậy, việc nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân của MTTQ là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Thông qua công tác tuyên truyền để tập hợp, cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động, qua đó phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, những việc làm hay, những giải pháp tốt trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo tuyên truyền vận động để tập hợp phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Mặt trận đi vào thực chất, có trọng tâm, trọng điểm.

Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!

Nguồn: Tạp chí Mặt trận

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất